Tương tự, ngành dệt may cũng đang "chật vật" cố gắng hoàn thành các đơn hàng đã nhận và duy trì các đơn hàng với khách. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam đưa ra dự báo không mấy khả quan: Với kịch bản tốt nhất thì năm nay xuất khẩu chỉ có thể đạt khoảng 32-33 tỷ USD, trong khi mục tiêu ban đầu đặt ra năm 2021 sẽ xuất khẩu khoảng 39-39,5 tỷ USD sản phẩm dệt may.
Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM, hiện chỉ có khoảng 600 doanh nghiệp của Thành phố tiếp tục hoạt động nhờ áp dụng chế độ này. Đây là con số quá ít ỏi so với hàng chục nghìn doanh nghiệp của TPHCM và các doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu.
Mặc dù đã rất nỗ lực, tuy nhiên triển vọng đạt mục tiêu của 2 ngành trong năm nay không mấy khả quan. Bộ Công Thương ước tính, năm 2021, sản lượng một số mặt hàng chính của hai ngành đều sụt giảm và thấp hơn so với mục tiêu đã đặt ra. Thậm chí, trong năm 2022, sản xuất sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Với vai trò đơn vị quản lý ngành, Bộ Công Thương cho biết đã bám sát diễn biến thị trường, phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ ngay những nút thắt cho doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng các giải pháp dài hạn, cải thiện nội tại sản xuất, giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, phát triển ngành thời trang trong nước.
Bộ Công Thương cũng thực hiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hóa ngành công nghiệp dệt may, da giày; phát triển dệt, nhuộm trong nước, bảo đảm nhu cầu vải cho ngành.
Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh rủi ro, đồng thời bảo đảm được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước dịch chuyển từ CMT (phương thức sản xuất thấp nhất của ngành dệt may bao gồm cắt, may, hoàn thiện sản phẩm) lên các phương thức sản xuất cao hơn: OEM/FOB (sản xuất, giao hàng), ODM (tự chủ thiết kế mẫu, thu mua nguyên vật liệu, quá trình cắt may, hoàn thiện sản phẩm, đóng gói và giao hàng), OBM (mẫu và thương hiệu ban đầu độc quyền của doanh nghiệp sản xuất) đáp ứng các yêu cầu về chất lượng của đơn hàng xuất khẩu. Chú trọng khâu thiết kế mẫu mã và hệ thống phân phối nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa, đồng thời hướng tới xuất khẩu.
Phát triển ngành thời trang trong nước trên cơ sở hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế thời trang và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đơn lẻ của khách hàng.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn hiện tại cho doanh nghiệp, giữ vững thị trường xuất khẩu, đi đôi với phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh bán hàng để khai thác tối đa thị trường trong nước. Tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm da giày Việt Nam tại Mỹ, EU. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm tuân thủ triệt để những điều khoản về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ của các thị trường nhập khẩu.