Tại Hội nghị kết nối Ireland - Việt Nam: Nông nghiệp trong thời đại 4.0 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thương vụ Ireland tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định trong hơn 30 năm đổi mới, nhờ liên tục đổi mới ngành nông nghiệp, Việt Nam đã từ một nước nông nghiệp lạc hậu, phải nhập khẩu lương thực đã chuyển sang một quốc gia có nền nông nghiệp hàng hoá, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn là một quốc gia xuất khẩu nông sản thuộc nhóm hàng đầu trong khu vực.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3% và Việt Nam xuất siêu gần 4 tỷ USD. Việt Nam cũng trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới, trong đó 8 tháng đầu năm có trên 10 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hiện nay hầu hết máy móc thiết bị phục vụ cho ngành nông nghiệp phải nhập khẩu từ nước ngoài do ngành chế tạo máy phục vụ nông nghiệp ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Hầu hết doanh nghiệp chăn nuôi hiện nay phải nhập khẩu giống, vật nuôi ở nước ngoài.
Ngoài ra, thị trường tiêu thụ không bền vững, chuỗi liên kết giữa các nhà phân phối, bán lẻ lớn còn chưa chặt chẽ. Việc tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết còn nhiều hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân, doanh nghiệp còn yếu.
Nguồn nhân lực có trình độ thấp, chưa được đào tạo về tiến bộ công nghệ, kỹ thuật. Lao động vùng nông thôn tuy dồi dào nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao, mối quan hệ giữa lao động nông thôn và các doanh nghiệp cũng chưa gắn bó ổn định.
TS. Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội chăn nuôi Việt Nam nhận định: Ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện thuộc nhóm trung bình trên thế giới. Hiện nay chỉ có những trang trại lớn, tập đoàn lớn áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; trong khi phần lớn những cánh đồng nhỏ và nông hộ vẫn áp dụng cách làm cũ, hiệu quả không cao.
Năng suất ngành chăn nuôi cũng thuộc nhóm trung bình trên thế giới. Cụ thể năng suất chăn nuôi lợn đạt khoảng 2.000 - 2.400 kg lợn hơi/1 nái/1 năm, thấp hơn đáng kể so với năng suất khoảng 2.800 kg lợn hơi/1 nái/ 1 năm của nhiều quốc gia khác. Trong khi đó, mật độ chăn nuôi của Việt Nam đã rất cao, thuộc nhóm hàng đầu thế giới nên rất cần cách làm mới tăng năng suất thay vì tiếp tục tăng thêm mật độ.
Ireland là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển với nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đem lại giá trị kinh tế lớn và thân thiện với môi trường. Kết quả đó đến từ việc áp dụng công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong quá trình sản xuất nông nghiệp và một chiến lược phát triển toàn diện, bền vững.
Ông Martin Heydon - Quốc Vụ khanh Bộ Nông nghiệp, thực phẩm và Hàng hải Ireland cho biết: Chiến lược 10 năm của Ireland trong ngành nông nghiệp giúp Ireland trở thành quốc gia cung cấp thực phẩm hàng đầu thế giới hướng tới người tiêu dùng thông qua phương pháp tiếp cận toàn diện mang tính kết nối sản phẩm dinh dưỡng, môi trường, sản phẩm có chất lượng an toàn và thân thiện, bền vững với môi trường.
Cùng với đó, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hoạt động nghiên cứu phát triển góp phần quan trọng trong thành công của ngành cũng như giảm phát thải khí nhà kính, làm giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp trở nên thân thiện môi trường. Ireland hiện là quốc gia có mức chi cao nhất trên đầu người về nghiên cứu và phát triển trong nông nghiệp. Năm 2020, Ireland đã thực hiện chương trình đầu tư trên 48 triệu euro cho các startup với 125 công ty khởi nghiệp mới được hỗ trợ.
Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến thành công của ngành nông nghiệp Ireland là sự tham gia, gắn kết các thành phần, các bên liên quan trong quá trình xây dựng quy hoạch, chiến lược cho ngành. Điều này rất quan trọng vì tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các bên cũng như đàm bảo cân bằng lợi ích giữa các thành phần tham gia trong ngành. Nhờ đó, dù hệ thống canh tác Ireland chủ yếu dựa trên hệ thống nông trại gia đình nhưng Ireland luôn duy trì được chất lượng sản phẩm và đảm bảo phát triển bền vững.
Tại hội nghị, các đơn vị, doanh nghiệp của Ireland cũng giới thiệu nhiều ứng dụng thiết bị công nghệ cao trong nông nghiệp, dinh dưỡng cho vật nuôi, giải pháp nâng cao hiệu quả kho hàng…