Vì sao Tập đoàn Hòa Phát bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt?

Minh Quân

16/05/2022 19:54

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long với số tiền 125 triệu đồng vì liên quan đến việc cơ cấu thành viên độc lập trong HĐQT.

tran-dinh-long-chu-tich-hoa-phat-1652704748.jpg
Tỷ phú Trần Đình Long- Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát

Ngày 11/05/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HOSE - Mã: HPG) vì không đảm bảo số lượng thành viên độc lập trong HĐQT. Theo đó, Hòa Phát bị phạt 125 triệu đồng vì không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Hiện tại, Hòa Phát có 7 thành viên trong HĐQT, nhưng không có thành viên Hội đồng quản trị độc lập.  Cụ thể HĐQT Hòa Phát gồm ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT, các Phó Chủ tịch HĐQT gồm ông Doãn Gia Cường, Nguyễn Mạnh Tuấn và Trần Tuấn Dương, 3 thành viên HĐQT là các ông Hoàng Quang Việt, Nguyễn Việt Thắng và Nguyễn Ngọc Quang.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 276 Nghị định số 55/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập của công ty niêm yết phải đảm bảo quy định có tối thiểu 2 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên Hội đồng quản trị từ 6 đến 8 thành viên.

Được biết Forbes vừa công bố danh sách Global 2000 năm 2022 bao gồm 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo 4 tiêu chí: doanh thu, lợi nhuận thuần, tổng tài sản và giá trị thị trường. Năm nay, Việt Nam có 5 đại diện vào danh sách Global 2000 của Forbes bao gồm: Vietcombank, VietinBank, Hòa Phát, BIDV và Techcombank.

Trong 5 doanh nghiệp Việt Nam vào danh sách này, Hòa Phát là công ty có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất, Vietcombank đứng đầu về vốn hóa thị trường và BIDV dẫn đầu về tài sản.

Đối với Hòa Phát, năm 2021 doanh thu và lợi nhuận của công ty đạt mức lần lượt là 150.865 tỷ đồng và 34.521 tỷ đồng. Đây được xem là mức kỷ lục trong lịch sử của doanh nghiệp cũng như của một công ty sản xuất công nghiệp tại Việt Nam. Năm 2021, Hòa Phát cũng là công ty có mức lãi sau thuế đứng vị trí thứ 2 toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

thep-hoa-phat-1652429484.jpg

Trong 5 doanh nghiệp Việt Nam vào danh sách Global 2000 năm 2022 của Forbes, Hòa Phát là công ty có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất

Cập nhật kết quả kinh doanh trong 3 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát đạt 44.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với quý I/2021. Năm nay, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 160.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tập đoàn đặt ra vào khoảng từ 25.000 – 30.000 tỷ đồng, giảm tương ứng 13-28% so với năm 2021.

Số liệu của Forbes cho thấy, tỷ phú Trần Đình Long (1961), chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục duy trì vững chắc vị trí giàu số 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam và lần đầu tiên lọt top 1.000 tỷ phú giàu nhất trên thế giới, với tổng tài sản đạt 3,2 tỷ USD.

Được gọi bằng danh xưng "ông vua thép" của Việt Nam, ông Trần Đình Long có bằng cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân chuyên ngành kinh tế. Đến nay, tập đoàn Hoà Pháp do ông Long sáng lập đang là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Những ngày đầu khởi nghiệp, năm 1992, ông Trần Đình Long cùng người bạn thân thiết của mình là ông Trần Tuấn Dương thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng. Đây là công ty chủ yếu buôn bán đồ cũ từ Nga về, sau 6 năm bôn ba tìm hiểu về thị trường. Và cũng kể từ đây, sự nghiệp kinh doanh của ông chính thức bắt đầu. 

Bắt đầu từ năm 1992 đến năm 1996, ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát. 

Và từ năm 1996 đến năm 2005, ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị các công ty thuộc nhóm Hòa Phát. 
Phải sau đến 8 năm, bán đủ thứ từ máy móc, nội thất tới ống thép, vào năm 2000, "thép xây dựng" mới có mặt trong danh mục sản phẩm của Hòa Phát.

Năm 2007, Tập đoàn Hòa Phát chính thức ra đời. Khu liên hợp Gang thép tại Hải Dương của Hòa Phát được xây dựng, mục tiêu trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam của Hòa Phát và đến nay, mục tiêu này đã trở thành hiện thực.

Ngày 6/10/2021, Hãng dữ liệu của Anh quốc Refinitiv Eikon (tiền thân là Thomson Reuters Data) công bố Top 30 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đứng thứ 15 trong danh sách này với mức vốn hóa 11 tỷ đô la Mỹ, lớn hơn vốn hóa của Tập đoàn Thép hàng đầu Nhật Bản là JFE Holdings.

Minh Quân