Vì sao HSBC tìm kiếm những luồng gió mới?

tamvu

14/08/2019 07:53

Khác với cựu CEO vừa từ nhiệm John Flint, hầu hết các ứng cử viên thay thế và lớp lãnh đạo cấp cao mới, đều đến từ những tổ chức bên ngoài HSBC.

John Flint rời vị trí CEO của tập đoàn HSBC ngày 5.8 vừa qua (Ảnh: HSBC)
John Flint rời vị trí CEO của tập đoàn HSBC ngày 5.8 vừa qua (Ảnh: HSBC)

Những cuộc chia tay liên tiếp

John Flint là cái tên mới nhất trong số những “lão làng” rời HSBC thời gian qua, đánh dấu một trong những chuyển biến về nhân sự lớn nhất trong những năm qua của đế chế tài chính này. Tuy nhiên, đã có nhiều tín hiệu cảnh báo sớm cho nhà điều hành ngân hàng 51 tuổi này.

Trước đó, vào năm 2018, HSBC chào đón vị Chủ tịch mới từ AIA: Mark Tucker.

Tiếp theo, đầu tháng 1. 2019, vị trí Giám đốc Tài chính (CFO) của Iain Mackay được thay thế bởi Ewen Stevenson từ RBS – người được xem là ảnh hưởng khá lớn đối với Chủ tịch Tucker.

Sau đó một tháng, Robin Phillips, đồng quản lý dịch vụ ngân hàng quốc tế trong suốt 13 năm, cũng rời khỏi HSBC. Chiếc ghế trống dành cho Greg Guyett từ Ngân hàng Đông Tây (East West Bank) – người từng phục vụ tại JPMorgan trong hơn 30 năm.

Tới đây, Patrick Burke, CEO HSBC tại Mỹ, sắp nghỉ hưu sau một phần ba thế kỉ cống hiến, cũng có một người kế nhiệm không thuộc HSBC. Đó là Michael Roberts đến từ Citigroup.

Có hay không làn sóng dịch chuyển từ lựa chọn nhân sự cấp cao bên trong nội bộ đến việc hướng tầm mắt ra ngoài để tìm kiếm những luồng gió mới? Liệu John Flint, người nỗ lực suốt một phần tư thập kỉ tại HSBC (từ vị trí thực tập sinh cho đến vị trí CEO), có thực sự “không đạt được kỳ vọng” của Ban giám đốc? Đâu là nguyên nhân của những thay đổi đột ngột này?

Thách thức địa chính trị

Trả lời về lý do của cuộc chia tay khắc nghiệt này, Chủ tịch Tucker phát biểu: “Trong môi trường toàn cầu ngày càng phức tạp và đầy thách thức đặt ra với hoạt động của các ngân hàng, thay đổi này là cần thiết trong việc giải quyết các vấn đề chúng tôi có thể đối mặt trong thời gian tới và chuẩn bị cho những cơ hội lớn sắp đến”.

Theo ghi nhận của Financial Times, HSBC đang tụt lại so với hai đối thủ của mình ngay trong mảng kinh doanh chính – cho vay. Trong năm 2009, vốn hoá thị trường của HSBC đạt 199 tỉ USD, nhỉnh hơn JPMorgan (164 tỉ USD) và Bank of America (130 tỉ USD). Hơn 10 năm sau, định giá tài sản thế chấp của HSBC chỉ đạt 154 tỉ USD, chưa bằng một nửa so với JPMorgan và chỉ đạt khoảng 60% so với Bank of America.

Top 9 ngân hàng có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới 2018 (Nguồn: Statista)
Top 9 ngân hàng có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới 2018 (Nguồn: Statista)

Một trong các nguyên nhân của sự sụt giảm này có thể đến từ biến động địa chính trị. Có thể thấy, HSBC nhạy cảm hơn với tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như các đợt biểu tình tại Hong Kong so với hai ngân hàng còn lại, bởi những giao dịch thương mại Đông – Tây chính là huyết mạch trong hoạt động kinh doanh của gã khổng lồ châu Á này.

Theo Ronit Ghose, chuyên viên phân tích của Citi, “HSBC đang chịu giằng xé giữa Trung Quốc và phương Tây: tương lai của ngân hàng phụ thuộc vào việc mở rộng ở một thị trường Trung Quốc đại lục ngày càng bành trướng, nhưng đồng thời cũng vẫn phải giữ được vị thế là một ngân hàng hàng đầu, với thị trường tạo ra lợi nhuận chính tại Hong Kong và trụ sở tại Anh Quốc”. Trước tình hình đó, vị trí CEO được ban giám đốc HSBC kỳ vọng sẽ có những ứng phó nhanh chóng và quyết liệt.

Người phù hợp nhất

18 tháng điều hành của John Flint, theo Financial Times, đánh dấu một nhiệm kỳ không mấy sáng sủa khi giá cổ phiếu của HSBC sụt giảm và thất bại trong mục tiêu cắt giảm chi phí.

Nhà lãnh đạo này không được lòng các đồng nghiệp của mình. Flint liên tục bị chỉ trích là ít nói và không chịu lắng nghe ý kiến của người khác. Chính ông cũng than phiền bởi chứng mất ngủ triền miên do lịch bay dày đặc giữa Hong Kong và trụ sở HSBC tại London. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Flint và chủ tịch Mark Tucker ngày càng sâu sắc. Flint tỏ ra chống chế và thô lỗ mỗi lần Tucker đặt câu hỏi liên quan đến chiến lược điều hành của ngân hàng. Mối quan hệ giữa họ rạn nứt tới mức ngay cả việc tỏ ra hoà hợp trước công chúng cũng là điều khó khăn.

Giá cổ phiếu HSBC sụt giảm dưới thời cựu CEO John Flint (Nguồn: Bloomberg)
Giá cổ phiếu HSBC sụt giảm dưới thời cựu CEO John Flint (Nguồn: Bloomberg)

Tuy nhiên, vấn đề trầm trọng nhất của vị cựu CEO này là phản ứng chậm chạp trước các thay đổi, đơn cử là biến động lãi suất và cuộc chiến thương mại quốc tế.

Trong bản báo cáo chiến lược hồi tháng 6.2018, HSBC tự tin dự báo lãi suất sẽ trở lại bình thường và ngân hàng này sẽ quay về quỹ đạo tăng trưởng. Nhưng ngay cả khi việc lãi suất giảm gần như đã nhãn tiền tại hầu hết các thị trường của HSBC, người ta vẫn không thấy nhiều động thái từ Flint. Hy vọng hồi sinh hoạt động kinh doanh tại Mỹ cũng mờ nhạt khi báo báo cho thấy sự chật vật trong việc đạt mục tiêu lợi nhuận.

Rõ ràng, ban điều hành đã trông chờ ở những hành động quyết liệt hơn, như phân phối lại vốn từ những thị trường ít tiềm năng như Mỹ và châu Âu sang các khu vực phát triển nhanh như Trung Quốc đại lục, hoặc đơn giản là tiến hành mua và bán lại.

Theo một giám đốc, họ đã quyết định sa thải Flint từ trước, lễ công bố kết quả kinh doanh đầu tháng 8 vừa rồi chỉ là một cái cớ phù hợp.

John Flint có thể hiểu biết sâu sắc về nội bộ HSBC sau 32 năm cống hiến, nhưng có vẻ sự nhạy bén với những biến động bên ngoài mới là những gì ngân hàng này cần trong bối cảnh bất ổn chính trị và kinh tế toàn cầu.

Hướng ra bên ngoài

Có nhiều cái tên được xướng lên cho chiếc ghế nóng sau khi John Flint “từ chức”.

Noel Quinn, Giám đốc Bộ phận Ngân hàng Thương mại Toàn cầu là người được chú ý đầu tiên. Ông hiện đang đảm nhận vị trí CEO tạm thời thay cho John Flint. Tuy nhiên, một người bạn của Noel Quinn cho rằng, Noel chưa bao giờ mơ về việc đạt được vị trí ấy, và cũng không chắc liệu người bạn của mình có muốn lao đầu vào sáu năm mang tên “địa ngục CEO” đó hay không.

Những tài năng được cân nhắc tiếp theo lần lượt là: António Horta-Osório – Giám đốc Điều hành tại Lloyds, Tidjane Thiam – người đồng cấp tại Credit Suisse và đặc biệt, Ewen Stevenson, Giám đốc Tài chính, người mới gia nhập HSBC sau khi rời khỏi RBS.

ó thể thấy hầu hết các lựa chọn đều có chung một đặc điểm – họ không đến từ HSBC. Trích lời một nhà điều hành từ chính ngân hàng này: “Lần này, chúng tôi đã quyết định sẽ hướng ra bên ngoài”. Có thể đây là bước đi nằm trong kế hoạch của vị chủ tịch mới lên năm ngoái Mark Tucker – cũng là một “người mới” tại tổ chức ngân hàng lâu đời bậc nhất thế giới này. Ngay sau khi CEO từ chức, HSBC cũng ra quyết định sa thải 4.000 trong tổng số 200.000 nhân viên trên toàn cầu, đặc biệt nhằm vào các nhân sự cấp cao.

Xét trong bối cảnh “hướng ra bên ngoài”, Stevenson, người được cho là nắm giữ ảnh hưởng nhất định với chủ tịch, từ RBS đã bước một chân vào vòng đấu này bằng vị trí giám đốc tài chính HSBC, cũng có thể coi là một đối thủ nặng kí.

Mark Tucker có thể đã miễn cưỡng chấp thuận quyết định bổ nhiệm CEO của Flint như một bước để tiến tới vị trí hiện tại của mình. Nhưng sau một năm đương nhiệm của ông, các quyết định nhân sự dường như đang dần thay đổi một cách rất hợp ý vị chủ tịch này.

Giang Nguyễn

tamvu
Bạn đang đọc bài viết "Vì sao HSBC tìm kiếm những luồng gió mới?" tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.