Cuộc đời thăng trầm của "đại gia" địa ốc Dương Thị Bạch Diệp

Công Lý

23/08/2022 14:47

Sau khi bị Tòa sơ thẩm kết án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nữ "đại gia" Dương Thị Bạch Diệp kháng cáo đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên bà "không phạm tội" và trả tự do. Phiên tòa xử bà Dương Thị Bạch Diệp phải tạm hoãn lần 3 vì nữ đại gia phải nhập viện điều trị.

duong-thi-bach-diep-1661242531.jpg
Bà Dương Thị Bạch Diệp và ông Nguyễn Thành Tài tại phiên xử tòa sơ thẩm

Ngày 23-8, TAND cấp cao tại TP HCM mở phiên xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong việc hoán đổi lô "đất vàng" 185 Hai Bà Trưng, quận 3 (TP HCM).

Trong vụ án này, bà Dương Thị Bạch Diệp (nguyên giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) kháng cáo kêu oan tội "Lừa đảo chiêm đoạt tài sản", ông Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM) kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Các bị cáo đồng phạm với bà Diệp, ông Tài cũng có kháng cáo xin giảm án.

Ở phần thủ tục, HĐXX cho biết bà Dương Thị Bạch Diệp có đơn xin hoãn phiên tòa do phải nhập viện điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm, trào ngược dạ dày, huyết áp cao, rối loạn tiền đình...

Luật sư của bà Diệp và luật sư của ông Tài cũng có đơn xin hoãn vì đang tham dự phiên toà khác.

Trước việc này, đại diện VKS đề nghị hoãn xét xử phúc thẩm để đảm bảo quyền lợi của bị cáo.

HĐXX sau đó thông báo hoãn phiên tòa, chưa ấn định thời gian mở lại. Đây là lần thứ ba hoãn xét xử phúc thẩm vì các lý do khác nhau.

Từ một công chức nghèo đến đại gia địa ốc

Bà Dương Thị Bạch Diệp sinh năm 1948, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, sau đó theo gia đình tập kết ra Bắc và sinh sống học tập tại Hải Phòng.

Năm 1971, bà Diệp tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, bắt đầu sự nghiệp là vị trí công chức tiền lương tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng.

Năm 1975, bà Diệp cùng gia đình chuyển vào sinh sống và công tác ở An Giang. Sau đó lại chuyển lên TPHCM công tác tại Công ty Bao bì xuất khẩu, trực thuộc Bộ Ngoại thương (thời đó).

Trải qua nhiều năm làm công chức, nhưng cuộc sống của bà vẫn luôn khó khăn do đồng lương thấp. Năm 1984, bà Diệp đi đến quyết định xin nghỉ việc để bắt tay vào khởi nghiệp kinh doanh.

Năm 1984, bà Dương Thị Bạch Diệp bắt đầu dấn thân vào việc mua bán bất động sản. Ban đầu, bà đi mua căn nhà hoặc chung cư cũ, rồi cải tạo và bán với giá cao hơn. Thành công  lớn cho việc mua bán này chính là mua bán căn chung cư trên đường Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 (TPHCM).

Từ đấy bà tiếp tục mua nhiều căn chung cư cũ khác, rồi sửa sang bán lại và có được tích lũy tiền lời khá lớn. Sau khi đã tích lũy được số vốn đủ lớn, bà Diệp bắt đầu lấn sang những sản phẩm bất động sản cao cấp hơn như trung tâm thương mại, văn phòng làm việc, chung cư cao cấp,…

duong-thi-bach-diep-1637327167.jpg

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp thời vàng son với chiếc siêu xe Rolls Royce gây xôn xao dư luận

Từ đầu những năm 2000, bà Dương Thị Bạch Diệp bắt đầu kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp. Bà là Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Diệp Bạch Dương và là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Nam Nam Phương.

Sau hơn 20 năm gia nhập thị trường, tại TP HCM, công ty của bà và các con đồng sở hữu hàng chục căn biệt thự, nhiều khu đất vàng.  Có thời điểm, người ta rỉ tai nhau người đàn bà này chỉ cần ngủ một giấc, sáng sớm thức dậy đã có trong tay hàng tỷ đồng.

Giới kinh doanh bất động sản những năm 2000 còn nhận định bà Diệp là người sở hữu số lượng bất động sản có giá trị nhất ở TP HCM. Thông qua các công ty của mình, bà Dương Thị Bạch Diệp sở hữu 6 lô "đất vàng" tại TP.HCM bao gồm 4 dự án ở trung tâm quận 1, và 2 dự án ở trung tâm quận 3. Trong đó, khu đất 1.100 m2 trên đường Lê Văn Hưu (quận 1).

Ngoài ra, bà Dương Thị Bạch Diệp còn sở hữu nhiều dự án bất động sản, khách sạn 5 sao như Diep Bach Duong's Senla Boutique (Senla Boutique); dự án Khách sạn, trung tâm hội nghị 179Bis Hai Bà Trưng (quận 3); 7 mặt bằng tại 31 Lê Duẩn (quận 1)...

Bà Dương Thị Bạch Diệp cũng là đại diện sở hữu khu đất 185 Hai Bà Trưng, nhưng sau đó đã mang thế chấp tại ngân hàng Phương Nam (đã sáp nhập vào Sacombank).

Năm 2014, chia sẻ với báo chí, bà Dương Thị Bạch Diệp cho biết, giá trị tài sản của bà có thời điểm lên tới 10.000 tỷ đồng dưới dạng bất động sản và tài sản cá nhân.

Trong giai đoạn này, người ta nhớ đến tên tuổi nữ đại gia địa ốc Dương Thị Bạch Diệp nhiều nhất là việc mua chiếc ôtô Rolls-Royce biển số tứ quý 7 cuối tháng 1/2008. Chiếc siêu xe Rolls Royce được đặt hàng chính hãng, về nước chịu thuế nhập khẩu 80%. Ước tính bà Diệp phải chi khoảng 1,3 triệu USD để xế hộp trên lăn bánh.

Cú sa lầy nợ nần nghìn tỷ và bản án tù chung thân

Khủng hoảng kinh tế năm 2009 ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị bất động sản. Bất động sản bị đóng băng và những người sở hữu nhiều bất động sản bắt đầu cảm thấy “nóng” khi giá bất động sản không tăng mà nợ dần ngập đầu. Và nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp không phải là ngoại lệ của vòng quay nghiệt ngã ấy.

Sang thập niên 2010, Công ty Diệp Bạch Dương của bà Diệp bắt đầu vướng nhiều lùm xùm. Thị trường dồn dập xuất hiện hàng loạt thông tin công ty phá sản, nợ ngân hàng và nợ thuế chồng chất.

Tình hình kinh doanh của Công ty Diệp Bạch Dương biến động mạnh trong giai đoạn này. Năm 2016, doanh thu của công ty vào khoảng 14 tỷ đồng, lãi ròng đạt gần 10 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng lên đến hơn 70% - mức hấp dẫn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Chỉ trong vòng một năm sau, hai chỉ số trên tăng đột biến hàng chục lần, đạt hơn 760 tỷ đồng doanh thu và hơn 340 tỷ đồng lợi nhuận.

Tuy nhiên kể từ đó, kết quả kinh doanh của Công ty Diệp Bạch Dương sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều quay đầu về mức tiệm cận kết quả năm 2016. Đặc biệt sau khi bà Diệp bị bắt, tình hình kinh doanh của công ty đóng băng hoàn toàn trong hai năm 2019-2020.

duong-thi-bach-diep-tai-toa-ngay-19-11-2021-1637327347.jpg

Bà Dương Thị Bạch Diệp bị tuyên án tù chung thân vào ngày 19/11/2021 khi 73 tuổi.

Theo đà sụt giảm của kết quả kinh doanh, tổng tài sản của Công ty Diệp Bạch Dương gần như giảm liên tiếp. Năm 2020, tổng tài sản còn ở mức hơn 2.600 tỷ đồng, giảm hơn 400 tỷ đồng sau 5 năm. Vốn chủ sở hữu có cải thiện qua từng năm nhưng vẫn đang âm gần 500 tỷ đồng, tính đến năm 2020.

Trong khi đó, Công ty Nam Nam Phương của bà liên tiếp 5 năm không ghi nhận doanh thu. Mỗi năm công ty này lỗ ròng từ 3-193 triệu đồng.

Không những kinh doanh sa sút, uy tín bà Diệp còn suy giảm nghiêm trọng khi hàng loạt thông tin nợ nần được cơ quan chức năng công bố. Tháng 7/2014, Kiểm toán Nhà nước công bố đến hết năm 2012, Công ty Diệp Bạch Dương nợ Agribank chi nhánh TP HCM tới 3.700 tỷ đồng.

Tháng 10/2008, Agribank cho bà Diệp vay 14.000 lượng vàng SJC để mua nhà số 57 Cao Thắng, quận 3 (trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM). Hạn trả nợ vào cuối tháng 10/2009. Xét đơn thấy bà mất khả năng trả nợ đúng hạn nên Agribank đồng ý gia hạn đến cuối tháng 10/2010. Dù vậy, phải ba tháng sau thời hạn đó, Diệp Bạch Dương mới trả xong.

Trong tháng 12/2008 và tháng 1/2009, Agribank tiếp tục cho Công ty Diệp Bạch Dương vay 67.000 lượng vàng SJC. Doanh nghiệp này một lần nữa không trả nợ đúng hạn, kể cả sau khi được cơ cấu lại thời hạn. Theo cáo trạng hồi tháng 10/2020, dư nợ của công ty bà Diệp tại Agribank vào khoảng 5.244 tỷ đồng. Trong khi đó, toàn bộ tài sản thế chấp chỉ có giá trị hơn 2.100 tỷ đồng, cơ quan chức năng kết luận bà Diệp không có khả năng trả nợ.

Ngoài ra, Công ty Diệp Bạch Dương còn sa lầy với khoản nợ tại Sacombank còn dư nợ hơn 222 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 5/2018. Cả hai khoản nợ xấu kể trên đều đã được bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC.

Tin đồn lùm xùm về thuế những năm trước cũng được xác nhận sau khi bà Dương Thị Bạch Diệp bị bắt tạm giam cuối tháng 1/2019 vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra cáo buộc bà giữ vai trò chủ mưu trong vụ hoán đổi nhà số 57 Cao Thắng - vốn đã thế chấp với ngân hàng để đổi lấy trụ sở Trung tâm ca nhạc nhẹ TP HCM - số 185 Hai Bà Trưng (quận 3). Sự vụ gây thiệt hại cho Nhà nước 186 tỷ đồng.

Vào tối 19/11/2021, HĐXX đã tuyên phạt bà Dương Thị Bạch Diệp mức án tù chung chân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể Bản án sơ thẩm xác định, năm 2010, bà Diệp đã lợi dụng các mối quan hệ để đề xuất hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng (đã thế chấp tại Ngân hàng Agribank TP HCM từ năm 2008, chưa được giải chấp) lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng. Quá trình hoán đổi, bà Diệp không cung cấp giấy tờ gốc của tài sản cho các cơ quan chức năng, khiến UBND TP HCM không thể thu hồi tài sản 185 Hai Bà Trưng, gây thiệt hại cho Nhà nước 186 tỷ đồng.

Vì sao bà Dương Thị Bạch Diệp kêu oan?

Sau phiên xử sơ thẩm, bà Dương Thị Bạch Diệp đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Trong đơn kháng cáo kêu oan tự viết tay dài 4 trang giấy, bà Diệp cho rằng toà sơ thẩm tuyên phạt mình mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là oan sai, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình và Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương.

Bà Diệp lập luận rằng Nhà nước xác lập quyền sở hữu đối với tài sản 57 Cao Thắng là hoàn toàn hợp pháp. Căn nhà này không phải là tài sản thế chấp cho Agribank, hoàn toàn đủ điều kiện pháp lý để thực hiện hoán đổi với tài sản 185 Hai Bà Trưng.

Cũng trong đơn kháng cáo, bà Diệp cho rằng toà sơ thẩm đã "vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng" vì đã không triệu tập đầy đủ các cá nhân thuộc Ngân hàng Agribank, đại điện phòng công chứng số 1, các cán bộ phòng đăng ký đất đai để đối chất, làm rõ mâu thuẫn sai phạm trong việc thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp năm 2008 liên quan tới tài sản 57 Cao Thắng.

Nữ "đại gia" một thời cho rằng bản thân bà và đại diện Công ty Diệp Bạch Dương khẳng định chủ trương hoán đổi xuất phát từ nhu cầu của hai bên, được sự chấp thuận của UBND TP HCM. Công ty Diệp Bạch Dương đã hỗ trợ cho Trung tâm ca nhạc nhẹ TP HCM 5 tỷ đồng và đã xây dựng 57 Cao Thắng thành một trung tâm ca nhạc hiện đại với chất lượng tốt nhất. Đến năm 2010 thì bàn giao cho Trung tâm này quản lý sử dụng cho đến nay mà không có bất cứ sự tranh chấp nào, nhà nước hoàn toàn có lợi.

Với những lập luận trên, bà Dương Thị Bạch Diệp đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên bà "không phạm tội" và trả tự do.

Công Lý
Người theo dõi

Người theo dõi

13:56 29/07/2022

Bà Diệp nói ko thế chấp nhà 57 Cao Thắng cho Agribank, vậy cứ giấy trắng mực đen mà xét (hợp đồng thế chấp phải được công chứng, ko lẽ CCV chứng sai ???)