Văn hóa của một doanh nghiệp là cách mà mọi người trong doanh nghiệp ứng xử với nhau. Văn hoá cần được xây dựng từ người đứng đầu và lan toả ra mọi thành viên, trong một thời gian đủ dài.
Từ một cửa hàng kim hoàn nhỏ được thành lập vào năm 1988, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã có bề dày hơn 30 năm xây dựng văn hoá doanh nghiệp bền vững. Đến nay, là doanh nghiệp trang sức lớn nhất Việt Nam, PNJ đã chứng tỏ sức mạnh khi chủ động vượt qua khủng hoảng COVID-19, khi hầu hết các cửa hàng đều phải đóng cửa trong nửa đầu tháng Tư.
Bà Cao Thị Ngọc Dung cho rằng sự chủ động và tinh thần cống hiến của mỗi thành viên PNJ đã giúp công ty vượt qua khó khăn lớn chưa từng có vừa qua. Lỗ gần 90 tỉ đồng trong riêng tháng Tư, tính chung trong bốn tháng đầu năm, PNJ vẫn đạt lợi nhuận 320 tỉ đồng trên hơn 5.500 tỉ đồng doanh thu.
Ngay từ trước Tết, khi dịch bệnh mới chỉ bắt đầu tại Trung Quốc, lãnh đạo PNJ đã chủ động đề ra các phương án hành động trước những biến cố lớn lao sắp đến. Mọi kế hoạch đã đề ra trước đó đều buộc phải thay đổi. Lãnh đạo công ty chủ động tự giảm lương, nhân viên tình nguyện lao động không công trong một số ngày…. Khi tình hình ổn định trở lại, chỉ một số doanh nghiệp thực sự vững mạnh, có bề dày văn hoá, mới có thể tồn tại và tiếp tục phát triển.
Tại PNJ, bà Dung tự hào về văn hoá chính trực mà mình đã xây dựng từ khi mới bắt đầu thành lập công ty. Hoạt động trong lĩnh vực kim hoàn, với giá trị mỗi sản phẩm đều tương đối cao, việc gian lận khi mua hàng, chế tác sản phẩm là tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, tại PNJ, mọi sự gian lận đều trở nên rất “kỳ cục” khi sự chính trực đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
Bề dày văn hoá tại PNJ đến giai đoạn khủng hoảng này mới thực sự phát huy tác dụng. Xây dựng văn hoá cũng như việc tập thể dục thể thao hàng ngày - là việc cần thiết chuẩn bị sức khoẻ đủ để ứng phó với những biến cố trong tương lai, hầu hết đều không thể dự đoán trước, ông Phạm Duy Hiếu, Uỷ viên Uỷ ban Nhân sự ABBank nhận xét.