Nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hành động của thành viên thị trường về nâng hạng TTCK Việt Nam, đề xuất giải pháp thúc đẩy nâng hạng thị trường, ngày 10/10 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư khẳng định, việc nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào đề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.
Theo đánh giá của tổ chức xếp hạng FTSE Russell, TTCK Việt Nam hiện đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí nâng hạng, còn theo MSCI thì mới đáp ứng được 8 trên 17 tiêu chí. Việc đánh giá và xem xét nâng hạng của MSCI được thực hiện định kỳ vào tháng 6 hàng năm, còn với FTSE là tháng 3 và tháng 9 hàng năm. Tại kỳ đánh giá tháng 9 vừa qua, Việt Nam vẫn được xếp hạng ở vị trí thị trường cận biên. Các kỳ đánh giá tiếp theo của Tổ chức này là vào tháng 3 và tháng 9 năm sau. Điều đó có nghĩa là để nâng hạng trước 2025 thì Việt Nam chỉ có chưa đến 1 năm để có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng.
“Rõ ràng, nâng hạng TTCK trước năm 2025 là mục tiêu rất thách thức đối với Việt Nam.” – ông Tuấn nhận định.
Bàn về giải pháp nâng hạng TTCK, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, UBCKNN coi nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là mục tiêu trọng yếu.
Cùng với đó, các chuẩn mực của thị trường cũng phải theo thông lệ quốc tế hiện hành. Hiện nay, TTCK Việt Nam đã là thành viên của Liên đoàn Các Sở Giao dịch chứng khoán thế giới (WFE), các quy định khung pháp lý của thị trường, kể cả các nghị định cũng đang hướng tới đáp ứng chuẩn mực thế giới.
"Để được nâng hạng, chúng ta còn phải nỗ lực thêm. Trước tiên là đòi hỏi công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết phải bằng tiếng Anh. Hiện nay các quy định của chúng ta mới ở mức khuyến khích, còn nếu bắt buộc thì sẽ gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Đây tưởng như vấn đề đơn giản nhưng mới chỉ có số ít doanh nghiệp lớn đáp ứng được yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng anh, còn 1 số doanh nghiệp ngay bảo công bố bằng tiếng Việt còn lỗi. Vì thế, nếu đưa thành quy định thì chế tài xử phạt cũng khó để thực thi. Do vậy, mọi bước đi phải có lộ trình tiếp cận phù hợp” – ông Sơn chia sẻ.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, TTCK Việt Nam không nhất thiết phải có quy định về ký quỹ, song phải có biện pháp phòng ngừa rủi ro. Theo ông Lực, khảo sát trên thế giới cho thấy trong trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ nhà đầu tư không thanh toán chỉ chiếm 2%, tương đương mức tổn thất khoảng 3 tỉ USD/năm trên toàn cầu.
Theo đó, vị chuyên gia đưa ra 3 biện pháp phòng ngừa rủi ro gồm: Thứ nhất, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin giao dịch, tránh xảy ra những lỗi sai sót. Thứ hai, kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài xử lý, xử phạt 1.000 – 5.000 USD hoặc tính tiền phạt dựa trên tỷ lệ số tiền.
Cuối cùng là tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán trong việc thẩm định rủi ro. Công ty chứng khoán có thể tự đưa ra quyết định một nhà đầu tư cần ký quỹ trước giao dịch hay không, đồng thời được phép đưa ra cơ chế xử lý rủi ro, được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán khi nhà đầu tư không thể thanh toán.