TS Nguyễn Đình Cung: Vingroup, Thaco không có quy hoạch nhưng có cán bộ giỏi, đạt được mục tiêu tốt hơn DNNN

Trung Kiên

04/12/2021 18:16

Hiện nay việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế. Vì vậy cần bãi bỏ quy định bổ nhiệm cán bộ DNNN theo quy hoạch và cơ chế hành chính xin cho để lựa chọn được người tài lãnh đạo trong DNNN.

nguyen-dinh-cung-1638616141.jpg

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, phát biểu tại hội thảo

(Ảnh: BTN)

Ngày 4/12, Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đồng chủ trì tổ chức hội thảo “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp Nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: thực trạng và giải pháp” .

Tại hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp tại DNNN chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế hiện nay.

Ông Phong chỉ ra một số chủ trương đổi mới về vấn đề cán bộ của Đảng chưa được thể chế hóa để đưa vào cuộc sống, như thực hiện việc tách người quản lý DNNN khỏi chế độ viên chức, công chức. Hay, việc triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp; việc thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài.

Tìm trong thiên hạ sẽ tốt hơn là tìm trong chúng ta

Các ý kiến tại hội thảo thẳng thắn đề cập trong bản thân các cơ chế, chính sách của Nhà nước còn chưa thực sự đầy đủ, cụ thể và bao quát hết các trường hợp cần quy định liên quan tới công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các DNNN. Hiện, chưa có quy định về tuyển dụng theo hình thức thi tuyển hay thuê nhân sự chủ chốt, mặc định các vị trí chủ chốt phải là Đảng viên, từ đó hạn chế nguồn cán bộ, thiếu linh hoạt. 

Hơn nữa, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn một số tồn tại, chưa quan tâm để chuẩn hóa tài liệu và khung chương trình. Cộng thêm, công tác đánh giá cán bộ còn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất cũng như gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể. 

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, một số đề xuất giải pháp để nâng cao năng lực quản lý DNNN hiện có phần mâu thuẫn khi vừa phải nâng cao vai trò cấp ủy nhưng lại đòi hỏi Hội đồng quản trị phải hoạt động theo thông lệ quốc tế là không phù hợp. 

Nêu kiến nghị, ông Cung cho rằng khi thảo luận, bàn bạc đánh giá về DNNN, cán bộ DNNN không thể tách rời vai trò, sứ mệnh, mục tiêu nhiệm vụ của DNNN, không thể tách phần cán bộ ra khỏi khuôn khổ quản trị chung. Cũng không thể đánh giá cán bộ mà tách rời khỏi mục tiêu mà Nhà nước giao, cơ quan chủ sở hữu giao cho từng doanh nghiệp cụ thể, trên cơ sở các đánh giá khách quan, khoa học.

Theo đó, ông đề nghị cần nghiên cứu, học hỏi bài học kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân xem việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp được thực hiện như thế nào.

"Cần vào xem ông Phạm Nhật Vượng làm thế nào, Thaco làm thế nào, tập đoàn nước ngoài đầu tư ở Việt Nam thế nào. Tôi tin rằng tổng giám đốc của Vingroup không nằm trong quy hoạch, họ không có quy hoạch như ta nhưng có cán bộ giỏi chuyên môn, đạt được mục tiêu tốt hơn ta, có mức lương cạnh tranh cao. Cái đó rất cần học hỏi họ" - ông Cung nói.

Ông đề nghị xem xét bỏ quy hoạch cán bộ với lãnh đạo chủ chốt DNNN vì quy hoạch cán bộ là chọn người thay thế trong tương lai sẽ khó có thể chọn được người tài, người giỏi, không chọn được những người lãnh đạo đổi mới, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro, và chỉ chọn được những người tuân thủ.

“Chúng ta cần những gì thì đi tìm trong thiên hạ sẽ tốt hơn là tìm trong chúng ta. Tôi không phủ nhận chúng ta tìm trong chúng ta nhưng chúng ta còn nhiều cơ hội thì đừng bỏ cơ hội tìm người tài về làm việc cho chúng ta”, TS Nguyễn Đình Cung phát biểu.

Phấn đấu 70%-80% cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế

Trong môi trường kinh tế hội nhập sâu rộng, TS Hoàng Anh Duy, Đại học Ngoại thương, chỉ ra yêu cầu các nhà quản lý DNNN phải tiếp xúc, hợp tác với các đối tác đến từ nhiều quốc gia và thể chế chính trị, nền văn hóa khác nhau.

Do đó, người lãnh đạo phải giữ được tư tưởng, lập trường và bản lĩnh chính trị rõ ràng và vững vàng cũng như phải có hiểu biết sâu, rộng về môi trường kinh doanh, luật pháp và thông lệ quốc tế. Khi đó, với năng lực chuyên môn, sự nhạy bén và khả năng phân tích, dự báo, các nhà quản lý sẽ nắm rõ thời cơ, thách thức và đưa ra được các chiến lược, kế hoạch hoặc các quyết sách phù hợp hơn, thậm chí có thể chủ động nắm bắt cơ hội và hạn chế các rủi ro.

“Một yêu cầu không thể thiếu được đối với cán bộ quản lý trong môi trường hội nhập quốc tế là trình độ ngoại ngữ với kỹ năng giao tiếp tốt trong đàm phán, thương lượng… điều này giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu về lợi ích đề ra đồng thời thể hiện được năng lực, bản lĩnh của lãnh đạo trước đối tác,” ông Duy nói.

Về giải pháp, ông Hoàng Đăng Quang, Phó Ban Tổ chức Trung ương cho rằng cần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng; xây dựng được đội ngũ cán bộ, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín trong điều hành sản xuất, kinh doanh hiệu quả và đạt từ 70%-80% số cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Với những yêu cầu trên, ông Quang đề xuất tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức đảng phù hợp với mô hình quản lý doanh nghiệp nhằm đảm bảo nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng, thực hiện thống nhất chủ trương “chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc (giám đốc) đồng thời là bí thư cấp ủy.”

Trung Kiên