Trường Đại học Công Thương TP.HCM: Dấu ấn đột phá trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo năm học 2023-2024

Phạm Sơn

14/01/2025 13:04

Năm học 2023-2024 là một cột mốc đáng tự hào của Trường Đại học Công Thương TP.HCM (HUIT) khi nhà trường liên tục gặt hái thành công trong nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Những thành tựu này không chỉ nâng cao uy tín học thuật mà còn khẳng định vai trò tiên phong của HUIT trong việc kết nối nghiên cứu với thực tiễn, tạo nền tảng vững chắc để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.

Bùng nổ trong công bố khoa học

Trong năm học 2023-2024, HUIT ghi nhận 668 bài báo khoa học, gồm 320 bài quốc tế và 348 bài trong nước. Đáng chú ý, số lượng bài báo quốc tế tăng 1,48 lần so với năm học trước, phản ánh nỗ lực mạnh mẽ của đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu trong hội nhập khoa học toàn cầu. Phần lớn các bài báo quốc tế được đăng trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI và Scopus, minh chứng cho chất lượng và tầm ảnh hưởng của các nghiên cứu từ HUIT.

Nhà trường đã khen thưởng 246 bài báo, bao gồm 122 bài ISI-Scopus và 124 bài thuộc danh mục Hội đồng Giáo sư Nhà nước, với tổng kinh phí hơn 5,04 tỷ đồng. Đây không chỉ là sự công nhận mà còn là động lực lớn để giảng viên tiếp tục cống hiến cho nghiên cứu.

h1-1736833869.jpeg
Năm học 2023-2024 là một cột mốc đáng tự hào của Trường Đại học Công Thương TP.HCM (HUIT) khi nhà trường liên tục gặt hái thành công trong nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Trong năm 2023-2024, Khoa Quản trị Kinh doanh của trường đứng đầu với 107 bài báo (60 quốc tế, 47 trong nước), đạt tỷ lệ 1,91 bài báo/giảng viên, cho thấy sự đóng góp đáng kể trong lĩnh vực kinh tế và quản trị. Xếp hạng lần lượt vị trí hai và ba là Khoa Công nghệ hóa học và Khoa Tài chính - Kế toán với tỷ lệ bài báo/giảng viên là 1,69 và 1,5. Đây là những khoa có số lượng công bố lớn, đồng thời duy trì sự cân đối giữa các bài báo quốc tế và trong nước. Đặc biệt, Khoa Công nghệ hóa học với 32 bài quốc tế và 39 bài trong nước đã cho thấy sự bền bỉ và hiệu quả trong nghiên cứu.

Nhìn chung, một số đơn vị như Khoa Ngoại ngữ và Khoa Sinh học và Môi trường thể hiện rõ ưu thế trong công bố bài báo quốc tế, khi tỷ lệ bài báo quốc tế lần lượt chiếm 79% và 66% trên tổng số bài của từng khoa. Điều này cho thấy các khoa không chỉ thành công trong việc hội nhập quốc tế mà còn tận dụng tốt thế mạnh của lĩnh vực nghiên cứu để tiếp cận các diễn đàn khoa học toàn cầu. Sự tập trung này phản ánh rõ tính chất quốc tế hóa của ngành học, đồng thời góp phần nâng cao vị thế nghiên cứu của trường trên bản đồ học thuật quốc tế.

Bên cạnh đó, sinh viên Trường Đại học Công Thương TP.HCM có 103 bài báo, trong đó có 30 bài quốc tế. Tỷ lệ này tăng gấp 1,75 lần so với năm học trước, minh chứng cho sự trưởng thành trong năng lực nghiên cứu của sinh viên. Khoa Công nghệ Thực phẩm và Khoa Công nghệ Hóa học tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực này với số lượng bài báo ấn tượng. Các bài báo không chỉ khẳng định chất lượng nghiên cứu của sinh viên mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng của trường trong cộng đồng học thuật, cả trong và ngoài nước. 

Bứt phá trong nghiên cứu khoa học

Trong năm học 2023-2024, giảng viên cùng sinh viên Trường Đại học Công Thương TP.HCM đã triển khai 162 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, tăng 2,1 lần so với năm trước, với tổng kinh phí hơn 4,39 tỷ đồng dành cho giảng viên và 1,285 tỷ đồng cho sinh viên. Đội ngũ giảng viên cũng tham gia 14 đề tài cấp tỉnh/thành phố, 1 đề tài cấp bộ và 2 dự án quốc tế với nguồn kinh phí lớn, mở rộng tầm ảnh hưởng của HUIT trong cộng đồng khoa học toàn cầu.

Các dự án quốc tế, điển hình như dự án với nguồn tài trợ 60.000 Euro và 13.000 USD, không chỉ củng cố năng lực nghiên cứu mà còn gắn liền với thực tiễn, giải quyết các vấn đề kỹ thuật và công nghệ tại doanh nghiệp.

1-1736833054.jpeg
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên HUIT có nhiều đề tài mang tính ứng dụng thực tiễn cao.

Có thể thấy, thời gian qua HUIT liên tục khẳng định vai trò là trường đại học định hướng ứng dụng với 16 hợp đồng chuyển giao công nghệ, tổng giá trị đạt 9 tỷ đồng. Trong đó, Khoa Công nghệ Thực phẩm dẫn đầu với 7 hợp đồng trị giá hơn 7,35 tỷ đồng, minh chứng cho khả năng ứng dụng thực tiễn xuất sắc.

Các trung tâm như Trung tâm Phân tích Quốc tế, Trung tâm Thí nghiệm Thực hành và Viện Nghiên cứu Chiến lược đã thực hiện thành công nhiều dự án mang tính chuyên sâu, không chỉ mở rộng phạm vi ứng dụng nghiên cứu mà còn tăng cường nguồn lực kinh tế cho nhà trường.

Năm học 2023-2024, HUIT đã tổ chức thành công nhiều sự kiện khoa học quan trọng, trong đó có: Hội thảo An toàn thực phẩm và An ninh lương thực lần thứ 7 (2024): Phối hợp với Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, tập trung vào các giải pháp thực phẩm bền vững; Hội nghị Quốc tế về Kinh tế (ICE) lần thứ 2: Quy tụ các chuyên gia kinh tế hàng đầu, nâng cao vị thế học thuật của trường; Hội thảo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân, tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia; Hội thảo Chuỗi cung ứng nông nghiệp: Kết hợp với Đại học RMIT Việt Nam, thảo luận các giải pháp bền vững trong quản lý chuỗi cung ứng. Đây được xem là dấu ấn quan trọng  của nhà trường.

Thành tích quốc gia và quốc tế của sinh viên

Trong năm học qua, sinh viên theo học tại HUIT đã gặt hái nhiều giải thưởng lớn, nổi bật là Giải thưởng Khoa học và Công nghệ toàn quốc 2024 (4 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích). Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka lần thứ 26 (1 giải Nhì, 1 giải Ba, 4 giải Khuyến khích). Cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch 2024 (2 giải Khuyến khích).

Đặc biệt, tại cuộc thi Food Innovation and Development 2024 (FID) do HUIT phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức, sinh viên trường đạt nhiều thành tích xuất sắc như 1 giải Đặc biệt, 2 giải Nhất và nhiều giải thưởng phụ khác.

11-1736833209.jpeg
Những thành tích quốc gia và quốc tế của sinh viên HUIT không chỉ mang lại niềm tự hào cho sinh viên mà còn nâng cao uy tín của Nhà trường trong cộng đồng học thuật.

Không chỉ vậy trong năm học qua, HUIT còn được vinh danh trong chương trình phát triển nhân tài số do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Google tổ chức, với 3 hạng mục là Top 10 cơ sở giáo dục đại học xuất sắc nhất, Top 10 cán bộ quản lý xuất sắc nhất và Top 10 học viên đạt thành tích cao nhất.

Có thể nói, những thành tựu nổi bật trong năm học 2023-2024 không chỉ khẳng định uy tín của HUIT mà còn tạo nền tảng vững chắc để trường tiếp tục vươn xa trên bản đồ giáo dục và nghiên cứu quốc tế. Trường Đại học Công Thương TP.HCM đang từng bước thực hiện sứ mệnh trở thành biểu tượng đổi mới sáng tạo của giáo dục đại học Việt Nam.

Phạm Sơn