Sài Gòn nhiều nắng vào ngày tôi gặp phỏng vấn Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam. Chúng tôi gặp nhau dưới tòa nhà văn phòng rồi cùng đi bộ qua quán cà phê ngay cạnh đó.
Dĩ nhiên Jones Lang LaSalle (JLL) là cái tên nổi tiếng của bất động sản thế giới. Nhưng ở Việt Nam, có thể do vào muộn so với một vài tên tuổi khác, nên cho đến cách đây vài năm JLL VIệt Nam vẫn chưa nổi bật. Nhưng những hoạt động bền bỉ, phân tích sắc sảo, dự báo chính xác các xu hướng của thị trường đã dần đưa tên của JLL Việt Nam vào trung tâm thị trường. Đặc biệt những nhận định kịp thời và chính xác về xu hướng mới của bất động sản công nghiệp ngay khi thương chiến Trung Mỹ chuẩn bị nổ ra đã làm JLL Việt Nam trở thành tên tuổi tư vấn chiến lược thực sự uy tín với nhiều nhà đầu tư chúng tôi biết.
Cuộc trò chuyện diễn ra ngay tại chỗ mà cách đây nhiều năm, Stephen Wyatt đã có cuộc nói chuyện đầu tiên với đại diện JLL để đi đến quyết định gia nhập JLL và dẫn dắt công ty từ đó đến nay, đây là sau cuộc phỏng vấn tôi mới biết.
Tại sao ông lại chọn lĩnh vực bất động sản? Điều này có xuất phát từ ước mơ thời bé hay những kế nghiệp gia đình không?
Không, bố mẹ tôi là nông dân. Hồi nhỏ, tôi đã rất khó bảo. Tôi không thích đến trường. Điều duy nhất khiến tôi muốn đến trường học là vì thể thao. Tôi rất thích chơi những môn như bóng chày và một số môn thể thao khác. Do đó, tôi không gặt hái nhiều thành công tại trường học. Thời đi học, tôi cứng đầu và khó dạy bảo. Tôi rời trường học mà không đặc biệt thích ngành nào. Vậy nên sau đó tôi vào làm cho một nông trại. Đó là công việc tôi quen thuộc từ lâu. Rồi sau đó, tôi nhận ra, làm việc tại nông trại không phải là điều mà tôi thực sự mong muốn.
Tôi quyết định nhảy sang phụ việc cho một công ty về xây dựng. Ngồi trong văn phòng, tôi lần đầu làm quen với những công việc như định giá cho các bản hợp đồng. Tôi nhận ra, đó mới là những trải nghiệm thực sự thú vị. Tôi còn nhớ rất rõ, mình ngồi ngay cạnh một bác già, tầm 70-80 tuổi gì đó. Ông đã lăn lộn trong ngành với công ty này tới 50 năm. Tôi còn nhớ, miệng ông lúc nào cũng ngậm một chiếc tẩu thuốc. Ông dạy tôi tất cả những thứ liên quan đến xây dựng, từ dự toán đến định giá công trình. Đó là những viên gạch đầu tiên của tôi về ngành bất động sản. Khoảng thời gian đó khiến tôi nhận ra, bất động sản, xây dựng có một sự hấp dẫn đặc biệt với tôi.
Sau năm năm học việc, tôi quyết định quay trở lại trường và dành năm năm theo học ngành quản trị bất động sản tại Đại học Edinburgh. Khi ấy tôi đã khoảng 21-22 tuổi, trông khá cứng so với những bạn cùng khoá. Sau khi tốt nghiệp, tôi chuyển tới London vào năm 1998 và chính thức bắt đầu sự nghiệp trong ngành bất động sản. Ở Anh lúc bấy giờ, để tìm được việc, bạn phải có bằng cấp. Tôi gắn bó 10 năm với London. Thời gian đầu, tôi làm việc cho một công ty chuyên về đầu tư và xây dựng các trung tâm mua sắm. Tôi cũng làm cho một quỹ hưu trí lớn ở Anh.
Vậy thời điểm đó, ông có gặp khó khăn trong quá trình tìm việc không?
Cũng khá khó và mất thời gian. Nhưng lúc đó tôi rất mạnh mẽ. Tôi tốt nghiệp đại học năm 1998, cũng là thời kỳ khủng hoảng tài chính nên tìm việc rất khó. Thị trường Anh lúc đó rất cạnh tranh. Rất nhiều sinh viên ngành bất động sản tốt nghiệp và tràn ra tìm việc. Công việc đầu tiên của tôi tạm ổn nhưng cũng chưa phải vị trí tôi thực sự muốn. Cứ thế, tôi đi làm để tìm hiểu thị trường, lấy kinh nghiệm và chuyển sang một nơi khác khi có cơ hội mới. Càng làm nhiều nơi, tôi càng có nhiều kinh nghiệm và xác định rõ hơn đâu thực sự là lĩnh vực mình muốn theo đuổi. Đó chính là cách mà bạn nên làm trong quá trình tìm hiểu bản thân mình. Sau đó, tôi chuyển sang một công ty tư vấn bất động sản toàn cầu. Mọi trải nghiệm lúc đó đều rất tuyệt vời.
Lúc đó ông có nghĩ đến việc tự khởi nghiệp không?
Môi trường kinh doanh ở London không giống như Việt Nam, rất khó khởi nghiệp. Bởi vì thị trường Anh đã bão hoà, mọi ngóc ngách gần như được lấp đầy và cạnh tranh cao, khó có thể tự xây dựng một doanh nghiệp mới.
Tôi được biết Anh là một trong những nơi đào tạo về bất động sản tốt nhất. Ông có thể chia sẻ một số thông tin về ngành này?
Vì tồn tại cách đây hàng trăm năm nên thị trường bất động sản của Anh đã đạt trạng thái bão hòa. Cấu trúc thị trường vì thế mà trở nên phức tạp hơn, không chỉ còn dừng lại ở những hoạt động thông thường như mua bán căn hộ hay cho thuê văn phòng. Tại đây, có những khoản đầu tư rất lớn. Hoạt động định giá trong ngành cũng rất phức tạp. Những luật lệ và quy định ngày càng chằng chịt. Có rất nhiều nghiệp vụ khác nhau đòi hỏi bạn phải trải qua nhiều khoá đào tạo hơn.
Tôi thấy tại Việt Nam, thị trường mới chỉ dừng lại ở các hoạt động mua, bán hoặc cho thuê. Tuy nhiên, tại những thị trường đã đạt tới độ trưởng thành nhất định, hoạt động trong ngành bất động sản tiến tới nhiều dịch vụ chuyên biệt và chuyên sâu hơn trong những lĩnh vực khác nhau, với những hoạt động phức tạp và đặc thù. Điều này vẫn chưa diễn ra ở thị trường Việt Nam.
Tôi nghĩ sẽ đến ngày kịch bản trên diễn ra ở Việt Nam, từng bước một. Nhưng sẽ mất một thời gian khá lâu nữa, khoảng vài chục năm nữa. Bởi vì chúng ta vẫn trong một thị trường đang phát triển. Thị trường bất động sản của Anh mất hàng trăm năm để phát triển và trải qua tất cả những tình huống trên.
Dường như ông có một hành trình khá dài từ London, Anh đến Botswana rồi sau đó là tới Việt Nam. Điều gì khiến ông đưa ra đến những quyết định xa như vậy?
Mười năm sống và làm việc tại London là khoảng thời gian tuyệt vời với tôi. London là một thành phố tài chính đồng thời cũng là nơi tuyệt vời để sống, nơi hội tụ những điều kiện tốt nhất với môi trường đa văn hoá, rất nhiều bảo tàng, khu triển lãm. Sau 10 năm, tôi bắt đầu cảm thấy băn khoăn giữa việc gắn bó cả sự nghiệp của mình ở đó hoặc bước chân ra ngoài và khám phá phần còn lại của thế giới. Rốt cuộc, tôi cũng quyết định cần phải đi tìm hiểu cách thế giới ngoài kia vận hành.
Công ty tôi làm việc lúc bấy giờ có mạng lưới văn phòng trên toàn cầu. Với lợi thế này, tôi bắt đầu tìm hiểu để làm việc ở một quốc gia khác. Tôi từng có khoảng thời gian đến các thành phố của Ấn Độ, từ Mumbai đến Delhi và dành chút thời gian đi du lịch trải nghiệm. Tôi nhận ra, cuộc sống tại Ấn Độ khá khắc nghiệt. Sau đó tôi chuyển đến Liban, Beirut - cũng là những quốc gia khá thú vị. Ở đó có rất nhiều vùng đất mới lạ tuyệt vời, với chiều sâu lịch sử lâu đời, hoà quyện với rất nhiều yếu tố cùng lúc. Chúng tôi đã mở văn phòng nhưng rất tiếc là không mấy thành công.
Tôi lại tiếp tục đi tìm điểm đến tiếp theo. Lúc bấy giờ, tôi muốn tìm đến những thị trường mới nổi thay vì Hong Kong hay Singapore là những thị trường lớn, đã bão hòa. Tôi muốn có một trải nghiệm mới khác biệt hoàn toàn. Và rồi, tôi nhận được một cơ hội làm việc tại Botswana, một quốc gia nằm ở khu vực Nam Phi. Tôi chưa bao giờ đặt chân đến Châu Phi và vì thế tôi quyết định đến đó.
Thời điểm đó, trải nghiệm đối với tôi thậm chí còn quý giá hơn cả sự nghiệp hay tiền bạc. Bởi vì tôi quan niệm rằng, cuộc sống là trải nghiệm và làm việc tại các nền văn hóa khác nhau. Với tôi, Botswana là một nơi hoàn toàn khác biệt. Cực kỳ khác biệt.
Tôi chưa từng đến châu Phi. Khi máy bay hạ cánh, điều ấn tượng đầu tiên của tôi là sân bay vào thời điểm đó trông tựa như cái nhà kho. Không có một thứ gì ở đó. Sân bay Heathrow, London, nơi tôi xuất phát, là một trong những sân bay sôi động bậc nhất trên thế giới. Còn khi hạ cánh tại Botswana, mọi thứ trái ngược hoàn toàn. Lúc đó, cả sân bay gần như chỉ có mình tôi. Người dân ở đó thậm chí đã phải xua đàn bò ra khỏi đường bay (cười). Những ấn tượng đầu tiên thực sự tuyệt vời và khó quên.
May thay, nơi tôi ở chỉ cách trụ sở công ty 10 phút đi bộ. Văn phòng chỉ là căn nhà nhỏ bên đường. Mọi thứ lúc đó đều rất sơ khởi. Tôi đi bộ đến chỗ làm mỗi ngày. Văn phòng tôi làm việc cũng nằm ngay cạnh văn phòng Thủ tướng Botswana.
Trong suốt khoảng thời gian ba năm tại Botswana, tôi có rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Ngày đó, tôi có cơ hội thử sức nhiều thứ cùng nhiều hợp tác rất gắn kết với chính phủ Botswana. Đây là đất nước có sản lượng kim cương tự nhiên nhiều nhất trên thế giới. Vì thế, chính phủ có nhiều ngân sách cho cơ sở hạ tầng và những tòa nhà cao tầng. Tôi gặp vợ mình ở đó. Cô ấy là một bác sĩ người Anh. Bố mẹ cô đều là những người Anh xa xứ. Chúng tôi kết hôn tại Botswana. Sau một thời gian, chúng tôi quyết định chuyển sang Việt Nam và ở lại đây đã gần 10 năm.
Với tôi, mỗi quốc gia đều có nhiều nét đặc trưng riêng từ văn hóa đến quan niệm sống, thể chế và những điều kiện kinh doanh khác nhau. London hay nước Anh nói chung đều rất hoàn hảo. Tuy nhiên, thị trường đã đạt tới độ bão hòa, tức là không còn nhiều không gian mới để phát triển. Mọi thứ đều trong kiểm soát và các loại thuế cũng rất cao. Lúc đó, tôi mong muốn đi đến một thị trường mới - nơi mà ở đó, tôi có thể tạo ra những điều khác biệt. Ở Anh, thị trường đa phần là cho những công ty lớn, với các phân khúc chuyên biệt. Do đó rất khó để tạo ra điều gì đó mới mẻ và đột phá.
Tại Botswana, tôi điều hành một công ty - điều này cho phép tôi có không gian để tạo ra những sản phẩm khác biệt và khai phá nhiều mảng khác nhau. Chúng tôi đã thực sự đã gây dựng nên một công ty hiệu quả lúc bấy giờ tại Botswana.
Tương tự, khi ở Việt Nam chúng tôi cũng có một hành trình thú vị. Khi tôi hạ cánh xuống Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2010, thị trường cũng đang đối mặt nhiều thách thức. Lãi suất vay lên tới 18% và lạm phát ở mức 25%. Điều đó khiến cả nền kinh tế và ngành bất động sản đi vào bế tắc. Khoảng thời gian từ 2010 - 2014 thực sự rất khó khăn. Ở thời điểm đó tôi đang làm cho tập đoàn tư vấn bất động sản Knight Frank và chúng tôi cũng đang hợp tác với nhiều đối tác trong nước.
Ông đã vượt qua khoảng thời gian đó như thế nào?
Ở thời điểm đó, rất nhiều người đã chọn rời khỏi Việt Nam vì công ty gặp khó khăn trong việc trả lương. Thị trường thực sự rất khốn đốn. Nhưng tôi luôn tin rằng bất động sản luôn diễn ra theo một chu kì từ tốt đến xấu và ngược lại. Đó chính là điều tôi đã học được trong những khó khăn.
Bạn chỉ cảm nhận được điều đó từ những kinh nghiệm tích lũy lâu năm và trở nên trưởng thành hơn khi đạt đến một cấp độ nhất định. Bạn phải chấp nhận vượt qua những khó khăn đó để có thêm trải nghiệm và học hỏi. Và một khi đã vượt qua, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và biết mình phải làm gì và đối diện với chu kì tiếp theo một cách nhẹ nhàng hơn.
Tôi cũng từng có ý định rời Việt Nam. Tuy nhiên, tôi chọn ở lại vì tôi đã có khoảng thời gian ba đến bốn năm tại một thị trường đầy khó khăn và thách thức, và tôi nhận ra rằng, khoảng thời gian đó giúp tôi hiểu hơn về thị trường, hiểu hơn về đất nước và gây dựng nhiều mối quan hệ. Khi gặp khó khăn, bạn hãy thử nghĩ tới những cơ hội tiềm ẩn bên trong. Tôi tin rằng, thị trường sẽ chuyển mình sang một chu kì mới. Và rồi, chúng tôi cũng được trả công xứng đáng với chọn lựa khó khăn này. Sau 2014 đến nay, thị trường diễn biến cực kì, cực kì tốt. Tôi cảm thấy mình may mắn khi được làm việc ở một công ty tuyệt vời, với những con người tuyệt vời. Ở đó, chúng tôi cùng nhau xây dựng.
Ông có định tiếp tục ở lại Việt Nam?
Tôi chưa có ý định thay đổi. Với góc nhìn của tôi Việt Nam đang gặp thuận lợi khi thu hút sự chú ý rất nhiều từ các nhà đầu tư trên toàn cầu. Kinh doanh đã tăng trưởng đáng kể trong 4-5 năm vừa qua. Tôi muốn tiếp tục đà tăng trưởng này. Khi tôi nói chuyện với các thành viên của JLL trên toàn cầu, họ muốn chúng tôi tiếp tục phát triển mạnh và mạnh hơn nữa tại Việt Nam. Vẫn còn rất nhiều không gian cho tôi phát triển sự nghiệp tại đây. Với tôi, đây là một đất nước đáng sống. Chúng tôi yêu công việc và cuộc sống tại Việt Nam, yêu cả con người, văn hóa, ẩm thực, mọi thứ. Hiện tại, chúng tôi chưa tìm thấy lý do để đi.
Kinh nghiệm làm việc môi trường đa văn hóa đã giúp ông thích nghi với thị trường Việt Nam như thế nào?
Tôi nghĩ Việt Nam là một quốc gia hiếu khách. Điều này rất có ý nghĩa với tôi, với quyết định của tôi. Khi đến một quốc gia khác, sự chào đón và hỗ trợ của người bản địa rất quan trọng với nhân sự nước ngoài. Bản thân tôi là người có xu hướng lắng nghe nhiều hơn nói. Đây là một trong những lần hiếm hoi mà tôi nói nhiều về bản thân mình. Tôi thích lắng nghe và hiểu thêm về mọi người hơn. Tôi cố gắng hiểu và lắng nghe nhiều nhất có thể để học hỏi. Cuối cùng, tôi mong muốn mọi thành viên trong công ty cũng có cơ hội phát triển và nền tảng để phát triển.
Nhìn lại 10 năm vào thị trường Việt Nam, tôi không biết ông đã làm thế nào để hiểu và thích nghi ngành bất động sản?
Bất động sản Việt Nam khá phức tạp. Dù đã ở đây 10 năm rồi, nhưng đôi lúc tôi vẫn không hiểu được logic trong việc phát triển bất động sản ở đây (cười). So với các nền kinh tế mới nổi khác, khó mà hiểu tại sao ở Việt Nam có rất nhiều dự án quy mô rất lớn, những dự án khách sạn lên đến hàng nghìn phòng ở, đặc biệt ở khu vực ven biển.
JLL vẫn chú trọng nhóm những doanh nghiệp lớn trên toàn cầu, những nhà đầu tư quỹ, các công ty, tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới. Lĩnh vực này khá hấp dẫn nhưng thực tế chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thị trường bất động sản Việt Nam. Do đó, khoảng năm năm gần đây, chúng tôi cố gắng phát triển kinh doanh và mở rộng ra nhiều lĩnh vực. JLL đang làm việc với nhiều đối tác, nhà phát triển bất động sản địa phương và các nhà đầu tư trong nước. Chúng tôi tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực quản lý tài sản. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thận trọng và chọn lọc bởi vì có rất nhiều nhà phát triển bất động sản chưa thực sự hiểu giá trị mà chúng tôi đem lại và sẵn lòng chi trả cho các dịch vụ. Chúng tôi vẫn cần phải cẩn trọng với những đối tác mà chúng tôi làm việc, với khách hàng ở từng mức độ dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
JLL giống như một cây cầu kết nối giữa nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam?
Chúng tôi làm việc và tuân theo nguyên tắc toàn cầu. JLL là công ty tư vấn bất động sản hàng đầu nếu xét về vốn đầu tư. Chúng tôi thực hiện các giao dịch bất động sản như mua bán nhà ở, văn phòng, mặt bằng thương mại, khu công nghiệp, khách sạn. Đem doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam và kết nối họ với doanh nghiệp trong nước là việc chúng tôi đang làm. Mô hình kinh doanh của chúng tôi có chút khác biệt với các đối thủ cùng ngành. Với chúng tôi, từ cả hai phía, chúng tôi phải điều chỉnh cách đối tác địa phương hoạt động, kinh doanh. Khi chúng tôi đưa doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam, chúng tôi phải tìm đối tác địa phương phù hợp với họ. Để là đối tác của nhau, hai bên phải có chung chiến lược dài hạn, tầm nhìn và ý tưởng. Nếu không thì quan hệ đối tác sẽ không hiệu quả.
Ông có thể cho biết điều gì khiến ông thấy thú vị nhất trong việc này?
Theo tôi điều thú vị nhất là mỗi bên đều có ý tưởng, chiến lược riêng, tùy thuộc họ đến từ đâu, cũng như sự khác biệt trong văn hóa. Mỗi nhà đầu tư ở mỗi quốc gia khác nhau sẽ có một khẩu vị khác nhau. Việc của chúng tôi là phải thấu hiểu các nhà đầu tư cũng như đối tác địa phương, nên chúng tôi trông như một "ứng dụng hẹn hò" trong ngành bất động sản. (Cười)
Sở thích ngoài giờ làm việc của ông là gì?
Tôi thích nghe nhạc và đọc sách, đánh tennis hai lần mỗi tuần, tập yoga. Ở nhà tôi mở nhạc suốt ngày. Tôi có ba con, và việc nghe nhạc gì tùy thuộc vào chúng. Tôi cũng có một danh sách nghe nhạc riêng do tôi tự chọn, như Coldplay,... nhưng thật ra danh sách này cũng đa dạng và đủ thể loại, có thể là nhạc cổ điển lẫn hiện đại. Tôi cũng nghe những bản mà tôi từng nghe từ những năm 20 tuổi đến giờ. Sách tôi thích thường liên quan tới việc kinh doanh.
Ông có ngưỡng mộ ai hay là động lực cho ông không?
Cũng không có hình tượng nào hết. Ba mẹ tôi luôn hỗ trợ tôi và động viên tôi mọi lúc. Tôi nhớ có một lần nói chuyện với bố mẹ một người bạn, họ nói với tôi rằng “hãy cố gắng làm tốt nhất có thể trong mọi việc”, và tôi luôn nghe theo lời khuyên đó. Với tôi, cuộc sống này đầy giá trị nhưng cũng ngắn ngủi. Bạn hãy cứ thử thách bản thân và đừng hối tiếc. Và nếu bạn mắc sai lầm thì cũng chẳng sao cả. Đó là những điều tôi luôn giữ trong tim mà không hề hối tiếc, mọi thứ bạn làm đều sẽ ổn, nếu mắc sai lầm cũng không sao, để rồi bạn sẽ tiến tới phía trước.
Tôi lớn lên ở Somerset, một vùng quê ở miền Nam nước Anh. Mỗi khi nhìn lại, tôi hạnh phúc vì mình đã có một tuổi thơ êm đềm. Tôi có một người chị. Chúng tôi có thời thơ ấu ở miền quê đó, nơi thuần thiên nhiên, không có điện thoại, không máy tính. Điều kiện sống rất giản dị. Điều này có vẻ thiếu thốn với xã hội ngày nay.
Phạm Thị Bích Dâng (thực hiện)
Ảnh: Bảo Dzoãn