Trưa 14/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết tính đến 06 giờ ngày 14/8/2021, có 143.014 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, trong đó: 142.618 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 396 trường hợp nhập cảnh.
Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 35.029 người
Theo HCDC, hiện các cơ sở y tế đang điều trị 32.608 bệnh nhân, trong đó: có 2.182 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.671 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 13/8 có 2.175 bệnh nhân xuất viện.
Về chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19, HCDC cho biết nguyên tắc của tiêm vắc xin phòng COVID-19 dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân. HCDC đã cấp phát them 118.000 liều vắc xin Vero Cell đến các quận huyện. Theo đó các quận huyện sẽ triển khai tổ chức triển khai tiêm dựa trên sự đồng thuận của người dân.
Đối với việc xét nghiệm giám sát, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định đối với bệnh nhân COVID-19 sau xuất viện, người thực hiện cách ly, người sau cách ly, HCDC cho biết triển khai lấy mẫu xét nghiệm giám sát theo quy định. Theo đó phân loại các khu vực thành 3 nhóm: nguy cơ rât cao (khu vực phong toả), nguy cơ cao, các khu vực khác. Mỗi khu vực có quy định lấy mẫu giám sát phù hợp. Các F0, F1 được lấy mẫu xét nghiệm bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh hoặc RT-PCR vào ngày thứ 14 từ khi được cách ly. Nếu âm tính sẽ kết thúc cách ly.
Về tình hình cách ly kiểm dịch trên địa bàn Thành phố, HCDC cho biết số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 35.029 người, trong đó có 11.994 trường hợp F0 mới và 23.035 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.432 người. Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 3.456 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 12.516 người.
Phát hiện thêm 2 ổ dịch mới
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 13-8, TP.HCM ghi nhận 2 ổ dịch dân cư mới tại Quận 1 và Quận 5 với 237 ca mắc COVID-19. Cụ thể là:
Ổ dịch tại đường Yersin, Phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1: Ca bệnh đầu tiên phát hiện vào ngày 8-7 qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Đến nay đã phát hiện thêm 101 ca. Ngày gần nhất ghi nhận ca mắc mới là ngày 12-8 gồm 2 ca. Tổng cộng ổ dịch này đến nay có 175 ca xác định mắc COVID-19.
Ổ dịch 48 Nguyễn Biểu, Phường 1, Quận 5: 4 ca bệnh đầu tiên phát hiện ngày 24-7 qua diện tầm soát cộng đồng. Đến ngày 2-8 phát hiện thêm 28 ca dương tính. Ngày 7-8, phát hiện thêm 29 ca thuộc khu phong tỏa. Ngày gần nhất ghi nhận ca mắc mới là ngày 10-8 gồm 1 ca dương tính qua tầm soát tại bệnh viện. Tổng cộng ổ dịch này đến nay có 62 ca xác định mắc COVID-19.
Trước đó vài ngày, tại Quận 5 cũng phát hiện 2 ổ dịch mới tại khu dân cư. Ổ dịch thứ nhất ở hẻm 93 Bạch Vân, phường 5, quận 5, ghi nhận 70 ca dương tính. Ô dịch thứ hai ở hẻm 57 Trần Nhân Tôn, phường 9, quận 5, ghi nhận 36 ca dương tính. Cơ quan chức năng đã phong tỏa toàn bộ con hai hẻm này và tiến hành ấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Hiện các ổ dịch mới này đã đưa vào theo dõi. Ngoài 2 ổ dịch mới vừa phát hiện, TPHCM còn 18 ổ dịch đang diễn tiến, gồm 2 ổ dịch chợ, 15 ổ dịch khu dân cư, 1 ổ dịch thuộc cơ sở y tế. Trong đó, ổ dịch liên phường 13, 15, Quận 10 là ổ dịch phức tạp nhất trong 18 ổ dịch đang diễn tiến, với tổng số ca mắc COVID-19 là 912 ca.
HCDC khuyến cáo:. 1. Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. 2. Luôn thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K. 3. Học cách tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe khi thực hiện cách ly F0, F1 tại nhà.
Thí điểm cho F0 dùng thuốc kháng virus Molnupiravir tại nhà
Ngày 13/8, tại hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh COVID-19 và an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 , GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh ngành y tế phải có chiến lược giảm tải điều trị, giảm tối đa tử vong do dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc điều trị F0 tại nhà có kiểm soát sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Điều trị tại nhà có kiểm soát giúp giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng, giảm tử vong.
Theo đó từ ngày 16/8, Bộ Y tế bắt đầu triển khai thí điểm chương trình điều trị có kiểm soát cho các F0 tại TP.HCM với 3 hoạt động chính: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng. Cung cấp hộp thuốc cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe cho bệnh nhân. Trong túi thuốc sẽ có thuốc kháng virus Molnupiravir. Cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.
Được biết loại thuốc kháng virus có tên Molnupinavir của Mỹ đang là ứng viên tiềm năng nhất cho hy vọng chấm dứt đại dịch Covid-19 trong tương lai gần.
Thuốc Molnupinavir được phát triển bởi sự hợp tác giữa 2 công ty Rigibel (Đức) và Merk (Mỹ). Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đã hoàn tất với hiệu quả 100% trên các bệnh nhân Covid-19. Sau 5 ngày, tải lượng virus của bệnh nhân xuống thấp đến ngưỡng không lây lan.
Điều trị giảm tử vong với 2 trụ cột.
Theo HCDC, để khống chế và kiểm soát dịch bệnh, trong 30 ngày sắp tới, TPHCM sẽ tập trung chiến lược điều trị giảm tử vong với 2 trụ cột.
Thứ nhất là chiến lược điều trị F0 tại nhà và cộng đồng với mục tiêu để kéo giảm ca diễn tiến nặng, tử vong thông qua rà soát và nắm chắc danh sách F0 điều trị tại nhà; tư vấv, theo dõi sức khỏe hàng ngày; có túi thuốc điều trị và phản ứng nhanh của y tế cơ sở trong trường hợp diễn tiến nặng.
Thứ hai là chiến lược điều trị F0 tại bệnh viện theo hệ thống 5 tầng, mấu chốt được xác định là oxy và thuốc (theo chỉ định của Bộ Y tế).
Trong việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh”, TP.HCM đã đưa ra hướng dẫn về công tác cung ứng thực phẩm cho người dân. Theo đó, điểm cung ứng thực phẩm thuộc khu vực “vùng xanh” nào thì cung ứng cho người dân ở khu vực đó.
HCDC cho biết hàng tuần, chính quyền địa phương sẽ phát phiếu đi chợ cho hộ gia đình ghi rõ địa điểm, thời gian được đi mua thực phẩm. Bên cạnh đó, ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cư dân “vùng xanh” và thực hiện xét nghiệm định kỳ theo quy định hoặc khi có yếu tố dịch tễ.