Vì sao TP.HCM chưa có chủ trương cách ly và điều trị F0 tại nhà ?

Quỳnh Giang

10/07/2021 22:11

Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết Thành phố vẫn chưa có chủ trương và không kỳ vọng áp dụng biện pháp cách ly điều trị F0 tại nhà.

Chiều 10-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM kết hợp Sở Thông tin - truyền thông TPHCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 sau hai ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Tại cuộc họp, phóng viên đặt câu hỏi về việc hiện nay số ca nhiễm tăng cao gây áp lực cho cơ sở y tế, một số nước hiện nay đã áp dụng biện pháp cách ly, điều trị tại nhà với các F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Như vậy, thời gian tới nếu tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, TP.HCM có chủ trương áp dụng giải pháp này không?

Trả lời câu hỏi này, ông Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết Việt Nam vẫn quyết tâm phát hiện sớm F0 để điều trị tránh lây lan, sắp tới số ca nhiễm có thể sẽ giảm. TP.HCM vẫn chưa có chủ trương và không kỳ vọng áp dụng biện pháp cách ly điều trị F0 tại nhà. 

Một lý do nữa khiến TPHCM chưa có chủ trương cách ly và điều trị F0 tại nhà, theo giải thích của Phó giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng là vì biến chủng Delta có diễn biến hết sức phức tạp, có thể trong vòng 1 ngày, người không có triệu chứng đã chuyển sang diễn biến khác, vì thế ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để kịp thời ứng biến. Nếu để F0 ở nhà cơ quan y tế sẽ không kịp ứng biến.

cach-ly-f1-tai-nha-o-binh-duong-1625929605.jpg
Một trường hợp F1 được cách ly tại nhà 

Hiện tại, TPHCM đang cho thí điểm chương trình cách ly F1 tại nhà và nếu việc này được đánh giá khả thi thì Bộ Y tế có thể xem xét để áp dụng cho cả nước hình thức cách ly tại nhà đối với những bệnh nhân F1.

Theo đánh giá ban đầu của Bộ Y tế, việc cách ly F1 tại nhà có một số thuận lợi cho địa phương, như giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung. Lợi ích của cách ly F1 tại nhà giúp họ giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm chéo khi phải cách ly trong các cơ sở bị quá tải hoặc khu cách ly được cải tạo từ trường học, khu nhà văn phòng phải sử dụng nhà vệ sinh chung không đạt yêu cầu phòng, chống dịch.

Liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, mục đích quan trọng nhất của cách ly F1- dù tập trung hay tại nhà, đều nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh sang người khác. Vì vậy, vị giám đốc này đề xuất nới lỏng quy định, chỉ cần F1 có phòng riêng khép kín, cam kết không vi phạm, lắp camera giám sát... thì được ở nhà.

Mặt khác, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung cũng đề xuất sau khi xem xét cách ly F1 tại nhà trên toàn quốc thì  cần  cần phân loại F0 thành các nhóm.

"F0 triệu chứng nặng hoặc người già, có bệnh nền mới cần điều trị tại cơ sở y tế. Nhóm triệu chứng nhẹ như chỉ sốt, ho, đau họng, mất khứu giác nhưng vẫn ăn uống bình thường, chụp X-quang phổi không bị tổn thương... thì cách ly tại nhà", Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề xuất.

Theo ông Nhung, nếu vẫn duy trì biện pháp bắt buộc tất cả F0 cách ly, điều trị tại bệnh viện sẽ gây tốn kém nguồn lực và "không cần thiết". Vì việc điều trị một bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện đòi hỏi phải có giường bệnh đạt tiêu chuẩn về khoảng cách, cách ly. Ngoài các nhân viên y tế, điều dưỡng chăm sóc về chuyên môn, bệnh viện cần đảm bảo nhu cầu sinh hoạt như ăn uống cho F0. Nguồn lực về con người và kinh tế cho việc này rất lớn.

Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Văn Nhung cho rằng F0 được cách ly tại nhà cần đảm bảo 6 điều kiện cũng như tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Cụ thể là:

1.  Bộ Y tế quy định cụ thể về việc khám sàng lọc, phân loại F0 được cách ly tại nhà, trường hợp nào phải điều trị trong bệnh viện.

2.  F0 cần đảm bảo các tiêu chuẩn về phòng, nhà ở, cơ sở vật chất. Cụ thể, các hộ gia đình phải có phòng riêng, khép kín. Các phòng có thể trong khu chung cư hoặc nhà riêng. Chung cư có điều hòa trung tâm thì không nên dùng làm nơi cách ly F0, bởi dễ lây lan dịch bệnh từ đây.

3. F0 cần được gắn máy đo nồng độ oxy, hướng dẫn cụ thể cách theo dõi sức khỏe hằng ngày, cách sinh hoạt, tự cách ly tại nhà. Cán bộ y tế phải tư vấn cụ thể để F0 thường xuyên tự cập nhật và thông báo về tình hình sức khỏe như nhiệt độ, mạch đập, độ bão hòa oxy; khi có diễn biến nặng kịp thời đưa đến bệnh viện.

4. Các thành viên còn lại trong gia đình được coi là F1, cũng cần tự cách ly tại nhà. Vì vậy, việc mua đồ dùng sinh hoạt hằng ngày cần có người hỗ trợ. Việc này có thể giao cho các tổ Covid-19 cộng đồng, đoàn thể địa phương và hướng dẫn cụ thể cách đảm bảo an toàn.

5. Cần quy định cụ thể việc giám sát F0 tại nhà. "Giám sát F0 tại nhà khác với F1, bởi đây là những ca dương tính, có thể lây nhiễm cho người khác nên cần chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn", ông Nhung lưu ý. Đồng thời, cơ quan chuyên môn cần có quy trình cụ thể để nhân viên y tế địa phương vận dụng, khi nào đưa F0 đến bệnh viện; quá trình vận chuyển như thế nào... Cần tính đến phương án phải cấp cứu F0 nếu tình hình sức khỏe diễn tiến nặng nhanh.

6. Xây dựng quy trình, số lần lấy mẫu xét nghiệm cho F0 tại nhà. Nhân viên y tế có thể mặc đồ bảo hộ hai lớp, khi đến nhà F0 sẽ bỏ lớp ngoài, để không bị lây nhiễm và phát tán mầm bệnh cho cộng đồng.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Nhung đây là những vấn đề kỹ thuật chuyên sâu, cơ quan chuyên môn phải hướng dẫn cụ thể. F0 và gia đình phải ký cam kết tuân thủ quy định khi ở nhà. Thậm chí người vi phạm sẽ xử lý hình sự. 

Quỳnh Giang