Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam – khởi sắc trong năm 2019, thu hút dòng vốn nước ngoài qua hai kênh trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành này đạt kỷ lục 17,5 tỉ USD trong năm 2019, chiếm 77,5% tổng vốn đăng ký. Trong những năm trước, chế biến, chế tạo nhận trên dưới 15 tỉ USD vốn FDI và chiếm khoảng 50-60% tổng vốn đăng ký. Tương tự, số vốn đầu tư nước ngoài chảy vào lĩnh vực này thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần năm 2019 đạt 7,09 tỉ USD, chiếm 46% và gấp ba lần năm 2018.
Sự dịch chuyển trên của dòng vốn đã được dự báo từ năm 2018 và trở nên rõ nét hơn trong năm 2019. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy quá trình này. Trước khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên đỉnh điểm, một số nhà sản xuất lớn như Nike và Adidas đã kịp dịch chuyển một nửa sản lượng toàn cầu đến Việt Nam. Chiến tranh thương mại thúc đẩy quá trình ra quyết định của các doanh nghiệp nhanh hơn. Làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc tới Việt Nam có phần cấp bách hơn, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, nói với Tạp chí Nhà Quản Lý.
Năm ngoái, GoerTek - một trong những đối tác sản xuất quan trọng của Apple tại Trung Quốc - đầu tư 260 triệu USD mở nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh. Hanwha - một trong 500 tập đoàn lớn nhất thế giới của Hàn Quốc - cũng đã chuyển nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay sang Việt Nam, đặt tại khu công nghệ cao Hòa Lạc với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD.
Một số khác gấp rút chuẩn bị cho công tác di dời. Foxconn (Đài Loan) được biết đến với việc sản xuất iPhone, iPad cho Apple - đã thuê 10 héc-ta khu công nghiệp Đông Mai - Viglacera (Quảng Ninh) để sản xuất linh kiện màn hình ti-vi sau khi mở các nhà máy tại Bắc Ninh, Bắc Giang... từ năm 2007. Các nhà sản xuất theo đơn đặt hàng tại Trung Quốc dịch chuyển sản xuất trong bối cảnh đối mặt với một tương lai “không chắc chắn” khi chiến tranh thương mại leo thang.
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn và Quản lý Kinh doanh Khu công nghiệp và Văn phòng cho thuê, CBRE Việt Nam cho hay, thông thường thời gian tiến hành một dự án dịch chuyển sản xuất cần 12-18 tháng. Chiến tranh thương mại thúc đẩy quá trình đó rút ngắn xuống chỉ còn 3-4 tháng. Ông Hiếu tiết lộ, tại đỉnh điểm của căng thẳng trong năm 2019, CBRE từng nhận được các yêu cầu từ khách hàng Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu có nhà máy sản xuất ở Trung Quốc sang Việt Nam tăng đột biến 30-40%.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển còn tới từ việc Trung Quốc thay đổi chiến lược, nâng cấp ngành công nghiệp mà trọng tâm vào các ngành có công nghệ cao. Ngay các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang tìm cách chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài. Năm 2019, FDI đăng ký mới của nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam là 2,37 tỉ USD, gấp đôi năm 2018. Trung Quốc vươn lên thứ ba trong bảng xếp hạng rót vốn FDI mới, chỉ sau Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Hồng Kông - trung tâm tài chính châu Á và là nơi nhiều nhà đầu tư quốc tế chọn để đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn mạnh nhất vào các ngành công nghiệp nặng như sản xuất lốp xe, chất dệt nhuộm... Dự án đầu tư trực tiếp lớn thứ tư vào Việt Nam trong năm 2019 với số vốn 280 triệu USD thuộc về doanh nghiệp chế tạo lốp xe toàn thép ACTR của nước này. Một dự án 214 triệu USD sản xuất lốp cao su khác tại Tiền Giang cũng đến từ nhà đầu tư Trung Quốc.
Cùng với làn sóng dịch chuyển, Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các “tay chơi” mới tham gia. Một loạt các dự án hàng trăm triệu USD được khởi động. Nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới của Mỹ - Universal Alloy Corporation Asia lập nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine với vốn đăng ký 170 triệu USD tại Đà Nẵng hồi tháng 3 năm ngoái. Nhà máy này sản xuất, gia công và lắp ráp các bộ phận, linh kiện hàng không vũ trụ bằng hợp kim nhôm và composite, hay nhà đầu tư Singapore rót 200 triệu USD tại Nghệ An để sản xuất vải và nhuộm vải dệt kim trong năm 2019.
Do trọng tâm hướng vào lĩnh vực sản xuất, nguồn vốn FDI đổ mạnh về các khu công nghiệp và khu kinh tế. Năm 2019, các khu công nghiệp và vùng kinh tế thu hút vốn nước ngoài gần 934 dự án với tổng mức đầu tư gần 19,4 tỉ USD, gần bằng con số vốn FDI giải ngân của cả năm, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng có thời gian tăng trưởng mạnh mẽ nhờ làn sóng dịch chuyển đầu tư này.
Đến nay, đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt được kết quả khả quan giai đoạn đầu, nhưng đây chỉ được coi là một “lệnh ngừng bắn”. “Xu hướng chuyển đổi sản xuất vẫn sẽ tiếp tục và đem lại lợi ích cho nền công nghiệp Việt Nam”, JLL nhận định tại báo cáo tổng quan về thị trường bất động sản Việt Nam Quý IV.2019. Nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp vẫn mạnh, nhưng khả năng triển khai được tại các khu công nghiệp lại không lớn do vấn đề giá đất và mặt bằng có sẵn.
Với số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao, các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Theo JLL, giá đất trung bình trong Quý IV.2019 tại khu vực phía Nam là 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, việc phát triển logistics, cơ sở hạ tầng lại không tương ứng với mức tăng giá đất này. Các nhà đầu tư tiềm năng phải bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế khác như địa điểm tại các vùng xa hơn. Việc bị đẩy đến những khu vực xa khiến bài toán nhân công trở nên khó khăn hơn khi khó tìm được người phù hợp và chi phí cũng gia tăng.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp phía Nam đang trải qua tình trạng thiếu quỹ đất sẵn sàng cho thuê. Phần nhà xưởng chưa hoàn thành trong các khu công nghiệp hiện hữu dự kiến Quý II - Quý III.2020 mới ra mắt. Năm 2020, gần hai nghìn héc-ta tại các khu công nghiệp mới và khu mở rộng ở khu vực miền Nam được ra mắt để giải quyết phần nào tình trạng thiếu này.
Trong một chia sẻ hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho rằng: “Việt Nam có lẽ chưa sẵn sàng cho cuộc dịch chuyển này”, do nhu cầu đến vô cùng mạnh mẽ đã bắt đầu gây áp lực lên các hệ thống về cơ sở hạ tầng, đất đai và chi phí lao động.
“Những vấn đề như hạ tầng, đất đai có thể được giải quyết nhanh trong thời gian tới. Còn lao động có trình độ cao đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu vào như linh kiện máy bay... không thể giải quyết ngày một ngày hai. Đây là điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam”, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành & doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin & Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nhìn nhận ở góc độ khác.
Ông Thắng cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhìn vào các kỳ vọng kinh tế và bối cảnh chuỗi giá trị toàn cầu đang được hình thành rõ hơn thì giai đoạn 2020-2025, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng sẽ không có nhiều đột biến so với hiện nay, ông Thắng nhận định.
Minh Tâm