Hiện nay, tại Việt Nam, các hoạt động “kinh tế ngầm” (KTN) đang diễn ra rất phức tạp. Trong đó, “bên cạnh các hoạt động tạo ra của cải, thu nhập được pháp luật cho phép tiến hành thì kinh tế ngầm còn tiềm ẩn khá nhiều hoạt động có thể gây ra các tác động hoặc thậm chí gây nguy hại, ảnh hưởng rất lớn cho kinh tế, xã hội và hệ thống pháp luật”1. Vì vậy, việc nhận diện các hoạt động KTN trở nên rất cần thiết và quan trọng. Bởi qua việc nhận diện, có thể xác định rõ các hình vi vi phạm pháp luật, để từ đó, điều chỉnh chúng bằng những quy định pháp luật phù hợp.
Nhận diện “kinh tế ngầm”
KTN (còn được gọi là: kinh tế bóng, kinh tế ma, kinh tế song song) là một hoạt động kinh tế, vì nó tạo ra của cải vật chất giống như các hoạt động kinh tế khác. Nghiên cứu cho thấy, KTN “là khái niệm được sử dụng phổ biến của kinh tế học để nhằm đánh giá những nguồn thu nhập không qua báo cáo nhưng chúng có ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của từng quốc gia”2. KTN thường được xem xét khi cần tính toán sự phát triển kinh tế của một quốc gia thông qua yếu tố “phúc lợi kinh tế ròng” (NEW). Bởi lẽ, cách đánh giá sự tăng trưởng kinh tế thông qua “tổng sản phẩm quốc nội” (GDP) vẫn còn bỏ sót nhiều yếu tố nên chưa chính xác và đầy đủ. GDP mặc dù là thước đo đánh giá sự phát triển kinh tế của một quốc gia nhưng GDP lại không tính đến những yếu tố chi phí đầu ra như tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông…
Vậy nên, phúc lợi kinh tế ròng có thể khắc phục những hạn chế của GDP khi phúc lợi kinh tế ròng là GDP sau khi đã loại trừ chi phí của đầu ra và cộng với KTN (thu nhập không qua trao đổi trên thị trường)3. Do đó, KTN là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế. Ngoài ra, bên cạnh việc tính toán hiệu quả của KTN đối với tăng trưởng kinh tế, người ta còn tìm hiểu KTN khi chúng tác động và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội và sự vi phạm pháp luật.
“Kinh tế ngầm được hiểu là một thị trường nơi mà tất cả các hoạt động thương mại được tiến hành mà không liên quan đến thuế, luật hoặc các quy định thương mại”4. Cũng có thể quan niệm, “KTN hay còn gọi là nền kinh tế phi chính thức là tất cả các khoản tiền và việc làm được tạo ra bên ngoài nền kinh tế chính thức, bất kể việc nền kinh tế này được cho là hợp pháp hay bất hợp pháp”5. Hay KTN “là một phần của tổng sản phẩm quốc nội bị bỏ qua, do không báo cáo hoặc không được báo cáo trong các số liệu thống kê chính thức”6.
Hoặc “kinh tế ngầm liên quan đến các giao dịch kinh tế không được đo bằng số liệu thống kê của Chính phủ và bỏ qua các quy định và luật pháp của Chính phủ. Nó bao gồm: hoạt động tội phạm bất hợp pháp; hoạt động phi thị trường – ví dụ: tự trồng rau; hoạt động pháp lý được ẩn từ các cơ quan chức năng (ví dụ: để tránh phải trả thuế)”7. Như vậy, KTN chính là các hoạt động kinh tế được tiến hành với mục đích tạo ra lợi nhuận cho các chủ thể thực hiện nhưng thường không báo cáo hoặc đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước.
Trên thực tế, quan niệm của nhiều người vẫn thường cho rằng, KTN chỉ là các hoạt động kinh tế diễn ra bất hợp pháp hay trái pháp luật hoặc đó là các hoạt động kinh tế không minh bạch, không rõ ràng, không công khai, diễn ra lén lút, vụng trộm… Thậm chí không ít người quan niệm KTN là “thị trường chợ đen” hay “nền kinh tế đen”. Điều này một phần bị ảnh hưởng bởi chính từ tên gọi KTN nên đã làm cho cách hiểu về KTN thiếu đi sự chính xác, dẫn đến suy nghĩ không mấy tích cực. Tuy nhiên, KTN không hoàn toàn đều là những hoạt động trái pháp luật.
Về con đường hình thành, tồn tại và phát triển của KTN tại Việt Nam, nghiên cứu cho thấy, trong nền kinh tế kế hoạch hóa tại Việt Nam trước đây, các hoạt động thương mại bị quản lý rất chặt chẽ. Nền kinh tế kế hoạch hóa đã hạn chế, cấm đoán, triệt tiêu quyền tự do kinh doanh. Còn đối với kinh tế thị trường, vốn dĩ là nền kinh tế “mở” và đề cao sự tự do, sáng tạo trong kinh doanh, nhờ đó, người dân có thể làm hoặc tham gia vào rất nhiều hoạt động kinh tế khác nhau và đương nhiên có cả KTN. Vì thế, khi Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường, cũng đồng thời tạo cơ sở cho sự hình thành, tồn tại và phát triển của KTN. Nói cách khác, xuất phát từ việc chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam đã làm phát sinh nhiều mối quan hệ kinh tế phức tạp như vấn đề đa sở hữu hay đa thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, sự thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý điều hành nền kinh tế cũng là một trong các nguyên nhân hình thành KTN. Hoặc từ những vấn đề như tác động, ảnh hưởng của các chính sách quản lý xã hội, pháp luật, thuế suất, các loại thủ tục hành chính phức tạp cũng góp phần làm cho một bộ phận người dân thường tìm cách đối phó hay “lách luật” để có lợi. Mặt khác, những vấn đề như hệ thống tiền lương và phân phối thu nhập chưa hợp lý cũng góp phần làm cho người dân phải tìm kiếm thêm các nguồn thu nhập khác. Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề như “thuế suất cao hơn và đóng góp an sinh xã hội; Nhà nước ban hành quá nhiều các quy định; buộc giảm giờ làm việc hằng tuần; nghỉ hưu sớm; thất nghiệp; lòng trung thành và từ đạo đức của chính người dân đối với chính quyền”8.
Hiện nay, có rất nhiều hoạt động KTN được các cơ quan quản lý nhà nước biết rõ nhưng vẫn cho phép tồn tại và hoạt động, vì lẽ, những hoạt động KTN này không gây nguy hại cho Nhà nước hay nền kinh tế và xã hội. Chính vì vậy, để phát huy thế mạnh và xử lý triệt để những hành vi vi phạm pháp luật thì cần có sự nhận diện đúng về KTN. Theo đó, KTN thường được phân thành hai loại: KTN hợp pháp và KTN bất hợp pháp.
KTN hợp pháp là các hoạt động kinh tế tiến hành hợp pháp nhưng chủ thể tiến hành thường không khai báo giá trị thu nhập cho các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, những hoạt động của giáo viên (gia sư, mở lớp dạy thêm tại nhà), bác sỹ (khám bệnh tại nhà nhưng không đăng ký hoạt động công khai), trông giữ xe (nhưng không đăng ký), công việc của thợ thủ công, bảo mẫu, người giúp việc gia đình, người bán hàng rong, nông dân tiến hành các hoạt động sản xuất, chạy xe ôm, xe taxi, bốc vác, làm thuê tại các bến tàu xe, bán vé số… chính là KTN hợp pháp. Điểm chung là các hoạt động kinh tế này thường xuyên diễn ra và rất phổ biến ở khắp mọi nơi.
Chính vì thế, các hoạt động KTN hợp pháp luôn được thừa nhận và có sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Về phía các cơ quan nhà nước, mặc dù biết đến sự tồn tại và hoạt động của KTN hợp pháp nhưng vẫn cho phép hoạt động. Bởi lẽ, các hoạt động đó là một phần không thể thiếu của đời sống kinh tế – xã hội tại Việt Nam và mặt khác, KTN hợp pháp cũng gián tiếp giúp Nhà nước tạo ra rất nhiều việc làm cho xã hội, từ đó, làm giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp và đóng góp không nhỏ đối với nền kinh tế.
Trái ngược với KTN hợp pháp, KTN bất hợp pháp là những hoạt động kinh tế bị pháp luật nghiêm cấm không được phép hoạt động. Trong đó, KTN bất hợp pháp thường tồn tại dưới các hoạt động như: trộm cắp, mại dâm, cá độ, tổ chức vui chơi có thưởng (nhưng không khai báo với các cơ quan có thẩm quyền), cho vay nặng lãi (tín dụng đen), bảo kê, buôn bán các loại hàng hóa không được pháp luật cho phép (vũ khí quân dụng hoặc các loại tài nguyên thiên nhiên bị cấm), đòi nợ thuê… Ngoài ra, KTN bất hợp pháp còn bao gồm: “buôn bán ma túy, buôn bán hàng hóa bị đánh cắp, buôn lậu, đánh bạc bất hợp pháp và lừa đảo”9.
Điểm chung của các hoạt động KTN bất hợp pháp là mặc dù chúng cũng tạo ra vật chất cho những người thực hiện nhưng lại tác động, ảnh hưởng không tốt đến đời sống xã hội hay sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của người khác. Nghiên cứu cho thấy, các hoạt động KTN bất hợp pháp thường dẫn đến: “Doanh thu thuế bị mất; cho phép tiêu thụ hàng hóa có hại; tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn thấp; nền kinh tế ngầm cũng có thể làm tăng sức mạnh của các băng đảng tội phạm; xói mòn niềm tin của xã hội và thất thoát về thuế; thông tin kém cho Chính phủ – dẫn đến chính sách không chính xác”10. Do đó, xét về khả năng gây nguy hại, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội thì có thể khẳng định, KTN bất hợp pháp mới là các hoạt động kinh tế có ảnh hưởng đến việc phạm tội và cần phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý.
Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học – công nghệ, các hoạt động của KTN ngày càng đa dạng, tinh vi và phức tạp hơn trước. Hiện nay, chỉ cần sử dụng các trang thông tin cá nhân miễn phí như zalo, facebook, youtube, viber… các nhà kinh doanh tự phát đã có thể tiến hành việc mua bán hàng hóa, dịch vụ rất nhanh chóng, đơn giản và dễ dàng. Kinh doanh trên không gian mạng ảo đã giúp cho khá nhiều “youtuber” có được thu nhập rất lớn. Thậm chí thu nhập của những người này vượt xa mức thu nhập bình quân của các công chức, viên chức và người lao động bình thường.
Tuy vậy, rất nhiều hành vi kinh doanh trên không gian mạng dù được thực hiện thường xuyên, liên tục nhưng chủ thể kinh doanh thường không khai báo với cơ quan quản lý nhà nước và đương nhiên trốn thuế. Thống kê cho thấy, môi trường kinh doanh trên mạng đã gây thất thu một số lượng thuế không nhỏ cho ngân sách nhà nước11. Đây rõ ràng là biến tướng từ hành vi KTN hợp pháp chuyển sang KTN bất hợp pháp nên rất cần có chế tài để xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, hiện tượng vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ đang diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam. Điển hình trong đó có không ít chủ thể đang tìm mọi cách phát sóng “chui” các chương trình truyền hình hấp dẫn hay phim ảnh, ca nhạc hoặc các sự kiện thể thao để thu hút người xem, bởi, chỉ cần tiếp sóng trực tiếp (livestream) các chương trình truyền hình có bản quyền. Hành vi này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền sở hữu trí tuệ của các nhà sản xuất hay đơn vị tổ chức12 và gây ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề cho những chủ thể kinh doanh hợp pháp trong lĩnh vực truyền hình. Do đó, đây cũng có thể xem là những hành vi KTN bất hợp pháp và cần phải có sự quản lý từ Nhà nước.
Như vậy, không phải bất cứ hoạt động nào của KTN đều dẫn đến hành vi phạm tội. Do đó, cần nhận diện đúng các hành vi KTN, để từ đó, đưa ra các quy định điều chỉnh phù hợp.
Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý loại hình “kinh tế ngầm” hiện nay
Các nhà kinh tế học trên thế giới đã chỉ ra rằng, các quốc gia luôn tồn tại hai nền kinh tế, một nền kinh tế chính thức và một nền KTN”13. Vì thế, sự tồn tại của KTN tại Việt Nam cũng là tất yếu khách quan. Do vậy, tác giả cho rằng, để khai thác và phát huy các điểm mạnh cũng như hạn chế các tác động tiêu cực của KTN thì cần xem xét giải pháp sau:
Một số hoạt động KTN hiện mang lại những đóng góp cho sự phát triển kinh tế và hơn nữa, đó còn là cơ sở cho sự tồn tại của rất nhiều người tham gia và của những người có liên quan trực tiếp với họ. Do đó, để hạn chế tác động tiêu cực và ảnh hưởng của KTN thì Nhà nước chỉ cần quản lý tốt KTN bất hợp pháp. Vì vậy, đối với việc xây dựng và ban hành pháp luật cần có sự sàng lọc, phân loại và xác định chỉ các hoạt động KTN có khả năng gây ảnh hưởng đến hành vi phạm tội thì mới phải quản lý và kiên quyết xử lý triệt để. Cụ thể, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng nâng cao hơn nữa khung hình phạt đối với các loại tội phạm như cá độ, bảo kê, trộm cắp, buôn bán ma túy…
Ngoài ra, những hành vi buôn bán trốn thuế diễn ra trên không gian mạng cũng cần phải đưa vào Bộ luật Hình sự trong lần sửa đổi, bổ sung sắp tới. Cụ thể là cần xây dựng những chế tài pháp lý nghiêm khắc, cứng rắn để kiên quyết xử lý các hành vi buôn bán nhưng trốn thuế trên không gian mạng. Có thể dự báo, trước sự ảnh hưởng từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ ngày càng phát triển sôi động và rộng rãi hơn.
Do đó, nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến việc tạo đà cho các chủ thể tham gia kinh doanh trốn thuế nhiều hơn. Vì các chủ thể kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo cách truyền thống hiện nay đều có thể nhận thấy kinh doanh trên mạng không phải khai báo hay thực hiện các nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Từ đó, rất dễ dẫn đến tình trạng kinh doanh truyền thống chuyển sang kinh doanh trên mạng nên việc quản lý và xử lý sẽ ngày càng khó khăn, phức tạp và Nhà nước ngày càng mất nguồn thu từ thuế.
Cùng với việc bổ sung quy định vào Bộ luật Hình sự thì cần phải nhanh chóng xây dựng các quy định về tiêu chuẩn và điều kiện kinh doanh đối với cá nhân trên không gian mạng. Nếu các chủ kinh doanh không khai báo và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thì cần có biện pháp xử lý cứng rắn, quyết liệt như đóng các trang thông tin cá nhân vi phạm và xử phạt hành chính hoặc nếu vi phạm đến mức độ nặng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện. Có như vậy, các chế tài xử lý mới đủ sức răn đe và phòng ngừa các hành vi vi phạm khác.
Ngoài ra, để việc quản lý và giám sát kinh doanh trên không gian mạng hiệu quả, cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nói chung và đặc biệt là khả năng, trình độ về công nghệ thông tin nói riêng cho đội ngũ thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Mặt khác, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đặc biệt đối với những chủ thể thực hiện nhiệm vụ trên. Bởi, đây là nhiệm vụ mới và rất khó khăn, phức tạp nên nếu không có những điều kiện hỗ trợ thuận lợi thì những chủ thể chịu trách nhiệm tiến hành rất khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Không những vậy, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong việc khai báo, cung cấp thêm thông tin khi phát hiện các hành vi KTN bất hợp pháp. Từ đó, việc quản lý KTN bất hợp pháp mới đạt hiệu quả và bảo đảm tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội.