Tháng 7.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập ngay nhóm nghiên cứu xây dựng Đề án, đồng thời mời Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group (BCG), Công ty Kiến trúc Arup tham gia hỗ trợ xây dựng Đề án. Nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế cùng nghiên cứu rà soát kinh nghiệm của trên 30 cơ sở hỗ trợ đổi mới sáng tạo trên thế giới, tìm hiểu các bài học thành công và thất bại của họ.
Phát biểu tại buổi làm việc, các nhà tư vấn cho rằng Việt Nam có lợi thế so với nhiều quốc gia trong khu vực vì có nhiều nhân tài số, các kỹ sư phần mềm làm việc tại Singapore hay Hoa Kỳ, chỉ đứng sau Hàn Quốc và Trung Quốc. Do đó, cùng với việc hình thành Trung tâm thì cần có biện pháp thu hút họ về Việt Nam. Trung tâm Đổi mới sáng tạo không phải chỉ là tòa nhà, không gian làm việc mà phải là biểu tượng về đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái hoàn chỉnh và tốt hơn các quốc gia xung quanh, là nơi làm ra các sản phẩm sáng tạo và có thể chuyển giao vào thực tiễn. Các cơ chế về thuế, đất đai, thủ tục hành chính liên quan đến đổi mới sáng tạo, cấp bản quyền và thương mại hóa các nghiên cứu phải bảo đảm thuận lợi. Hiện đã có một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới thể hiện sự quan tâm đến Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam và đây là điều hết sức thuận lợi.
Kinh nghiệm các nước cho thấy, trung tâm đổi mới sáng tạo nói riêng và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của họ phát triển rất mạnh mẽ, như tại Singapore, với sự hỗ trợ lớn từ phía Chính phủ. Nếu Việt Nam cũng làm được điều này, lợi ích mang lại về kinh tế là rất lớn. Lấy ví dụ từ thành công của Hàn Quốc, các chuyên gia cho biết, mỗi năm, nước này thu về 30 tỷ USD doanh thu từ các trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết việc làm cho 40.000 lao động chất lượng cao, kết nối với hàng nghìn công ty với trung tâm. Việt Nam cũng có thể làm được điều này và cần có chính sách tập trung vào một ngành cụ thể mang tính động lực.
Nếu thí điểm thành công Trung tâm này, các chuyên gia cho rằng, cần tạo ra mạng lưới các trung tâm trên toàn quốc và ngành công nghiệp này tương tác với các ngành công nghiệp khác.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng Trung tâm này gắn với việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta. Đây sẽ là trung tâm đầu tiên trong hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo. Trung tâm không sử dụng ngân sách Nhà nước mà huy động nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa. Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước cũng thể hiện sự quan tâm đến Trung tâm này.
Với 5 lĩnh vực ưu tiên là nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, đô thị thông minh, công nghệ môi trường, Trung tâm được kỳ vọng trở thành hạt nhân cho việc thúc đẩy việc phát triển kinh tế đất nước về dài hạn.
Các bộ, ngành cho rằng để khuyến khích Trung tâm hoạt động hiệu quả thì Chính phủ cần đi đầu trong sử dụng ứng dụng các sản phẩm đổi mới sáng tạo; đặt hàng các sản phẩm đổi mới sáng tạo, cho phép các trung tâm đổi mới sáng tạo nước ngoài đã hình thành liên kết với các trung tâm đổi mới sáng tạo trong nước vận hành các trung tâm này.
Bên cạnh đó là cần xã hội hóa nguồn lực đầu tư vào trung tâm với các cơ chế ưu đãi, thông thoáng. Phải xác định rõ sản phẩm đổi mới sáng tạo sẽ phục vụ nền kinh tế ra sao; bám sát vào chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cũng có lãnh đạo bộ cho rằng chỉ nên giới hạn 1 hoặc 3 lĩnh vực ưu tiên đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo thay vì 5 lĩnh vực ưu tiên như Đề án, để có trọng tâm, trọng điểm hơn trong đầu tư phát triển.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng nêu rõ sự cần thiết, ý nghĩa mở đầu, mang tính dẫn dắt của việc hình thành Trung tâm này, một điểm nhấn trong Chiến lược triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Đây là trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, có sự khác biệt bằng việc áp dụng triệt để các kinh nghiệm quốc tế, huy động tư nhân hoặc chuyên gia nước ngoài điều hành, thể chế thuận lợi có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại tính cấp thiết và khả thi của Trung tâm để nhanh chóng triển khai; có cơ chế xã hội hóa nguồn lực đầu tư. Thủ tướng tán thành với các đại biểu dự họp về việc cần tạo thể chế thuận lợi, thu hút nhân tài về làm việc. Trung tâm phải được kết nối với nhân tài người Việt toàn cầu, kết nối với các doanh nghiệp, các phòng thí nghiệm. Đây phải là nơi khởi nghiệp của nhiều thành phần xã hội.
Để nhanh chóng triển khai, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có lộ trình cụ thể, chặt chẽ, hoàn thiện Đề án để sớm phê duyệt. Bộ là đầu mối chịu trách triển khai trước Thủ tướng, trước Chính phủ về Trung tâm này, trước hết, đây là nơi kết nối, tập hợp nhân tài, tiếp theo là hệ sinh thái khởi nghiệp và các điều kiện khác.
Nhấn mạnh “các bộ, cơ quan cần xúm vào, cùng làm”, Thủ tướng hoan nghênh việc triển khai các trung tâm như Trung tâm Đổi mới sáng tạo của các bộ, ngành, chứ không phải chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “nhưng trước hết cái này là đầu tiên. Chúng ta cứ mạnh dạn làm để tập hợp trí tuệ mà các nhà tư vấn đề xuất hôm nay”, để làm sao có các sản phẩm, ứng dụng cụ thể đi vào cuộc sống.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tư vấn hoàn thiện, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, “chúng tôi chờ văn bản hoàn thiện này”, Thủ tướng bày tỏ và cho rằng cần có một cơ chế chính sách thông thoáng, thuận lợi để Trung tâm vận hành thực sự năng động, hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra. Từ đó, tính toán cơ cấu vốn đầu tư phù hợp để phát huy hiệu quả tốt nhất.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức mình để ủng hộ Trung tâm Đổi mới sáng tạo, bởi nếu không có đổi mới sáng tạo, không có khoa học công nghệ thì không thành công, không tận dụng được thời cơ đến với Việt Nam.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ