Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, liên quan đến sản xuất “3 tại chỗ”, Bộ Công thương đánh giá trong bối cảnh hiện nay phương án “3 tại chỗ” áp dụng cho sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp, khu sản xuất, vẫn là phương án tốt.
Mặc dù phương án này đã được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng khi triển khai tại các địa bàn khác, đặc biệt ở 19 tỉnh, thành phố phía nam, trong đó có TPHCM lại có bất cập.
Thứ hai là cũng có sự khác biệt. Ở Bắc Ninh, Bắc Giang, đặc điểm các khu công nghiệp phía bắc ít người hơn trong khi ở phía nam, có những khu có tới hàng nghìn, chục nghìn công nhân.
Ở miền Nam, người lao động đến từ rất nhiều tỉnh, thành phố khác nhau chứ không như ở miền Bắc. Nếu để người lao động ở tại 1 chỗ lâu quá thì cũng ảnh hưởng đến tâm lý của họ, rất nhiều người không thể ở 1 chỗ lâu được mà di chuyển về thăm nhà...
Theo ông Đỗ Thắng Hải, rất không may là ở TPHCM cũng như 19 tỉnh phía nam, chuỗi cung ứng về logistic, hệ thống vận tải bị đứt gãy, có những vùng bị sớm nên gây rất khó khăn cho các DN thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Thứ tư là chi phí để thực hiện phương án “3 tại chỗ” quá cao, nhiều DN không chịu được. Nếu chỉ trong thời gian ngắn 1-2 tuần, thậm chí 20 ngày còn chịu được, còn dài hơn thì họ không chịu được, lỗ quá. Chính vì thế gây cản trở cho việc thực hiện.
Thứ trưởng cho biết, một số quy định của các địa phương còn khác nhau. Nếu có trường hợp bị mắc COVID-19 trong bất kỳ khu công nghiệp nào đó thì mỗi một nơi lại quy định khác nhau. Có nơi còn đóng cửa ngay cơ sở sản xuất đó trong khi họ đã chuẩn bị rất tốn kém để có thể tạo ra phương án “3 tại chỗ”. Do vậy nhiều DN chủ động không làm nữa. Đây là thực tế hiện nay.
Chính vì thế, ngày 6/8, Bộ Công Thương đã có văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ký gửi Bộ Y tế và mạnh dạn có ý kiến đề xuất một số biện pháp có thể phù hợp hơn so với “3 tại chỗ” hiện nay, thích nghi hơn trong điều kiện mới vì chúng ta còn phải làm lâu dài, chứ không phải chỉ trong 1 thời gian ngắn.
Trong đó có rất nhiều đề xuất, kiến nghị, thậm chí là sửa đổi các quy định từ trước đến nay của Bộ Y tế liên quan đến hoạt động sản xuất, nhất là sản xuất trong các trung tâm công nghiệp. Hoặc nếu có F0 thì xử lý thế nào? Không bắt người lao động ở liền suốt 1 thời gian dài; họ cũng có thể được ra ngoài nhưng phải theo một quy định.
"Sản xuất là tốt và phải làm. Đó là mục tiêu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Nhưng trước hết là phải chống dịch. Vì thế Bộ Y tế có vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa ra các quy định phù hợp để có thể vừa chống dịch vừa tiếp tục sản xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế để có thể ban hành sớm nhất văn bản, mang lại hiệu quả thiết thực vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế< ông Đỗ Thắng Hải cho biết.