Thép Việt Nam đối mặt với rào cản thương mại

thunguyen

05/03/2020 16:32

Giữa tháng 2.2020, Thái Lan công bố đánh thuế chống bán phá giá với một số sản phẩm ống, ống dẫn bằng sắt hoặc thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam, với mức thuế từ 6,97%-51,61%.

Thái Lan là một trong những thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 410 triệu USD sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép các loại sang Thái Lan.

Trước đó, một số loại thép Việt Nam đã bị Mỹ, Úc, Canada,… đưa vào điều tra hoặc đánh thuế, hạn chế nhập khẩu.

Không chỉ thép Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất thép Thái Lan cũng vừa có văn bản đề nghị chính phủ nước này tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại trước thép Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt, khiến hàng nghìn công nhân ngành thép có thể mất việc.

Sahaviriya Steel Industries PLC - Doanh nghiệp sản xuất thép cuộn cán nóng lớn nhất Thái Lan (Ảnh: Sahaviriya Steel Industries)
Sahaviriya Steel Industries PLC - Doanh nghiệp sản xuất thép cuộn cán nóng lớn nhất Thái Lan (Ảnh: Sahaviriya Steel Industries)

“Thép đang là mặt hàng bị xem xét phòng vệ thương mại nhiều nhất ở nước ta - kể cả xuất và nhập khẩu” - ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết. Tính riêng năm 2017, có tới 80% sản phẩm thép do Việt Nam sản xuất bị kiện phòng vệ thương mại - theo báo cáo của Cục phòng vệ thương mại - Bộ Công thương. Đại diện bộ phận pháp chế của một doanh nghiệp sản xuất thép cho rằng, tỷ lệ hiện tại ở vào khoảng 70%.

Ông Nghiêm Xuân Đa cho rằng, Việt Nam không thể thay đổi thực thế khách quan là các quốc gia khác trên thế giới ngày càng tăng cường hàng rào bảo hộ, đặc biệt với sản phẩm thép. Thị trường Thái Lan bị thắt chặt, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm các thị trường khác trong khu vực, ví dụ Campuchia. Ngành thép Việt Nam cần đối phó với thực trạng này bằng cách tái cơ cấu, tăng cường sáp nhập để nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài ra, chính phủ cũng cần có những biện pháp bảo hộ tương tự cho thị trường nội địa - như cách các quốc gia khác đang thực hiện.

Thị trường Việt Nam vẫn đủ lớn cho các doanh nghiệp sắt thép trong nước, ngay cả khi Hoà Phát và Formosa, hai doanh nghiệp lớn nhất hiện nay, tăng cường công suất. Tuy nhiên, ngành thép vẫn cần được bảo hộ bằng cách dựng các hàng rào về tiêu chuẩn kỹ thuật - người đứng đầu Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định.

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu lượng sắt thép tăng 6,6% về lượng nhưng giảm 7,4% về kim ngạch và giảm 13,2% về giá so với năm 2018, đạt 6,68 triệu tấn, tương đương 4,21 tỷ USD - theo Hiệp hội Thép Việt Nam. Các nước Đông Nam Á tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của thép Việt Nam, chiếm tỷ trọng 62,5%.

Minh Thư

thunguyen