Thaco của tỉ phú Trần Bá Dương được và mất gì khi không còn là công ty đại chúng?

Diệu Quang

21/05/2021 08:53

Thaco hủy đăng ký công ty đại chúng từ ngày 1/1/2021. Với quyết định này, tập đoàn kinh tế của tỉ phú Trần Bá Dương sẽ không cần công khai các số liệu tài chính, các nghị quyết đại hội đồng cổ đông...

Thaco dừng đại chúng hóa do không đáp ứng đủ quy định

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có thông báo hủy đăng ký công ty đại chúng của Ô tô Trường Hải (Thaco) kể từ ngày 1/1/2021.

Trao đổi với báo chí, đại diện Thaco cho biết việc hủy tư tách công ty đại chúng xuất phát từ việc doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng theo Luật chứng khoán mới áp dụng.

Cụ thể, Luật Chứng khoán 2006 quy định, công ty đại chúng là doanh nghiệp đáp ứng 1 trong 3 điều kiện: (1) đã chào bán cổ phiếu ra công chúng (2) có cổ phiếu được niêm yết (3) có ít nhất 100 cổ đông, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên.

Tuy nhiên Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã “nâng chuẩn” công ty đại chúng. Theo đó, công ty đại chúng là đơn vị có vốn góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ.

Trong khi đó, tại thời điểm ngày 3/3/2021 (do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam – chi nhánh TP HCM xác nhận), Thaco không đáp ứng điều kiện vì 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ chưa tới 3% nên Thaco đã phải thông báo cho UBCKNN và nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng.

unnamed-4-1621420324.jpg
Chủ tịch Trần Bá Dương phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2019. (Ảnh: Thaco)

Thaco cho biết vẫn thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến công ty đại chúng cho đến thời điểm nhận được thông báo hủy công ty đại chúng theo quy định. Đồng thời, công ty vẫn duy trì cung cấp cho cổ đông đầy đủ các thông tin. 

Được biết, Thaco sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 trong tháng 5 này để thông qua các Báo cáo tài chính, Nghị quyết của Đại hội cổ đông và kết quả kinh doanh 2020, kế hoạch 2021, chiến lược phát triển trong thời gian tới và công tác quản trị điều hành.

Được và mất khi không còn là công ty đại chúng

Kể từ khi Dutch East India Company được thành lập vào năm 1602, các công ty đại chúng luôn được đặt ở vị trí trung tâm của nền kinh tế thị trường. Với hình thức này, doanh nghiệp có thể huy động nguồn lực, tiền bạc từ số đông nhà đầu tư. Nó cho phép bất kỳ ai, từ một nhà quản lý quỹ đầu tư cho tới người chơi tay ngang có khả năng sở hữu các cổ phiếu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, số lượng công ty đại chúng đang bị thu hẹp tại nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo thống kê của tờ The Economist, từ con số 7.000 của năm 1996, đến năm 2016 ở Mỹ chỉ còn 4.000 công ty đại chúng.

The Economist cho rằng các công ty đại chúng “thất sủng” vì một số lý do như thay đổi về công nghệ giúp giảm mức độ thâm dụng vốn, do đó các doanh nghiệp, đặc biết là các công ty công nghệ sẽ  không “khát tiền” như trước. Ngoài ra, công ty đại chúng cũng thường xuyên phải báo cáo kết quả kinh doanh theo quý, nghĩa là các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ quay lưng với họ kể cả trong trường hợp lợi nhuận chỉ sụt giảm trong ngắn hạn.

Tại Việt Nam, trước Thaco, từng có nhiều nghiệp ‘’tên tuổi’’ khác cũng đã hủy đăng ký công ty đại chúng như Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam (Alphanam), Tổng công ty CP Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), Công ty CP Quốc tế Gốm sứ Việt, Công ty CP Muối Khánh Hòa, Công ty CP Toa xe Hải Phòng...

Theo luật doanh nghiệp, công ty đại chúng buộc phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt từ hoạt động của HĐQT, ĐHĐCĐ, Ban kiểm soát đến công bố thông tin... Chưa kể với các công ty đại chúng quy mô lớn, nghĩa vụ công bố thông tin tương đương với một doanh nghiệp niêm yết: công bố báo cáo tài chính quý, báo cáo tài chính bán niên có soát xét, báo cáo tài chính năm có kiểm toán...

Khi hủy đăng ký công ty đại chúng, doanh nghiệp sẽ không phải tuân thủ hàng loạt các nghĩa vụ nêu trên; đồng thời được chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh mà không chịu sức ép từ các cổ đông thiểu số.

Mặc dù vậy, khi không còn là công ty đại chúng, doanh nghiệp cũng có thể đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí có lúc sẽ phải hối hận.

Theo đó, các cổ đông trong công ty chưa đại chúng sẽ không dễ dàng bán hoặc định giá số cổ phần họ đang nắm giữ; đặc biệt là khi nền kinh tế diễn biến xấu và họ cần tiền mặt. Ngoài ra, việc thông tin hoạt động không được công bố định kỳ cũng khiến uy tín của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dẫn tới khó khăn trong việc huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.

Trưởng phòng phân tích của một công ty chứng khoán nhìn nhận: Việc không đáp ứng tiêu chuẩn là công ty đại chúng là một bước lùi về tính minh bạch và hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh IPO, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán thì việc hủy đăng ký đại chúng là đi ngược lại xu hướng chung. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dừng đại chúng hóa cũng khiến các cổ đông nhỏ lẻ bị thua thiệt khi mất đi “kênh” nắm bắt thông tin để phản biện với lãnh đạo công ty, thậm chí có thể bị ảnh hưởng quyền lợi khi tính minh bạch của doanh nghiệp bị hạn chế.

Diệu Quang