Với sứ mệnh tìm kiếm và phát triển các lãnh đạo trẻ từ nhiều lĩnh vực cùng kiến tạo nên một hệ sinh thái giáo dục bền vững, Teach for Vietnam (TFV) đã tuyển chọn được 16 cá nhân tham gia dạy tiếng Anh tại 4 đơn vị hành chính cấp huyện (TP. Tây Ninh, Châu Thành, Hòa Thành và Dương Minh Châu) thuộc tỉnh Tây Ninh trong niên học 2017-2018.
Đội ngũ fellow tiên phong giúp nâng cao khả năng tiếng Anh, tư duy học tập, kỹ năng trí tuệ, năng lực cảm xúc xã hội cho khoảng 1.200 học sinh trực tiếp (tại lớp) và 23.000 học sinh gián tiếp (thông qua các hoạt động ngoại khóa và cộng đồng). Tại lễ tổng kết một năm hoạt động chiều 24.6 vừa qua, TFV cũng giới thiệu thêm 14 gương mặt mới – thế hệ fellow thứ hai trong hành trình “giảng dạy vì Việt Nam” (khẩu hiệu của TFV).
Khát vọng trẻ
Đội ngũ fellow là những trí thức trẻ, có khát vọng đóng góp cho giáo dục. Quan sát theo tỷ lệ, chỉ có 27,6% trong số này đến từ khu vực giáo dục. Phần còn lại đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, từ kinh doanh và tài chính, kinh tế, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và công tác xã hội.
Tạo điều kiện cho những nhân tài ngoài lĩnh vực sư phạm cùng tham gia đóng góp vào sự thay đổi của hệ thống giáo dục công lập, tạo đột phá lớn cũng chính là hướng tiếp cận của TFV. May mắn, TFV nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh. Thực tế là không phải địa phương nào cũng sẵn sàng chấp nhận một tổ chức mới như TFV, chia sẻ một phần nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là phát triển tương lai của thế hệ trẻ.
Kịch bản chương trình lễ tổng kết ít nhiều bị xáo trộn khi Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang bất ngờ đề nghị đăng đàn. Ông muốn nói lời cảm ơn trân trọng đến các fellow. Thêm nữa, ông cũng muốn nhiều người trong khán phòng hiểu rõ hành trình của TFV tại Tây Ninh. Ông Quang nói vo, mở đầu bằng việc chia sẻ một vài trải nghiệm cá nhân. Ông từng nói tiếng Anh không tốt. Thời gian còn làm việc tại sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh nhà, ông thường xuyên phải gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài. Ông không giao tiếp được với khách bằng tiếng Anh. Một trường hợp khác là cô cháu gái của ông, tốt nghiệp khoa tiếng Anh trường cao đẳng sư phạm. Cô nói tiếng Anh ông không hiểu. Người nước ngoài lại càng không. Chương trình đào tạo tiếng Anh có những trục trặc tồn đọng nhiều năm. Học trò khốn khổ. Ủng hộ TFV nhưng ông vẫn canh cánh nhiều nỗi lo. Không phải trình độ, năng lực mà là liệu các fellow có nhận được sự ủng hộ từ ban lãnh đạo cấp trường cho đến tổ trưởng tổ bộ môn tiếng Anh.
Ông Quang cũng không quên nhắc đến những ấn tượng “lạ lắm” khi lần đầu tiếp xúc với Huỳnh Hạnh Phúc, sáng lập và điều hành TFV. Với hai tấm bằng thạc sĩ gồm quản trị kinh doanh Đại học Missouri và chính sách công Đại học Havard, Hạnh Phúc tìm được công việc mang lại thu nhập hơn trăm triệu đồng/tháng. Vậy mà chàng trai này quyết định từ bỏ, thành lập doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận, huy động nguồn lực để đi dạy tiếng Anh cho trẻ em. “Trên đời này vẫn còn người tốt. Không phải ai cũng chỉ sống vì tiền”, ông Quang tỏ ra xúc động khi “tua” lại cảnh học sinh quyến luyến chia tay các fellow về nghỉ hè.
Nhân đề cập đến kinh phí hoạt động cho tổ chức này, người đứng đầu tỉnh ủy Tây Ninh cho biết địa phương tiếp tục hỗ trợ TFV một phần kinh phí hoạt động dù “chi tiền ngân sách phiền phức lắm”, còn lại trông cậy vào lòng hảo tâm từ cộng đồng, doanh nghiệp. Từ khía cạnh cá nhân, ông Quang thông báo “xin má được 200 triệu đồng” ủng hộ TFV. Được biết, một doanh nghiệp địa phương đã dành riêng một dãy nhà mới xây, treo bảng Trung tâm ngoại ngữ TFV, để các fellow có thể tổ chức dạy thêm tiếng Anh. Âu cũng là một cách mà người Tây Ninh tri ân đội ngũ fellow, tạo điều kiện để các bạn yên tâm cống hiến nhiều hơn cho vùng đất biên giới Tây Nam.
Trước khi gia nhập đội ngũ fellow của TFV, Vũ Thị Hằng thừa nhận hoàn toàn không biết gì về Tây Ninh. Có lẽ vì nhà Hằng ở xa, đâu đó mãi miền Bắc. Sau gần một năm đứng lớp, Hằng quen từ cô bán rau ngoài chợ cho đến anh phục vụ quán cà phê. “Ở đây được thương”, cô gái trẻ chia sẻ.
Xã hội học tập
Với việc bổ sung thêm nhân lực cho đội ngũ fellow trong niên học 2018-2019, TFV sẽ mở rộng thêm phạm vi hoạt động ra ba huyện Bến Cầu, Tân Châu và Tân Biên. Ngoài chương trình tiếng Anh chính khóa, TFV sẽ lồng ghép một số hoạt động cụ thể, nhằm tối đa hóa tác động đến học sinh, nhà trường, cộng đồng và phụ huynh học sinh.
TFV thúc đẩy mở cửa chính sách, cho phép triển khai phương pháp dạy học hỗn hợp, kết hợp giữa học trực tuyến và giáo viên, nhằm lan tỏa tri thức đến những điểm trường chưa có giáo viên tiếng Anh. Theo quy định, các trường có giáo viên tiếng Anh mới được phép mở lớp. Thành ra những trường ở vùng sâu vùng xa không có kinh phí trả lương cho giáo viên tiếng Anh thì đành chịu để học sinh thiệt thòi. Bên cạnh đó, TFV thiết kế và phát triển chương trình STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), lồng ghép vào chương trình tiếng Anh. Đây là hai công cụ có nhiều ứng dụng thực tiễn, giúp học sinh giải quyết các vấn đề của địa phương. “Chúng tôi sẽ đơn giản hóa những bài giảng, để học sinh, phụ huynh và những nhà lãnh đạo tin rằng công nghiệp 4.0 không quá phức tạp, đòi hỏi đầu tư rất nhiều tiền”, Huỳnh Hạnh Phúc cho rằng thay đổi tư duy sẽ thay đổi mọi thứ.
Ví lớp học của mình như một khu vườn có nhiều loài hoa, Vũ Thị Hằng cho rằng mỗi cây có nhu cầu dinh dưỡng, phương thức chăm sóc khác nhau. Hoa hồng phải khác hoa hướng dương. Học sinh cũng vậy. Từ thực tiễn, TFV xây dựng hệ thống đánh giá kỹ năng mềm của học sinh nhằm giúp giáo viên xây dựng chương trình học khuyến khích phát triển kỹ năng.
Thời lượng học tiếng Anh ở trường, tham gia các chương trình ngoại khóa là chưa đủ. Học sinh cần thực hành thêm ở nhà, tốt nhất là với cha mẹ. Nghiễm nhiên, phụ huynh trở thành đối tượng mà TFV ưu tiên tác động thông qua nhưng dự án phát triển cộng đồng. Sự thay đổi từ những gia đình hạt nhân đủ lớn sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội học tập.
Hành trình giảng dạy vì Việt Nam của TFV mới chỉ bắt đầu mà điểm xuất phát là Tây Ninh.