Tái cấu trúc doanh nghiệp: Có phải là… “đập đi xây lại”?

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Chuyên gia tái cấu trúc Doanh nghiệp

12/05/2024 07:06

Trước diễn biến phức tạp của nền kinh tế toàn cầu dẫn đến quá trình suy thoái kinh tế lan rộng với nhiều cấp độ khác nhau từ vĩ mô đến vi mô, từ quốc gia này đến quốc gia khác. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó, sự cạnh tranh gay gắt không còn nằm ngoài lãnh thổ mà ngay trong thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt phải “kháng cự” mãnh liệt trước đối thủ cạnh tranh nhằm định vị thương hiệu và giành lấy thị phần từ tay đối thủ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có những chiến lược mới, thị trường mới và hệ thống nhân sự mới để đảm bảo sự tồn tại bền vững, lâu dài… Đó là lý do và cũng là lúc doanh nghiệp nghĩ đến hoạt động làm mới chính mình và khái niệm “Tái cấu trúc doanh nghiệp” được ra đời…

Vì sao phải “tái cấu trúc” doanh nghiệp

Nhắc đến cụm từ “tái cấu trúc doanh nghiệp” hầu hết những người lao động tại các doanh nghiệp cần tái cấu trúc đều rất sợ hãi. Họ lo sợ sự xáo trộn, biến động lớn từ chiến lược, quy trình, công nghệ đến hệ thống nhân sự tại doanh nghiệp. Họ lo sợ mình sẽ bị sa thải vì không còn phù hợp với định hướng và chiến lược mới của doanh nghiệp. Những đều lo sợ ấy hoàn toàn có căn cứ. Một là, nhân sự sẽ phải tự “làm mới” bản thân, chấp nhận thử thách và hai là phải rời bỏ tổ chức vì không còn phù hợp nữa – đây là trường hợp người lao động không muốn thay đổi.

Tái cấu trúc doanh nghiệp không phải là điều gì đó quá to tác mà người ta thường hay gán ghép cho nó. Thông thường, những doanh nghiệp phát triển một thời gian đủ dài (trên 10 năm) hoặc có sự biến động lớn diễn ra trong và ngoài doanh nghiệp ảnh hưởng đến cấu trúc, doanh số kinh doanh hay một nguyên nhân khác là doanh nghiệp “tăng trưởng nóng” về quy mô kinh doanh, doanh số và thị phần gây mất cân đối hệ thống nhân sự tại doanh nghiệp đều sẽ phải cần đến hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp.

screen-shot-2015-10-23-at-22652-pm-15708189234991559587873-1715241430.png
Ảnh minh hoạ.

Vậy thì, khái niệm cụm từ “tái cấu trúc doanh nghiệp” nghĩa là gì? Tái cấu trúc doanh nghiệp là một quá trình khảo sát, đánh giá lại cấu trúc của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Sau đó, đề xuất giải pháp cho mô hình cấu trúc mới nhằm tạo ra “trạng thái" hiệu quả cho các doanh nghiệp. Thực tế, đây là quá trình tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp dựa trên nền tảng cũ. Việc tái cấu trúc doanh nghiệp này có mục đích khắc phục những điểm yếu kém nội tại khiến doanh nghiệp không thể cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, hành động này còn giúp doanh nghiệp cải tiến, thay đổi để hoạt động hiệu quả hơn dựa trên những nền tảng về sứ mệnh, tầm nhìn và định hướng chiến lược trước đó.

Tựu trung lại, tái cấu trúc doanh nghiệp là hoạt động cần thiết trong quá trình phát triển doanh nghiệp. Tái cấu trúc doanh nghiệp không có nghĩa là phải “đập đi xây lại”, mà phải dựa trên nền tảng cũ, nâng cấp theo mục tiêu mới và luôn tôn trọng những tinh hoa, kết quả trước đó. Tái cấu trúc doanh nghiệp có thể là cấu trúc lại hoàn toàn hoặc một phần nào đó trong bộ máy, hệ thống quản lý doanh nghiệp nhằm đạt đến mục tiêu mà doanh nghiệp mong muốn.

Tái cấu trúc doanh nghiệp: Phụ thuộc hoàn toàn vào kiến thức và ý chí của doanh chủ

Trên thực tế, tại Việt Nam không nhiều doanh nghiệp “tái cấu trúc” thành công vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, phần lớn phụ thuộc vào kiến thức, hiểu biết và ý chí của chủ doanh nghiệp. Đôi khi, họ không phân định được mục tiêu nào là ngắn hạn và mục tiêu nào là dài hạn. Vì vậy, họ hoàn toàn không định hướng được sẽ thực hiện việc nào trước, việc nào sau nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và đôi khi họ “dừng lại” quá trình tái cấu trúc một cách đột ngột, hoàn toàn do cảm xúc chi phối.

Vài năm trở lại đây, nghề “Coaching” (nghề huấn luyện) được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, chất lượng của các “Coach” (người huấn luyện) vẫn chưa được tương xứng. Thông thường khi tư vấn tái cấu trúc cho các doanh nghiệp, các “Coach” vận dụng kiến thức nước ngoài là phần nhiều. Kiến thức ấy không sai, rất đúng. Nhưng, đối với văn hóa doanh nghiệp và năng lực văn hóa của doanh chủ là hai “rào cản” lớn nhất khi triển khai kiến thức, kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, có nền kinh tế dẫn trước Việt Nam hàng trăm năm…

z5420115493587-65b890d36640eba2e6363c874666202e-1715241463.jpg
Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Chuyên gia tái cấu trúc Doanh nghiệp.

Trường hợp khác, một số “Coach” lại có tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ. Do đó, các bạn bị hạn chế rất nhiều trong tư duy nhìn nhận vấn đề. Thực vậy, người làm công tác tái cấu trúc doanh nghiệp hay người huấn luyện (Coach) không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn, đa ngành mà còn phải có kỹ năng xử lý tình huống một cách thấu tình, đạt lý. Để đạt được những kỹ năng xử lý tình huống tốt, đòi hỏi các “Coach” phải có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm sống phong phú và thế giới quan rộng mở, tích cực. Điều mà người trẻ hiếm khi đạt được…

Câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp không phải là điều gì đó quá mới lạ, nó rất bình thường hay thậm chí có thể được gọi nó là một quy luật bất biến trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng, ngay trong suy nghĩ của nhiều người vẫn tồn tại định kiến xấu dành cho các Chuyên gia tái cấu trúc doanh nghiệp: Xáo trộn, tốn kém, mất thời gian… Họ không hiểu được rằng tầm nhìn, mục tiêu và ý chí của doanh chủ một khi đã bất ổn định thì quá trình tái cấu trúc sẽ kết thúc bất kỳ lúc nào mà chẳng đạt được kết quả gì to lớn. Nó thuộc về ý thức hệ của chủ doanh nghiệp, điều này không có một chuyên gia tái cấu trúc hay “coach” nào có thể thay đổi…

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Chuyên gia tái cấu trúc Doanh nghiệp