Mặc dù đã mở rộng cửa hàng ra các tỉnh, thành phố nhưng để khai thác cả những khách hàng chưa từng sử dụng đến các dịch vụ ngân hàng, FE Credit chọn số hóa hoạt động cho vay để đẩy nhanh quá trình tiếp cận khách hàng.
Sau hai năm phát hành thẻ ghi nợ Mastercard, FE Credit hiện có 1,7 triệu khách hàng. Đại diện FE Credit cho biết, dựa vào lượng người dùng thẻ tín dụng mastercard mà công ty phát hành cho thấy, nhu cầu tiền mặt cho những mục đích tiêu dùng mang tính gấp rút là rất lớn. Điều này khiến FE Credit muốn thúc đẩy số hóa trên ứng dụng để việc cho vay diễn ra nhanh hơn.
Hiện FE Credit, do ngân hàng VPBank sở hữu 100% vốn, đang chiếm hơn 53% thị phần cho vay tiêu dùng. Theo ông Basker Rangachiri, Giám đốc Marketing của FE Credit, sau gần 10 năm thành lập, tăng trưởng của FE Credit đã đến lúc không nên chỉ dựa vào các cách tiếp cận thông thường, thông qua người tư vấn viên. “Chúng tôi sẽ không thể đạt được tốc độ phát triển nhanh hơn nếu không thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống”, ông Ranachiri nói.
Từ việc Việt Nam là nằm trong top đầu các quốc gia có tỉ lệ người có điện thoại nhiều nhất thế giới, người đại diện FE Credit cho rằng, thông qua ứng dụng cho vay trên smartphone, “chị bán bánh mì cũng có thể tiếp cận dịch vụ cho vay của FE Credit” nhờ việc giảm bớt những bước giấy tờ như thông thường. Việc số hóa các hoạt động cho vay giúp FE Credit tiếp cận với những khách hàng có nhu cầu mượn nóng để tiêu dùng. Các khoản vay tiêu dùng có giá trị thường từ 5-70 triệu đồng, trong thời gian từ 6-36 tháng.
Khách hàng vay tiền thông qua ứng dụng sẽ chụp hai mặt thẻ căn cước công dân và chụp chân dung để xác minh. Đồng thời, khách hàng cũng được yêu cầu xác minh thu nhập. Ứng dụng yêu cầu khách hàng chụp lại hóa đơn tiền điện hoặc cà vẹt xe. FE Credit sẽ đánh giá tín dụng cá nhân thông qua lịch sử giao dịch ngân hàng trước đó và các dữ liệu từ công ty fintech. FE Credit đã hợp tác với các fintech của FPT để phát triển chữ kí điện tử, và nhận diện vân tay hay fintech GoBear để phân tích dữ liệu khách hàng tư vấn mở rộng các khoản vay mới. Riêng FE Credit phát triển nền tảng nhận diện kí tự quang học, nhận diện chữ viết tay, nhận dạng khuôn mặt (trên thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân).
FE Credit không phải là công ty cho vay tiêu dùng duy nhất thực hiện hình thức cho vay nóng thông qua smartphone tại Việt Nam. Home Credit cũng đang phát triển ứng dụng cho vay trên điện thoại. Khách hàng vay qua ứng dụng có thể nhận tiền thông qua tài khoản ngân hàng. Thay vì đến các cửa hàng của Home Credit để hoàn tất hồ sơ nhận tiền, FE Credit hợp tác với các bưu cục của VNPost để khách hàng đến nhận tiền.
Dịch vụ cho vay qua ứng dụng điện thoại vẫn còn nhiều thách thức đặt ra với ứng dụng cho vay không qua xác minh với nhân viên tư vấn của FE Credit. “Chúng tôi là những nhà kinh doanh rủi ro nên khi đưa ra dịch vụ này, chúng tôi đã lường trước các rủi ro”, ông Ranachiri nói với Tạp chí Nhà Quản Lý. Mới đây, công ty cho vay tiêu dùng FE Credit cho biết muốn tìm thêm các startup fintech để cải thiện ứng dụng cho vay tiêu dùng trên smartphone của mình.
VPBank sở hữu 100% vốn tại FE Credit. Năm 2018, FE Credit là kênh đóng góp chủ yếu trong tỉ trọng 35% dư nợ cấp tín dụng của VPBank, với mức tăng trưởng 18% so với năm 2017, theo báo cáo của VPBank.
Dâng Phạm