SmartPay - ví điện tử tại Việt Nam vừa được 'ông trùm' tài chính Nhật Bản rót 9,2 triệu USD của ai?

Pha Lê

21/11/2022 12:12

Trong năm 2022, ví điện tử này đặt mục tiêu làm cầu nối nhà bán hàng, ngân hàng và người dùng, tạo nên hệ sinh thái khép kín lớn nhất Việt Nam.

Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) một trong những ngân hàng lớn nhất Nhật Bản vừa thông báo đã ký thỏa thuận với công ty công nghệ tài chính SmartNet để mua cổ phần trị giá 1,3 tỷ Yên (9,2 triệu USD).

Thỏa thuận này nằm trong nỗ lực "mở rộng mạng lưới tại Châu Á và củng cố vị thế ngân hàng điện tử trong khu vực" theo đúng định hướng trung dài hạn của tập đoàn trong 3 năm kể từ năm 2020.

Trước đó, năm 2021, tập đoàn này đã mua lại 49% phần vốn trong Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit), một công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam. Vào tháng 5/2022, tập đoàn tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác kinh doanh với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngân hàng mẹ của FE Credit.

Ông Marek Forysiak, chủ tịch của SmartNet, cho biết khoản đầu tư của SMBC là một phần của vòng gọi vốn Series A trị giá 30 triệu USD của SmartNet. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn đang chờ cơ quan chức năng phê duyệt. Sau khi hoàn tất khoản đầu tư, cổ phần của SMBC tại SmartNet sẽ là 7%. 

SmartNet có tên đầy đủ là Công ty TNHH TMDV MẠNG LƯỚI THÔNG MINH SmartNet. Công ty được thành lập vào tháng 1/2015. SmartNet cung cấp giải pháp thanh toán tại Việt Nam với trọng tâm là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngoài ra, SmartNet còn cung cấp dịch vụ trung gian giới thiệu sản phẩm tín dụng và các dịch vụ khác (khoản vay cá nhân, mua trước trả sau).

Tháng 1/2019, SmartNet được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Đến tháng 5/2019, ví điện tử SmartPay chính thức ra mắt thị trường, cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng cá nhân và bảo hiểm; giới thiệu, tư vấn các sản phẩm tín dụng, cùng nhiều dịch vụ thanh toán khác với hệ thống bán hàng khắp cả nước.

Kể từ khi thành lập vào tháng 5/2019, SmartPay đã giúp các nhà bán hàng phát triển bằng cách giúp họ tiếp cận công nghệ tiên tiến, nhanh hơn, tiết kiệm và uy tín hơn. 

Mặc dù trong năm 2021 đã có 150.000 người bán đã đăng ký SmartPay tạm ngưng hoạt động kinh doanh, tuy vậy ví điện tử này vẫn có được 650.000 nhà bán hàng vừa và nhỏ trong mạng lưới chấp nhận thanh toán. Năm 2021, SmartPay đã có 2,3 triệu người dùng với hơn 53 tỷ đồng được thực hiện từ các giao dịch thanh toán. 

Tính đến tháng 9/2022, vốn điều lệ của SmartPay đã đạt 865 tỷ đồng. SmartPay giúp nhà bán hàng chấp nhận mọi hình thức thanh toán, tiếp cận nguồn vốn kinh doanh bất kể quy mô của họ. Vào tháng 10/2022, SmartPay đã được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam, hạng mục Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu năm 2022.

Ông Marek Forysiak cho biết, ngoài việc cung cấp các giải pháp thanh toán, công ty hướng tới việc giúp các nhà bán hàng tăng trưởng doanh thu với các dịch vụ như mua trước trả sau, tín dụng tiêu dùng linh hoạt hay trả góp qua thẻ, những dịch vụ mà trước đây chỉ được cung cấp đến các chuỗi bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam.

"Mục tiêu của SmartPay trong 3 năm tới là đạt hơn 8 tỷ USD tổng giá trị giao dịch thông qua việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa kênh. Đồng thời, SmartPay kỳ vọng sẽ mở rộng đến 2,4 triệu điểm chấp nhận thanh toán, qua đó giúp cho hơn 50% dân số cả nước có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính toàn diện.

Để làm được điều này, chúng tôi luôn chú trọng vào việc cải tiến những sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá và đem lại giá trị vượt trội cho nhà bán hàng như SmartPOS - một thiết bị thanh toán đa năng chính thức ra mắt vào tháng 9/2022 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu cho hơn 325.,000 tiểu thương trong vòng 3 năm tới", vị này chia sẻ.

Thông qua hợp tác chiến lược giữa SmartPay với các đối tác hàng đầu như: MasterCard, VISA, NAPAS; SmartPOS chấp nhận tất cả các loại thẻ từ hầu hết ngân hàng trong nước và quốc tế. Đồng thời tích hợp mọi phương thức thanh toán hiện đại nhất trên thị trường như: thanh toán qua ví điện tử, quét mã QR, thanh toán chạm. Điều này giúp nhà bán hàng phục vụ nhu cầu đa dạng của khách mua, quản lý thu chi dễ dàng chỉ với 1 thiết bị duy nhất.

Trong năm 2022, ví điện tử này đặt mục tiêu làm cầu nối nhà bán hàng, ngân hàng và người dùng, tạo nên hệ sinh thái khép kín lớn nhất Việt Nam, tăng số lượng nhà bán hàng vừa và nhỏ lên 740.000 và tổng số giao dịch thanh toán lên 69,3 triệu.

Pha Lê