Nhật Bản vốn là nền kinh tế được thế giới biết đến nhờ những thành tựu liên quan đến công nghệ, với hiệu quả sản xuất và chất lượng tuyệt hảo của các sản phẩm điện tử. Shiseido là một trong số ít thương hiệu Nhật Bản không thuộc lĩnh vực công nghệ mà vẫn để lại tiếng vang toàn cầu. Đây là cái tên nổi bật trong ngành thời trang, chăm sóc sắc đẹp và mỹ phẩm - lĩnh vực trước đây chỉ có các thương hiệu châu Âu và Mỹ thống trị.
Trong lịch sử phát triển của mình, Shiseido thành công trong việc phát triển thị trường nước ngoài nhờ chiến lược thâu tóm các thương hiệu lớn như Carita (Pháp) năm 1981 và Helen Curtis (Mỹ) năm 1996, để nhanh chóng xâm nhập nguồn nguồn khách hàng thuộc giới quý tộc và người nổi tiếng. Tham vọng giờ đây của Shiseido là dẫn đầu thế giới bằng di sản thành công của mình, với chiến lược mở rộng thị trường mới nổi Trung Quốc đầy tiềm năng. “Trung Quốc đã trở thành động lực tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ của Shiseido và liên tục ba năm liền là thị trường nước ngoài lớn nhất của chúng tôi”, bà Naoko Hase, người đứng đầu bộ phận chiến lược tại Shiseido Trung Quốc cho biết.
Theo đúng kế hoạch, Shiseido nhanh chóng có mặt và khẳng định vị trí hàng đầu tại Thung lũng Sắc đẹp Á Đông (The Oriental Beauty Valley), với một chi nhánh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc (China Innovation Center). Đây là khu kinh tế tập trung vào ngành công nghiệp sức khỏe và sắc đẹp tại quận Phụng Hiền, ngoại thành phía nam Thượng Hải, Trung Quốc. Được đưa vào hoạt động từ năm 2015 với tên gọi “Thành phố Mỹ phẩm của Trung Quốc”, đến cuối năm 2019, Thung lũng đã thu hút được 131 doanh nghiệp mỹ phẩm lớn với hơn 3.000 nhãn hiệu xuất xứ Trung Quốc và nước ngoài.
Chi nhánh mới của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc được thành lập theo tuyên bố ngày 17.3, được đặt tại Thung lũng này, sẽ là cơ sở nghiên cứu tiên tiến, nhằm cho ra đời các sản phẩm nguyên mẫu thân thiện với môi trường và phù hợp với loại da của người tiêu dùng Trung Quốc. Đây là bước tiến mới nhằm tạo ra giá trị bền vững trong mảng kinh doanh chính của Shiseido.
Ông Kentaro Fujiwara, CEO tại Trung Quốc của Shiseido cho biết công ty đang dồn lực vào thị trường Trung Quốc, và việc thành lập trung tâm nghiên cứu trọng điểm của Shiseido tại Thung lũng là cơ hội cùng thắng cho cả Shiseido và thành phố Thượng Hải. Theo lời ông Xu Kunlin, phó thị trưởng thành phố Thượng Hải, việc thành lập chi nhánh trung tâm nghiên cứu sẽ không chỉ giúp công ty mỹ phẩm Nhật Bản phát triển nhanh và mạnh hơn, mà còn hỗ trợ Thung lũng thúc đẩy tốc độ toàn cầu hóa.
Bên cạnh việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, năm 2019, Shiseido còn lập ra “Văn phòng Đại diện Đầu tư và Đổi mới Kinh doanh” tại Thượng Hải để đẩy mạnh đổi mới kinh doanh và phát triển nhằm đáp ứng xu hướng thị trường Trung Quốc. Công ty có chiến lược liên kết với nhà bán lẻ online Alibaba và kế hoạch nhắm đến đối tượng khách du lịch nữ tại các sân bay.
Theo báo cáo tài chính của Shiseido, năm 2018 hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đã tăng tốc nhanh nhất với mức tăng trưởng doanh thu 32,3% so với cùng kỳ, lên đến 1,73 tỷ USD. Trung Quốc chiếm 17,4% tổng doanh thu của Shiseido vào năm 2018, trở thành thị trường lớn thứ hai sau quê nhà Nhật Bản. Shiseido hy vọng thương mại điện tử sẽ tạo ra 40% doanh số bán hàng tại Trung Quốc vào năm 2020.
Ở Việt Nam, Shiseido hiện cũng có một nhà máy sản xuất tại Biên Hòa, Đồng Nai.
Cao Dung