Sau 10 tháng, ngành dệt may chỉ mới đạt 68% mục tiêu xuất khẩu đã đề ra

hangtoan

Trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 10 tháng qua chỉ mới đạt 27,29 tỉ USD, dù tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn cách rất xa mục tiêu 40 tỉ USD đã đề ra

Năm 2018 là năm thành công lớn của ngành dệt may Việt Nam khi giá trị xuất khẩu đạt 36,2 tỉ USD, tăng 16,1% so với 2017. Thừa thắng xông lên, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề ra mục tiêu cho năm 2019 đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 40 tỉ USD và thăng dư thương mại 20 tỉ USD.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 10/2019 đạt 2,69 tỉ USD, giảm 5,6% so với tháng trước, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 10 tháng qua chỉ mới đạt 27,29 tỉ USD, dù tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn cách rất xa mục tiêu 40 tỉ USD đã đề ra.

Ở chiều nhập khẩu, nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày): nhập khẩu trong tháng 10 đạt trị giá 2,12 tỉ USD, tăng 16,4% so với tháng trước, trị giá nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm đạt 20,13 tỉ USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, thặng dư thương mại của ngành dệt may trong 10 tháng qua chỉ mới đạt 7,16 tỉ USD, so với mục tiêu 20 tỉ USD là quá chênh lệch.

Ngoài ra, theo tổng hợp từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam thì 10 tháng qua, FDI – Đầu tư trực tiếp nước ngoài ngành dệt may ước đạt 1,349 tỉ USD chỉ mới được gần 67% của cả năm 2018, tiếp tục xu hướng giảm kể từ 2015 (4,135 tỉ USD).

Dù được kỳ vọng rất nhiều sau khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU) nhưng kết quả chưa được như mong đợi, cụ thể, dựa theo tổng hợp từ FiinPro thì có 27 doanh nghiệp đang niêm yết trên cả ba sàn HOSE, HNX, UPCOM đã công bố Báo cáo tài chính (BCTC) quý 3/2019 thì doanh thu thuần ngành đạt khoảng 57.842 tỉ đồng, giảm nhẹ 1,7% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận chỉ đạt 2.482 tỉ đồng, giảm hơn 13,5% - Điều này cũng ảnh hướng rất nhiều đến giá cổ phiếu của toàn ngành. Nếu tính 51 mã cổ phiếu dệt may đang niêm yết trên cả ba sàn (chỉ tính các mã đã niêm yết trước năm 2019) thì vốn hóa toàn ngành giảm 3% từ đầu năm đến nay.

Lãnh đạo VITAS tiếp đoàn từ KOCHAM. (Ảnh: VITAS)
Lãnh đạo VITAS tiếp đoàn từ KOCHAM. (Ảnh: VITAS)
VITAS - Hiệp hội Dệt May Việt Nam
KOCHAM - Hội Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc

Trong tháng 10, theo nguồn tin từ Báo Chính phủ thì Phó Thủ tướng đã đồng ý kiến nghị của Bộ Công Thương về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành dệt may, da giầy Việt Nam. Tin rằng, với sự quan tâm của cơ quan chức năng và tự nâng cao năng lực của các doanh nghiệp dệt may thì có thể tiếp tục kỳ vọng sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại của ngành trong thời gian tới. Mặc dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng ít nhất là, khi bối cảnh thế giới đang chuyển biến xấu do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thì xuất khẩu của dệt may vẫn tăng trưởng và vẫn thặng dư.

Hàng Toàn

hangtoan