Về phía cổ đông lớn – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tham dự chương trình có ông Lê Xuân Huyên – Phó Tổng giám đốc Petrovietnam.
Về phía PVCFC có ông Trần Ngọc Nguyên – Chủ tịch HĐQT, ông Văn Tiến Thanh – Thành viên HĐQT – Tổng Giám đốc, và các thành viên trong HĐQT, Ban TGĐ, Ban Kiểm soát, lãnh đạo các Ban chuyên môn trực thuộc Công ty. Cùng dự phiên họp có các cổ đông, cá nhân nhận ủy quyền đại diện cho 80,71 % tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại diện Công ty TNHH Deloitte Việt Nam – đơn vị thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính thường niên của PVCFC tham dự phiên họp.
Tại phiên họp, Ban quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành PVCFC đã trình bày các Báo cáo/tờ trình: Báo cáo tình hình SXKD năm 2022 và chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2023; Báo cáo của HĐQT năm 2022, phương hướng hoạt động năm 2023; Báo cáo của Ban kiểm soát năm 2022, kế hoạch hoạt động năm 2023 và lựa chọn đơn vị kiểm toán BCTC năm 2023; Báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán; Phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ, chia cổ tức năm 2022 và Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023; Báo cáo tiền lương, tiền thưởng, thù lao và lợi ích khác năm 2022 của Ban quản lý, Điều hành và kế hoạch năm 2023 của HĐQT, Ban Kiểm soát; Trình sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công ty; Trình sửa đổi/bổ sung Hợp đồng mua bán khí với Petrovietnam; Bầu cử thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát.
Năm 2022, trước bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới biến động bất thường với nhiều khó khăn, thách thức, PVCFC với việc chuẩn bị tốt về nền tảng công nghệ thông tin, các giải pháp quản trị điều hành, nền tảng văn hóa doanh nghiệp phát triển trên nền tảng 7 thói quen hiệu quả, tập thể đoàn kết và thống nhất cao cùng với sự thuận lợi khi giá bán tăng cao, PVCFC đã triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 được ĐHĐCĐ giao và hoàn thành đạt cao kỷ lục.
Năm 2022, PVCFC đạt tổng doanh thu hợp nhất 16.241 tỷ đồng, là năm đầu tiên vượt chỉ tiêu doanh thu trên 16.000 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế là 4.586 tỷ đồng, là mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của PVCFC. Song song với việc đảm bảo SXKD, PVCFC còn là một doanh nghiệp tiên phong theo định hướng phát triển bền vững, ứng xử đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp và khách hàng, nhất là chính sách cho người lao động. PVCFC luôn tạo môi trường để người lao động phát huy năng lực; ngoài việc thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, Công ty cũng tập trung đào tạo về văn hóa, 7 thói quen hiệu quả, xây dựng khung năng lực và phát triển đội ngũ chuyên gia, quản lý. PVCFC đã hoàn thiện quy chế trả lương, thưởng và đưa vào áp dụng, tiếp tục theo dõi đánh giá và điều chỉnh để hài hòa, tạo động lực, tạo công bằng cho tất cả CBCNV...
Cũng từ định hướng phát triển bền vững, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty luôn dành một phần kinh phí thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Trong năm 2022, PVCFC đã dành hơn 40 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình phát triển hạ tầng kinh tế nông thôn như điện chiếu sáng, cầu, đường, hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh môi trường... Xây dựng nhà tình nghĩa, đại đoàn kết cho các hộ gia đình chính sách, sẻ chia cùng nông dân vùng thiên tai, lũ lụt vượt qua khó khăn trong cuộc sống, phục hồi canh tác. Công ty cũng duy trì quỹ học bổng “Phân bón Cà Mau - Hạt ngọc mùa vàng” hơn 10 năm nay.
Đặc biệt với mong muốn thúc đẩy tạo động lực và đóng góp vào sự phát triển của giáo dục, các tổ chức đoàn thể PVCFC đã tổ chức nhiều chương trình hoạt động có ý nghĩa thiết thực mang thương hiệu, văn hóa, bản sắc Phân bón Cà Mau như: chương trình chia sẻ sách, tặng tủ sách; buổi tham quan chia sẻ hướng nghiệp cho học sinh các trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau; chung tay xây dựng hệ sinh thái đào tạo; tổ chức hoạt động hiến máu nhân đạo; thực hiện dự án trồng 300.000 cây xanh trong giai đoạn 2022-2024 góp phần bảo vệ môi trường, giữ đất, giữ nước.
Với kết quả tích cực nêu trên, ĐHĐCĐ PVCFC đã thông qua mức chia cổ tức 30% vốn điều lệ tương đương 3.000 đồng/cổ phiếu.
Bước sang năm 2023 với dự báo nhiều khó khăn, thách thức lẫn cơ hội cho cả nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Công ty tiếp tục đặt ra kế hoạch 2023 với tổng doanh thu 13.458 tỷ đồng và 1.458 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong đó, chỉ tiêu sản xuất 882 nghìn tấn urê quy đổi, 160 nghìn tấn NPK. Về sản lượng kinh doanh, urê dự kiến 760 nghìn tấn, các sản phẩm từ gốc urê 100 nghìn tấn, NPK 160 nghìn tấn và phân bón tự doanh 211 nghìn tấn.
Sau khi nghe các báo cáo/tờ trình, tại phần thảo luận, Đoàn Chủ tịch phiên họp đã trả lời nhiều câu hỏi mà các cổ đông đặt ra, xung quanh các nội dung về hoạt động SXKD, phương hướng, chiến lược phát triển và hợp đồng khí của Công ty thời gian tới... ĐHĐCĐ cũng đã xem xét, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu điện tử thông qua các báo cáo/tờ trình với số tỷ lệ đồng thuận cao. Đại hội đã nhất trí tái bổ nhiệm ông Văn Tiến Thanh là Thành viên HĐQT – Tổng giám đốc Công ty và bầu ông Lê Cảnh Khánh làm Kiểm soát viên Công ty.
Phát biểu tại phiên hợp ĐHĐCĐ, ông Văn Tiến Thanh – Tổng giám đốc PVCFC chia sẻ về 6 nhóm mục tiêu trọng tâm của Công ty: Sản xuất, Kinh doanh, Nghiên cứu phát triển, Hợp tác đầu tư mở rộng kinh doanh, Phát triển nguồn nhân lực và Chuyển đổi số. Trong đó, ông nhấn mạnh về vấn đề vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau đảm bảo hiệu quả, an toàn, ổn định; đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện các hạng mục cải hoán, tối ưu hóa, nâng cao công suất, nâng cao hiệu suất, tạo thêm giá trị. Đồng thời cải tiến, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, tăng tính khác biệt của sản phẩm đối với người tiêu dùng.
Về hoạt động kinh doanh, ông đề nghị tiếp tục duy trì hiệu quả các thị trường truyền thống và phát triển mạnh mẽ việc kinh doanh quốc tế; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới theo xu hướng nông nghiệp xanh như NPK hòa tan, phân bón lá bên cạnh hữu cơ vi sinh, các giải pháp canh tác công nghệ cao… Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động SXKD, quản trị, truyền thông giúp Công ty vận hành hiệu quả, góp phần gìn giữ môi trường, tiên phong xanh hoá nền nông nghiệp nước nhà.
Về tầm nhìn trung và dài hạn, PVCFC phấn đấu tăng trưởng sản lượng kinh doanh các dòng sản phẩm phân bón từ 6 – 10%/năm, cải thiện tốc độ tăng trưởng doanh thu từ 5 -10%/năm; phấn đấu đến năm 2025, PVCFC là một trong năm đơn vị có quy mô kinh doanh hàng đầu Đông Nam Á về doanh thu.
Phát biểu tại phiên họp, thay mặt Ban lãnh đạo Petrovietnam, ông Lê Xuân Huyên – Phó Tổng Giám đốc chúc mừng, ghi nhận và biểu dương những thành tích nổi bật mà PVCFC đã đạt được, cũng như đã xuất sắc hoàn thành kế hoạch được giao trong năm 2022 đầy khó khăn, thách thức.
Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên đã có những chia sẻ với các cổ đông về vấn đề nguồn khí, giá khí cho Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành sản xuất. Với kết quả bỏ phiếu 100% từ cổ đông cho tờ trình sửa đổi/bổ sung Hợp đồng mua bán khí với Tập đoàn sẽ tăng thêm cơ sở pháp lý cho PVCFC về nguồn cung cấp khí và giá khí trong thời gian tới.
Nhân đại hội, đại diện Cổ đông lớn Petrovietnam mong muốn các quý cổ đông tiếp tục đồng hành, ủng hộ PVCFC để thực hiện đạt các mục tiêu chiến lược, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững, hài hòa lợi ích các bên. Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên nhận định, năm 2023, dịch chuyển năng lượng sẽ là thách thức và cũng là cơ hội để Công ty lập thêm nhiều thành tích mới. Ông tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, đồng lòng, Ban lãnh đạo PVCFC sẽ tiếp tục dẫn dắt, chèo lái con thuyền PVCFC với nhiều giải pháp hữu hiệu, tận dụng tốt những cơ hội, vượt qua thách thức đạt được nhiều thành công hơn nữa.