Phan Minh Thông, đi giữa kinh doanh và nghệ thuật

thunguyen

30/11/2018 00:42

Thành công ở vị trí ‘vua hồ tiêu” Việt Nam và giữ mãi ngôi vị đó thật sự không dễ.

“Người gặp tôi một lần sẽ không hình dung tôi là dân kinh doanh. Anh hàng xóm hồi chưa biết, cứ nghĩ tôi là một nông dân chất phác, thích chăm hoa lá, cây cảnh trong vườn. Những đối tác quốc tế mới gặp, nếu chưa từng biết Phúc Sinh, cũng nghĩ Phúc Sinh là một công ty nông sản còn non”.

Những tâm sự ấy, tôi đã được nghe CEO Phan Minh Thông chia sẻ và cười vui với bạn bè không dưới một đôi lần.

Ở những khoảnh khắc ngoài công việc, Phan Minh Thông giản dị và thậm chí gần như ít nói đến khó tin. Anh chỉ nói nhiều và sẵn sàng cởi mở với những ai gần “gu” và cũng… dễ chịu như mình. Nhưng trong công việc, ít ai hình dung Phúc Sinh là một công ty nông sản có guồng quay hoạt động “siêu tốc” và Phan Minh Thông là vị CEO lao động miệt mài, tất cả hướng đến vì phục vụ cho thị trường gần 100 quốc gia. Thành công ở vị trí ‘vua hồ tiêu” Việt Nam và giữ mãi ngôi vị đó thật sự không dễ.

Những chuyến bay dài

Thường vào đầu năm, CEO Phúc Sinh luôn bắt đầu một hành trình xa theo đúng nghĩa đen: đến Mỹ. Đây là thị trường lớn chiếm 50% thị phần tiêu mà Phúc Sinh xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của Phúc Sinh trong gần 10 năm qua luôn dao động ở mức 8-10% thị phần tiêu của toàn cầu, và tương đương khoảng 20% giá trị xuất khẩu tiêu của Việt Nam. Giữ được thị trường Mỹ là “sống khỏe”.

Vì lẽ đó mà anh đến Mỹ? Tôi hỏi CEO Phúc Sinh. Anh cười: “Cũng không hẳn. Phúc Sinh đã được bạn bè biết tiếng và đơn hàng luôn đều. Nhưng tôi nghĩ rằng mình làm ăn với người ta cả một thời gian, năm mới là dịp nên đến gặp gỡ, quan tâm, hỏi về chất lượng hoạt động cung ứng sản phẩm trong năm qua. Lắng nghe họ nói gì để thay đổi.” Có lẽ nhờ vậy mà khách hàng gần như ít khi phàn nàn về chất lượng sản phẩm của Phúc Sinh. “Ngoài ra, mỗi chuyến đi như vậy, tôi trực tiếp bán được những đơn hàng rất lớn. Một công đôi việc và ý nghĩa đấy chứ!”, anh nói thêm.

Lại nhẩm tính, khởi động chuyến đi, trong vòng mấy ngày anh bay tầm 16 chuyến bay khắp nước Mỹ để gặp khách hàng. Là doanh nhân gần như ai cũng thường trực bay trên khắp các vùng trời. Nhưng chăm chỉ và đi bán hàng, lắng nghe đối tác trực tiếp, dù ở dưới anh có hàng trăm nhân sự thì quả thật đây là nỗ lực ngoài hình dung.

Sáng tạo để phát triển và cân bằng

CEO Phúc Sinh thừa nhận 2017 là một năm nhiều dấu ấn. Công ty chính thức có thêm nhà máy thứ 6, đầu tư chế biến cà phê Arabica tươi với chuỗi khép kín từ nông dân đến thành phẩm, làm mới hoàn toàn thương hiệu cà phê Sơn La, vùng đất vốn đã có cà phê từ 100 trước nhưng lại không hề được thị trường biết tên.

Còn với riêng anh, CEO Phúc Sinh đã chính thức trở thành “nhà văn” với ấn phẩm đầu tay “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” do anh viết, ra mắt và đã lập kỷ lục bán tới hơn 10.000 ấn bản chỉ trong vòng 2 tuần. Đây chính là bước “tiếp đà” cho Phúc Sinh trong năm 2018, tiếp tục tự tin đón nhận những thách thức lớn hơn, mà theo anh dự đoán, sẽ không chỉ là dấu ấn dai dẳng của một thị trường “broken-down” về giá tiếp năm cũ; còn là cuộc cạnh tranh khốc liệt của cà phê nội địa khi Phúc Sinh ngày một phát triển với thương hiệu cà phê sạch 100% vị tự nhiên, sản phẩm mà Phan Minh Thông cam kết “tôi mang đến khách hàng món uống gì thì chính gia đình tôi cũng uống món đó”.

Trong một mô hình kinh doanh thuần túy tư nhân, bước sang năm thứ 16, Phúc Sinh đã khánh thành trụ sở riêng của mình tại trung tâm quận 1, TP.HCM. Điều đáng nói ở đây là tại văn phòng ấy, không chỉ là showroom của K-Coffee, là nơi đi về của những “con ong” chăm chỉ, đó còn là một gallery đúng chuẩn với hàng trăm bức tranh của các họa sĩ Việt Nam.

Phan Minh Thông có lẽ là người thuộc số ít có niềm đam mê nghệ thuật và dám bỏ tiền chơi tranh và viết về tranh. Bộ sưu tập của anh khá khủng, với nhiều tác phẩm kích thước lớn, độc đáo của các họa sĩ qua nhiều thế hệ như Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Lưu Hậu, Đặng Xuân Hòa, Nguyễn Trung, Đào Hải Phong, Phạm Luận, Hồ Hữu Thủ… và nhiều họa sĩ trẻ khác.

Ngoài “sự đam mê và đi đến tận cùng khó ai bì kịp” – theo nhận xét của họa sĩ Đặng Xuân Hòa về nhà sưu tập Phan Minh Thông, doanh nhân này còn có “đức tin” rằng: Chơi tranh cũng là một cách xây dựng và lưu giữ văn hóa Việt. Anh chơi và sẵn sàng bán tranh khi gặp người tri âm đồng điệu, qua đó góp phần lưu chuyển dòng văn hóa đến nhiều ngôi nhà và bạn bè khắp năm châu. Ngược lại, anh cũng sẵn sàng giữ những bức tranh vô giá, ai trả bao nhiêu cũng không bán, khi cảm thấy người mua chưa thực sự quan tâm hay trân trọng bức tranh.

Một điểm “khác người” là Phan Minh Thông thường chọn mua tranh qua gallery, dù anh quen thân với nhiều họa sĩ và nếu mua trực tiếp từ họ, giá tranh có thể “mềm” hơn, thậm chí họa sĩ vui hơn. Bởi anh cho rằng trong mỹ thuật, các gallery có vai trò quan trong, bỏ chi phí và công sức của nhà trung gian để góp phần hỗ trợ quảng bá cho các họa sĩ. Một “đức tin” có tầm nhìn xa và đúng cách chơi chuyên nghiệp của một người ít vướng bận giá trị bạc tiền.

Trả lời câu hỏi của tôi về niềm tự hào Phúc Sinh, Phan Minh Thông nói: “Điều quý giá nhất của một công ty tư nhân như Phúc Sinh là tinh thần sáng tạo và quản trị hệ thống. Ở Phúc Sinh, không ai là không thể thay thế, bao gồm cả chính tôi.”

Nói vậy, nhưng tôi biết ở Phúc Sinh, khi nói “nhà văn”, sưu tập gia và tất nhiên, vị CEO của Phúc Sinh Group với 7 công ty thành viên, 6 nhà máy, hệ thống khách hàng phủ sóng gần 100 quốc gia với doanh số bình quân 300 triệu USD xuất khẩu/năm – chưa bao gồm nội địa, các nhân viên đều hướng về anh như một người truyền dẫn niềm cảm hứng cho công việc. Và niềm cảm hứng đó, không đơn thuần chỉ là nỗ lực sống và làm việc, “cắm đầu” vì mưu sinh hay kinh doanh, còn lấp lánh hơn, đa màu hơn, là sự cân bằng và thụ hưởng, quý trọng các giá trị sống, hướng đến sáng tạo các giá trị cho chính bản thân. Là thành công từ nỗ lực “tự pha màu “- đi giữa những mảng màu kinh doanh – nghệ thuật mà CEO Phúc Sinh đã và đang làm được.

thunguyen