Trong các CEO công nghệ thuộc hàng Top tại Việt Nam, ông Vũ Minh Trí là một cái tên hết sức nổi bật. Cuộc đời làm lãnh đạo của ông có thể chia là 2 phần: phần đầu là làm đại điện cho hầu hết doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới ở thị trường Việt Nam, phần sau chỉ làm cho các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam. Còn Asim là trường hợp đặc biệt!
Giai đoạn chỉ phục vụ doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới
Ông Vũ Minh Trí sinh ra và lớn lên tại Biên Hòa, Đồng Nai. Sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP. HCM chuyên ngành dầu khí, ông bắt đầu khởi nghiệp tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi ngày đối diện với phòng thí nghiệm và những con số, ông cảm thấy nơi đây dường như không phải chỗ dành cho mình.
Một lần đọc cuốn sách Career and Anchor (Mỏ neo và nghề nghiệp) nói về sự tương thích của thiên hướng bản thân với nghề nghiệp, ông phát hiện ra "mỏ neo" của mình không nằm ở ngành Nghiên cứu sâu mà nằm ở ngành Quản trị tổng quát. Vậy nên ông Vũ Minh Trí đã quyết định nghỉ việc dầu khí và nộp đơn cho Procter & Gamble ứng tuyển vị trí Quản lý nhãn hiệu, một ngành nghề không hề liên quan.
Tuy nhiên, đây chưa phải là lần chuyển hướng bất ngờ của ông Trí, trong giai đoạn đầu sự nghiệp, ông chuyển mảng làm việc liên tục. Sau khi rời P&G – hàng tiêu dùng, ông đến với British Petroleum – ngành năng lượng, rồi British American Tobacco – có thuốc lá là ngành kinh doanh cốt lõi.
Và phải khi đến với Sony Ericsson, thì ông với tìm được ‘Mr Right’ của đời mình đó là mảng công nghệ. Kể từ sau khi rời Sony Ericsson, ông đã cập bến hàng loạt ông lớn là Yahoo!, Qualcomm, Microsoft… Ông từng là Tổng Giám đốc của Sony Ericsson, Yahoo! và Micosoft tại thị trường Việt Nam, với Qualcomm là phụ trách cả thị trường Đông Dương và Thái Lan.
Vào tháng 7/2012, ông Vũ Minh Trí đã khiến cả giới doanh nhân và công nghệ Việt Nam cảm thấy tự hào khi được chọn vào vị trí Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam. Thời ấy, rất hiếm người Việt được các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới chọn làm đại diện cho họ tại thị trường Việt Nam. Thậm chí, sau khi ông Vũ Minh Trí từ nhiệm vào năm 2017, Microsoft đã chọn ông Aung San Maung – người Hàn Quốc, thay thế.
Giai đoạn chỉ phục vụ doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam
Năm 2017, ông Trí đã khiến cho tất cả mọi người ngạc nhiên khi quyết định rời ‘ông lớn’ thế giới Microsoft để gia nhập Tập đoàn chuyên về giáo dục Nguyễn Hoàng và sau đó là VNG.
“Tôi bắt đầu vị trí CEO ở rất nhiều công ty công nghệ từ giai đoạn khó khăn nhất, giống như cái bánh xe khổng lồ ấy, nếu không nỗ lực đẩy tới là lại quay lui, nhưng mình quyết không nản, khi có đà rồi thì bánh xe sẽ chạy tốt thôi.
Cách đây 10 năm, tôi đã định hướng “cái neo nghề nghiệp” cho mình là sẽ đi làm cho tới năm 43 hoặc 45 tuổi, sau đó tập trung cho giáo dục, giảng dạy. Năm nay tôi 44 tuổi rồi, tôi nghĩ Microsoft là công việc cuối cùng, kết thúc giai đoạn quan trọng của Microsoft tại Việt Nam, thay đổi hình ảnh tiêu cực trong khách hàng, Chính phủ, định hướng, công việc kinh doanh khó khăn… giờ này tăng trưởng gấp 3 lần, tạo dấu ấn tích cực rất lớn với Chính phủ…
Microsoft Việt Nam đang là một trong số ít công ty được lựa chọn xây dựng công nghệ thành phố thông minh ở khắp các tỉnh thành Việt Nam
Nếu tiếp tục ở lại với Microsoft, nhiệm vụ của tôi trong 5 năm nữa là phải chuyển đổi Microsoft thành một công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, giúp doanh nghiệp và nhà nước chuyển đổi số thành công.
Một lựa chọn nữa là đi theo đam mê đó là làm giáo dục. Có cơ hội làm ở những tập đoàn lớn, tôi là người biết rõ bên trong nó xảy ra thế nào? Làm thế nào để thành công. Càng làm tôi càng muốn chia sẻ để giúp cho thế hệ trẻ kiểm soát và thay đổi tương lai. Mọi thứ đều quy về tầm nhìn, làm giáo dục cho tôi cơ hội làm ra lợi ích lớn hơn
Gặp anh Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Group cũng lâu rồi, có dịp làm việc với nhau trong những lãnh vực khác, anh Việt hiểu đam mê của tôi về giáo dục, chúng tôi chia sẻ nhiều hơn, thấy gặp nhau. Càng nói chuyện càng làm cho quyết định của mình chín mùi. Và tôi đã quyết định hợp tác.
Với tôi, lần này không phải là công việc mà nó gần giống một startup, xuất phát từ đam mê và phải làm cho được”, ông Vũ Minh Trí đã trả lời như thế trong năm 2017, khi hỏi về quyết định rời Microsoft để đến Nguyễn Hoàng.
Tức, chiến lược nghề nghiệp của vị doanh nhân sinh năm 1973 này là: đi làm thuê cho các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, sau đó dùng tri thức đó về hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam – đặc biệt là doanh nghiệp startup. Thật ra thì cả Nguyễn Hoàng lẫn VNG đều là startup, chỉ là họ đã đi được một quãng đường dài để trở thành Tập đoàn đầu ngành của Việt Nam.
Năm 2018, ông được VNG bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng dịch vụ đám mây – VNG Cloud. Với ông, có lẽ mảng công nghệ mới là chân ái!
Tại thời điểm đó, Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh chia sẻ rằng: 4 mảng trọng tâm của VNG hiện tại và tới đây là nội dung số, Zalo Group, thanh toán và dịch vụ đám mây. Trong đó, thanh toán và cloud services đều là các xu hướng đang "hot" của khu vực và thế giới. VNG có lẽ đã kỳ vọng rất nhiều vào ông Vũ Minh Trí, có thể khiến dịch vụ đám mây của họ kiếm được nhiều tiền như Amazon.
Công ty CP Viễn thông Asim
Tuy nhiên, cách đây 2 tháng, ông đã chính thức rời VNG để gia nhập ngôi nhà mới Asim – doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu.
CTCP Viễn Thông Asim bắt đầu hoạt động từ ngày 24/10/2019, có trụ sở tại quận Tân Bình – TPHCM, với lĩnh vực hoạt động là viễn thông không dây.
Đầu tháng 5/2021, Asim đã ra mắt sim điện thoại tên Local, để chính thức trở thành nhà mạng di động thứ 8 của Việt Nam. Sim Local sử dụng hệ thống hạ tầng của MobiFone, nên sim của họ cũng sử dụng đầu số 089.
Trước Asim, đã có 2 nhà mạng di động ảo ra mắt ở thị trường Việt Nam là ITelecom – thuộc công ty CP Viễn thông Đông Dương Telecom và Reddi – thuộc Masan (Masan mua lại Reddi từ Mobicast). Reddi cũng sử dụng hạ tầng của tập đoàn VNPT. 5 nhà mạng còn lại ở Việt Nam là Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và G-tel.
Bên cạnh app MyLocal, sim Local ngoài nghe gọi như các loại sim thông thường của các nhà mạng Viettel hay Vinaphone, còn có thể cung cấp các gói cước 4G với data lớn giá rẻ - đây chính là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của ‘tân binh’ này ở thời điểm hiện tại.
So sánh cụ thể hơn, một status trên Fanpage của Local cho biết: có thể xem trọn bộ Squid Game 8 tiếng chỉ cần 1 chiếc điện thoại có sim Local và mua gói cước 4G giá 68.000 đồng. Với từng đó tiền, nếu không có khuyến mãi, chắc chắn trước đây chúng ta không thể xem hết một series phim nhiều tập bằng 3G/4G.
Trên Googel Play, MyLocal.vn giới thiệu họ còn cung cấp các dịch vụ tiện ích khác trong tương lai như: Đặt thuốc online, Đi chợ hộ, Giải trí, Thanh toán dịch vụ, Thanh toán hóa đơn...
Chỉ vài tháng sau khi ra mắt sim Local, Asim cũng đang tuyển nhiều vị trí lãnh đạo cấp trung và chuyên gia như Product Manager, Business Analyst, Senior Copywriter…