Ông trùm gốc Hà Tĩnh, phân phối sản phẩm Apple, sở hữu hơn 2.000 tỷ đồng là ai?

Đỗ Quyên

26/05/2021 10:30

Năm 1997, ông Đoàn Hồng Việt từ một người làm thuê, quyết định lập Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld) kinh doanh riêng với 25.000 USD. Đến nay, ông giàu thứ 57 trên sàn chứng khoán với tài sản khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Ông Đoàn Hồng Việt là ai?

Ông Đoàn Hồng Việt sinh năm 1970 tại Hà Nội nhưng quê gốc ở Hà Tĩnh. Ông là Cử nhân Kinh tế - Đại học Kinh tế. Ông Việt hiện là người giàu thứ 57 trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ông trực tiếp sở hữu 1.937.104 cổ phiếu của Digiworld và gián tiếp sở hữu 14.872.000 cổ phiếu thông qua công ty TNHH Created Future).

Ông Đoàn Hồng Việt hiện đang là Tổng giám đốc Digiworld. Trước đó, ông Việt giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc từ tháng 4/2016 và từ nhiệm Chủ tịch HĐQT từ tháng 7/2020.

Năm 2020 trong bối cảnh đại dịch lại là một năm thành công ngoài mong đợi với CTCP Thế giới số (Digiworld). Trong quý 4, công ty ghi nhận mức doanh thu kỷ lục kể từ khi thành lập, thu về 4.017 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông ty mẹ 85 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu tăng trưởng 70% so với cùng kỳ.

Quý 4 là ví dụ điển hình phản ánh bộ mặt của Digiworld trong năm qua. Doanh thu cả năm 12.535 tỷ đồng, lãi ròng 253 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 48% và 56%.

Ngoài 2 ngành hàng đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu danh thu gồm máy tính xách tay & Máy tính bảng cùng điện thoại, danh mục sản phẩm trong nhóm thiết bị văn phòng của DGW hiện khá đa dạng từ máy chủ, máy trạm, thiết bị kết nối thông minh IoTs đến giải pháp mạng đến điện toán đám mây, đáp ứng nhu cầu số hóa của doanh nghiệp.

Mới đây, Công ty vừa công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược với Apple, chính thức trở thành đơn vị được quyền phân phối tất cả các sản phẩm của Apple tại Việt Nam. Để có những thành quả trên, đội ngũ lãnh đạo Digiworld đã chèo lái tốt con thuyền, trong đó phải kể đến thuyền trưởng Đoàn Hồng Việt. 

bfe5bf94bfb44dea14a5-1617608864.jpg

​​​​​​

Cậu học trò được gia đình hướng theo học các trường quân đội như quân y, kỹ thuật quân sự nhưng say mê kinh tế

Thời điểm mang tính bước ngoặt của ông Việt là vào lúc ông học phổ thông trung học, một ông chú họ xa làm giám đốc một doanh nghiệp đến chơi nhà. Tướng tá phương phi, giọng nói sang sảng của người chú họ ấy in đậm trong đầu của anh học sinh cấp 3, để rồi đến khi đăng ký thi Đại học, mặc dù bố hướng theo học các trường quân đội như quân y, hoặc kỹ thuật quân sự, anh học sinh này quyết tâm theo học một trường kinh tế.

Năm 1997, ông Việt từ một người làm thuê, quyết định lập Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld) kinh doanh riêng với 25.000 USD.

"Gia đình tôi không ai làm kinh doanh, nhưng cái turning-point ngày ấy tạo cho mình niềm đam mê với kinh doanh. Và khi đi làm theo đam mê sẽ không thấy mệt mỏi, cũng không có suy nghĩ chọn sai đường. Tôi biết lộ trình của mình rất rõ", ông Việt nhớ lại

"Người giàu không bao giờ nghỉ hưu, mà chỉ chuyển từ hình thức làm việc này sang hình thức làm việc khác", ông Việt nhắc lại một câu nói mà ông rất tâm đắc.

oan-hong-viet-1617608894.jpg
 

Năm 2020, Digiworld tăng trưởng ngoạn mục dù Covid-19

Trong cuộc đời của ông dẫn dắt Digiworld, ông Việt coi đó là hành trình nhiều lần khởi nghiệp

Nếu coi việc Digiworld bắt tay với Acer là lần startup đầu tiên của doanh nghiệp này với mảng laptop, thì việc bắt tay với Xiaomi trong ngành hàng điện thoại có thể gọi là lần startup thứ 2.

Xiaomi đã "lấp" được gần hết khoảng trống doanh thu và lợi nhuận Nokia bỏ lại cho Digiworld. Năm 2017, doanh thu và lợi nhuận của Digiworld tăng lần lượt 17,5% và vượt 42% kế hoạch lợi nhuận cả năm được ĐHĐCĐ thông qua.

Và năm 2020 là năm sóng gió với hầu hết các doanh nghiệp nhưng lại là năm mà Digiworld gặp hái được nhiều thành công.

Digiworld là nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực hàng điện tử. Họ phục vụ các khâu từ phân tích thị trường, tiếp thị, bán hàng, hậu cần, cho đến hậu mãi.

dgw-1611221324729144572313-1613539951000275103749-1617608929.jpg
Chú thích ảnh

Digiworld đứng sau thành công của thương hiệu Xiaomi tại Việt Nam, nhà sản xuất Trung Quốc tiếp tục gia tăng thị phần trong năm vừa qua. Điều này giúp cho doanh thu mảng điện thoại di động của Digiworld tăng trưởng 64%, trong bối cảnh thị trường bão hòa. Hai doanh nghiệp bán lẻ diện thoại di động hàng đầu là CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mobile World) và CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đều ghi nhận doanh số sụt giảm.

doanh-thu-digiworld-1-1613539875515152615811-1617608950.jpg
Chú thích ảnh

Bên cạnh Xiaomi, thành quả của Digiworld còn đến từ việc bán dòng sản phẩm iPhone 12 của Apple. Nhu cầu tại thị trường Việt Nam với các sản phẩm "táo khuyết" là rất lớn. Theo đại diện của FPT Retail, một trong những nhà phân phối hàng đầu của thương hiệu này nói rằng liên tục bán hết các lô hàng mới về chỉ trong vòng vài tuần lễ.

Dưới tác động của đại dịch khiến làm việc, học tập tại nhà trở nên phổ biến hơn. Lĩnh vực máy tính xách tay và máy tính bảng hưởng lợi từ sự chuyển đổi này. Doanh thu của Digiworld tăng trưởng 46% so với năm trước, vượt 38% kế hoạch. Đóng góp chính đến từ các sản phẩm Macbook của Apple và Huawei.

Máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại di động đóng góp tỷ trọng chủ yếu vào doanh thu của Digiworld, gần 86%.

Hai lĩnh vực còn lại gồm thiết bị văn phòng đạt 1.536 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 12%; hàng tiêu dùng đạt 265 tỷ đồng, tăng 4%. Tuy nhiên, cả hai đều không thể đạt được kế hoạch đặt ra, lần lượt 90% và 53%.

Trong kế hoạch kinh doanh 2021 vừa công bố, Digiworld tiếp tục cho thấy tham vọng của mình. Họ đặt mục tiêu tổng doanh thu 15.200 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận ròng 300 tỷ, tăng 19%.

“Điều mà chúng tôi cần đó là mỗi một cá nhân tại DGW phải lớn lên từng ngày”

Những ngày Digiworld còn nhỏ, làm ra bao nhiêu tiền, công ty đều giữ lại đầu tư quay vòng, mở rộng công ty ra từng tháng từng ngày.

“Tôi vẫn nhớ hồi năm 1998 - 1999, mình phải nhập khẩu máy tính Compaq qua một nhà phân phối ở Singapore. Và trong khi cả chủ lẫn nhân viên của mình thường xuyên phải làm việc thẳng với người của Compaq để giải quyết tất cả các vấn đề thì ông phân phối chỉ cần ở giữa, chả cần làm gì cả, ăn một khoản không hề nhỏ. Mình mới hỏi Compaq để xin làm phân phối nhưng không được. Họ trả lời: "Tất cả nằm ở quy mô doanh nghiệp của mày".

Lúc đấy tức chí lắm mà vẫn phải chấp nhận. Dù dịch vụ của mình có thông minh hay cách phát triển thị trường của mình có khéo cỡ nào thì trong mắt của họ, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ đẳng cấp. Chính vì lần đó DGW mới quyết tâm phải lớn, không thể cứ nhỏ và yếu mãi được”, ông Việt nhớ lại trong một lần chia sẻ với Trí Thức Trẻ.

Tính lũy dần rồi cơ hội cũng đến, năm 2000 - 2001, DGW bắt đầu được làm nhà phân phối trực tiếp sản phẩm của Acer. Thành công với Acer thì HP, lúc này đã mua lại Compaq đến mời. Rồi đến Dell, Lenovo, Asus… dần dần các thương hiệu lớn trên thế giới muốn vào Việt Nam đều tìm đến với DGW.

Nhờ đó công ty đã tích lũy được không chỉ quy mô tài sản mà còn rất nhiều kinh nghiệm thành công, thất bại. Tầm vóc của một tổ chức được xây dựng lên từ nhiều nền tảng như vậy.

Ngay thời điểm DGW đàm phán hợp tác với Xiaomi, cũng có nhiều công ty lớn của Việt Nam tiếp cận hãng này. Nhưng có thể vì DGW là doanh nghiệp duy nhất mà Xiaomi nhìn thấy có thể cung cấp một gói dịch vụ từ A-Z. Tức là từ khâu lên kế hoạch marketing, định giá bán sản phẩm, cho đến thủ tục nhập nhập khẩu, phân phối và làm luôn bảo hành...

“Điều mà chúng tôi cần đó là mỗi một cá nhân tại DGW phải lớn lên từng ngày, và phải khao khát thực sự. Bởi vì thị trường đang rất mênh mông. Quy mô như DGW bây giờ vẫn chưa phải là lớn so với tổng nhu cầu của thị trường.

Đỗ Quyên