Ông Trần Văn Tráng: “Tăng cường kết nối để đưa cửa khẩu Cha Lo trở thành một đầu mối logistics quan trọng”

Đinh Loan thực hiện

17/07/2024 14:17

Hoạt động thương mại có ý nghĩa thiết thực, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế gặp gỡ, trao đổi hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường mới; tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Tráng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Bình xung quanh vấn đề trên.

Phóng viên: Với một đơn vị đặc thù như Hải quan, trong thời gian qua, để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, thì Hải quan cần phối hợp đưa ra những giải pháp gì để hàng hóa thông thương tốt hơn?

Ông Trần Văn Tráng: Ngành Hải quan duy trì thực hiện vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT phục vụ thực hiện quy trình thủ tục hiệu quả. Chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; triển khai mở rộng cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các cơ quan chức năng. Đến nay số lượng dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 100%, hệ thống VNACCS (tỷ lệ 99.9%), một cửa quốc gia đối với tàu biển (tỷ lệ 100%), kết nối Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN (tra cứu 100% C/O mẫu D điện tử), qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh thủ tục hải quan, hạn chế giấy tờ, thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

8b69e4337382d1dc8893-1721200324.jpg
Ông Trần Văn Tráng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Bình.

Tổng cục Hải quan đã ký kết phối hợp thu với 44 ngân hàng, trong đó, Hải quan Quảng Bình đẩy mạnh thu thuế XNK bằng phương thức điện tử, số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đã đạt tỉ lệ 100%. Triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan,... Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hiện tại, ngành Hải quan đang nỗ lực xây dựng Hệ thống hải quan số, mô hình Hải quan thông minh và dự kiến đưa vào áp dụng trong thời gian tới. Mô hình này có mức độ tự động hóa cao và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan. Việc thực hiện mô hình Hải quan thông minh đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng với việc phát triển công nghệ hiện đại.  Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành Hải quan số theo mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 628/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phóng viên: Theo ông cần điều chỉnh bổ sung và sửa đổi những nội dung gì để tạo thuận lợi hơn về hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp của 2 nước Việt Nam và Lào? Các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là Quảng Bình cần phải làm gì để đẩy mạnh kết nối giao thương xúc tiến thương mại quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa tại thị trường?

Ông Trần Văn Tráng: Việt Nam và Lào có chung đường biên giới đất liền dài hơn 2,3 nghìn km, với điều kiện thuận lợi đó, quan hệ thương mại biên giới giữa hai nước đạt được nhiều kết quả tích cực; đặc biệt, việc áp dụng những ưu đãi từ Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào đã góp phần thúc đẩy thương mại hàng hóa, dịch vụ cũng như phát triển kinh tế giữa hai nước, góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thi hành về chính sách thương mại Việt Nam - Lào đã cơ bản quy định rõ ràng, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động XNK, XNC.

Hai bên cần đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng hơn, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý thu hút hoạt động đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho các hoạt động tại khu kinh tế và thông thương tại cửa khẩu quốc tế Cha Lo và cửa khẩu phụ Cà Roòng bảo đảm cho các phương tiện vận tải hoạt động thông suốt, thuận lợi phục vụ hoạt động thông thương, qua lại giữa nhân dân hai tỉnh; hỗ trợ xây dựng các kho bãi, kho ngoại quan, cầu cảng để tiếp nhận hàng hóa và phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa giữa hai bên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, xúc tiến đầu tư trên địa bàn hai tỉnh.

ba5a030a20ba82e4dbab-1721200373.jpg
Ông Trần Văn Tráng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Bình tham dự Hội nghị và Đối thoại: "Du lịch xanh và sản phẩm OCOP Quảng Bình - Hành trình chinh phục thị trường".

Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý, thu hút các luồng hàng hóa qua cửa khẩu biên giới, cảng biển của Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo và Khu kinh tế Hòn La; tăng cường kết nối để đưa cửa khẩu Cha Lo trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong hành lang kinh tế Đông – Tây qua tuyến đường 12A, là điểm trung chuyển hàng hóa kết nối giữa Đông Bắc Thái Lan - Lào - Việt Nam với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics do doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình cung cấp; xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng logistics nhằm đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả các nhu cầu của thị trường.

Đối với doanh nghiêp tỉnh Quảng Bình, cần khuyến khích đầu tư, nâng cao chất lượng các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng để xuất khẩu, cung ứng cho thị trường Lào và các nước lân cận; tăng cường tổ chức các hội chợ triển lãm, hội nghị xúc tiến thương mại, thương mại biên giới, giới thiệu sản phẩm để quảng bá hàng hóa của tỉnh Quảng Bình đến các tỉnh biên giới tiếp giáp với Việt Nam; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào nhiều lĩnh vực, góp phần thu hút lao động tại chỗ, thúc đẩy sản xuất của địa phương tạo động lực cho sự phát triển của mỗi tỉnh.

Phóng viên: Thưa ông, việc kết nối ba tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) - Khăm Muồn (Lào) - Nakhon PhaNom (Thái Lan) để trung chuyển hàng hóa, thực hiện các dịch vụ Logicstics tăng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều là cần thiết. Vậy theo ông, Quảng Bình cần thực hiện gì trong thời gian tới?

Ông Trần Văn Tráng: UBND tỉnh Quảng Bình quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường 12A, đường 20, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, hệ thống kho, bãi; xây dựng các trung tâm logistics và các tuyến đường kết nối đến các cửa khẩu biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc lưu giữ, tập kết, vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp.

Năm 2023, Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị giới thiệu, trao đổi Dự án “Cải thiện các biện pháp thương mại không giấy tờ xuyên biên giới” theo đề nghị của Viện Thương mại phát triển Quốc tế, Bộ Thương mại Thái Lan, giúp cộng đồng doanh nghiệp các quốc gia khu vực ACMECS tối ưu hóa các hoạt động xuất nhập khẩu một cách nhanh nhất, giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

47c805b09a0b3855611a-1721200373.jpg
Lực lượng hải quan kiểm tra hàng hoá, thông quan tại cửa khẩu Chà Lo.

Tháng 4/2024, UBND tỉnh Quảng Bình, tỉnh Khăm Muồn (Lào), tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) và Viện Thương mại phát triển Quốc tế đã tham gia ký kết Bản ghi nhớ và tập huấn sử dụng trang web R12 Connex trong khuôn khổ Dự án cải thiện các biện pháp thương mại xuyên biên giới không cần giấy tờ tại Băng Cốc - Thái Lan. Để triển khai thực hiện, Dự án tại tuyến đường 12A, mong muốn các đơn vị có liên quan, cộng đồng doanh nghiệp là người hưởng lợi đồng thời tích cực tham gia chia sẻ, trao đổi, cập nhật thông tin... Cơ quan Hải quan sẽ phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan có liên quan rà soát, đánh giá các quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch thương mại không dùng giấy tờ xuyên biên giới, nhằm hoàn thiện chính sách hải quan, thúc đẩy thương mại không dùng giấy xuyên biên giới phát triển.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông về buổi trò chuyện.

Đinh Loan thực hiện