Nhu cầu gỗ trên thế giới năm 2020

caodung

04/03/2020 11:33

2019 là năm không mấy khả quan với ngành gỗ, với thị trường cung vượt cầu.

Với nhiều người trong ngành gỗ toàn cầu, 2019 là một năm khá ảm đạm. Nói một cách đơn giản, hầu hết các thị trường trên thế giới đều ngập gỗ tồn, và tất cả các khu vực sản xuất chính đã rất nỗ lực để tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng thành công thì hạn chế. Do đó, hầu hết các nước nhập khẩu gỗ lớn đã phải chịu cảnh tồn kho trên mức trung bình trong suốt cả năm, với kết quả kinh doanh thấp và thua lỗ cho cả nhà sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu. Câu hỏi thường trực là tại sao ngành gỗ và kết quả thị trường lại tệ như thế trong năm 2019 và điều này lẽ ra có thể dự đoán trước không?

Có nhiều lý do giải thích cho việc cung vượt cầu năm 2019 ở Mỹ, Trung Quốc và các thị trường quan trọng khác. Tuy nhiên, có một lý do dựa trên đánh giá xu hướng tiêu thụ toàn cầu của sản phẩm gỗ xẻ mềm trong những năm trước, đã đưa ra giải thích rất rõ ràng.

Về thị trường tiêu thụ, Châu Âu (trừ Nga) và Bắc Mỹ, mỗi khu vực tiêu thụ 29% lượng gỗ xẻ mềm toàn cầu năm 2018. Trung Quốc chiếm 19%, do đó, ba quốc gia: Hoa Kỳ, Canada và Trung Quốc, cộng với Châu Âu, đã chiếm đến 75% tổng lượng tiêu thụ gỗ xẻ mềm toàn cầu. Các thị trường khác tiêu thụ lượng tương đối nhỏ: Nhật Bản (4,2%) và Nga (2,8%), tiếp theo là các quốc gia trồng thông như Brazil, Chile và Úc, với tổng cộng tiêu thụ 4,7% và Mexico.

Nếu xét thị trường tiêu thụ theo lục địa, Mexico và Bắc Mỹ chiếm 30% lượng tiêu thụ toàn cầu, tiếp theo là Châu Âu 29% và Châu Á 26%. Ba thị trường này chiếm 86% lượng gỗ xẻ mềm toàn cầu được tiêu thụ năm 2018.

Xem xét tổng quát các xu hướng về tiêu thụ gỗ xẻ mềm toàn cầu năm 2018, ta nhận thấy mức tiêu thụ chỉ tăng 1% so với năm 2017. Đây là tốc độ tăng trưởng rất chậm, hai năm 2016 và 2017 có tốc độ tăng trưởng 3,7-3,8%. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2019, với mức tăng trưởng tiêu thụ toàn cầu dự đoán ​​sẽ chỉ gần 0,3%. Trung bình trong 20 năm, mức độ tăng trưởng trung bình của thị trường gỗ vào khoảng 2,2% (điều chỉnh nhẹ cho suy thoái kinh tế 2008-2009), do đó bất kỳ mức tăng trưởng nào dưới mức này cũng là chỉ báo cho một thị trường kém hiệu quả. Và, với hai năm (2018 và 2019) ở mức tăng trưởng hàng năm 1% hoặc thấp hơn, rõ ràng kết quả kém đã được dự báo, và chứng minh rõ ràng.

Vì Châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc chiếm 71% thị trường tiêu thụ gỗ xẻ mềm toàn cầu, nên nếu có từ hai trong số ba khu vực này không có tiêu thụ tăng trưởng hơn 3%, có thể một khu vực thứ ba sẽ kéo tỉ lệ tăng trưởng trung bình xuống dưới ngưỡng 2,2%. Việc tiêu thụ chậm đi năm 2018 là do mức tiêu thụ ở Mỹ giảm đáng ngạc nhiên, giảm 1,4 % so với năm trước, khiến nguồn cung dư thừa nhiều nhất trong lịch sử, và dự đoán sẽ giảm tương tự trong năm 2019. Châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng âm 0,1% năm 2018, nhưng dự đoán sẽ tăng nhẹ 0,8% năm 2019. Mức tăng trưởng ở Trung Quốc, trên 5% cho cả hai năm 2018 và 2019, cũng không giúp cân bằng lại tỉ lệ tăng trưởng kém ở Mỹ, Châu Âu và phần còn lại của thế giới.

Năm 2020, hầu hết các thị trường tiêu thụ gỗ xẻ mềm có khả năng đạt tăng trưởng, với Mỹ và Trung Quốc có thể dẫn đầu với tỉ lệ tăng trưởng 4% mỗi quốc gia.

Canada có dự báo mức tăng trưởng trung bình, nhưng Châu Âu và Nhật Bản đang dự đoán giảm nhẹ về nhu cầu do kinh tế tăng trưởng chậm và nhu cầu thị trường nhà ở giảm đi. Nhu cầu gỗ xẻ mềm năm 2020 được dự đoán tăng trưởng khoảng 2,2 – 2,5% so với năm 2019. Viễn cảnh cho năm 2021 tích cực hơn, với nhu cầu tăng trưởng toàn cầu lên đến 2,7%.

Theo Timber Industry News

caodung
Bạn đang đọc bài viết "Nhu cầu gỗ trên thế giới năm 2020" tại chuyên mục Khoa học quản lý.