Nhờ virus Corona, kinh tế Trung Quốc suy thoái đúng thời điểm

caodung

Nếu năm 2019 kinh tế Trung Quốc thực sự có tăng trưởng, thì năm nay không được như vậy nữa.

Nếu bạn nghĩ rằng số liệu về tình hình dịch bệnh virus Corona ở Trung Quốc là không tin được, thì cũng đừng tin vào chỉ số GDP nước này.

Nền kinh tế Trung Quốc được cho là đã tăng trưởng khoảng 6,1% vào năm 2019, mức tăng trưởng chậm nhất trong 30 năm qua. Điều này không có gì bất ngờ: GDP của Trung Quốc tất cả các năm trong thập kỷ rồi đều được ghi nhận là “tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990”. Theo số liệu chính thức, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã trượt nhẹ về mức 6% khi chính phủ ưu tiên tăng trưởng chất lượng cao thay vì đơn thuần đạt chỉ tiêu con số.

Và nếu như định nghĩa về “tăng trưởng chất lượng cao” có nghĩa là không tính đến lượng thép dưới tiêu chuẩn đang tồn đọng, được sản xuất trong quy trình xả khói đen trời một số thành phố lớn ở Trung Quốc, bất chấp hai thập kỷ thực hiện chiến dịch giảm thừa công suất, thì chính phủ Trung Quốc đúng là đang tiến đến mục tiêu.

Với lượng thép tồn chưa bán được ở mức kỷ lục, cộng thêm doanh thu năm 2019 từ ngành ô tô giảm 8%, điện thoại di động giảm 7%, và xuất khẩu tăng chỉ 0,5%, việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm ngoái thực sự là thần kỳ. Nhưng các nhà kinh tế học phương Tây đồng ý rằng đúng là có đang phát triển, chỉ là ở mức khác. Các nghiên cứu độc quyền của tạp chí Wall Street dựa vào quan sát vệ tinh và những biện pháp trực tiếp khác chỉ ra một tỉ lệ tăng trưởng vào khoảng 3 đến 3,5%. Phân tích gián tiếp dựa trên mô hình xu hướng tăng trưởng của bà Dominique Dwor-Frecaut, chuyên viên chiến lược vĩ mô thường trú tại Los Angeles, cũng đưa ra mức tăng trưởng tương tự.

Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc qua các năm. Nguồn: IMF
Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc qua các năm. Nguồn: IMF
Nếu mức độ tăng trưởng chỉ trên 3% khi bước vào đầu năm 2020, đừng hy vọng Trung Quốc giữ được tỉ lệ này trong năm nay. Chỉ riêng Hồ Bắc, tỉnh bị phong tỏa do ở tâm dịch, đã đóng góp hơn 4% vào GDP của Trung Quốc. Và Hồ Bắc không phải là tỉnh duy nhất chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Sáu thành phố khác đã báo cáo hơn 900 ca nhiễm virus Corona (tính đến ngày 26.2), bao gồm các cỗ máy kinh tế như Quảng Đông (1.347 trường hợp), và tỉnh nhà của Alibaba – Chiết Giang (1.205 trường hợp). Số liệu chính thức chỉ ra rằng virus đã ngừng hoành hành ở các tỉnh này, với chỉ năm ca nhiễm mới trong tuần này ở Quảng Đông và không có ca nào khác ở các tỉnh khác. Đây là các con số đằng sau nhận định rằng các ca nhiễm mới đang giảm ở Trung Quốc. Nhưng nếu bạn tin rằng sáu tỉnh này, với tổng số ca nhiễm đã xác nhận là 6.762, mà thực sự không có lây nhiễm mới nào trong cả tuần, thì bạn đã quá nhẹ dạ cả tin.

Thực ra, không có tỉnh nào ngoài Hồ Bắc hiện đang báo cáo nhiều hơn hai trường hợp nhiễm mới mỗi ngày. Điều đó còn khó tin hơn cả tỉ lệ tăng trưởng GDP chính thức của Trung Quốc, và hoàn toàn không thống nhất với mức độ thắt chặt an ninh biên giới cao độ đang được thực hiện ở Hồng Kông, nơi liền kề với Quảng Đông, tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai của cả nước trong dịch bệnh này.

Trong cuối tuần qua, Quảng Đông, tỉnh chiếm gần 11% GDP của Trung Quốc, đã giảm mức cảnh báo chính thức để người dân an tâm đi làm trở lại. Nhưng các công xưởng lắp ráp vẫn không thể mở cửa nếu công nhân của họ vẫn đang mắc kẹt ở các tỉnh khác. Sau khi hạn chế giao thông từ ngày đầu năm mới âm lịch được gỡ bỏ, hàng nghìn công nhân vẫn chưa quay lại tỉnh Quảng Đông. Foxconn, nhà máy lắp ráp điện thoại di động của Apple đã phải đưa ra chính sách thưởng lên đến 1.000 đô la Mỹ và cung cấp bữa ăn miễn phí để khuyến khích công nhân đi làm trở lại.

Cảm nhận được điềm xấu, Trung Quốc khẩn thiết muốn được khởi động lại nền kinh tế. Nhưng đâu dễ như vậy. Chính phủ cố gắng thúc đẩy cỗ máy kinh tế từ đầu tuần tháng Hai, nhưng tất cả những gì đạt được là virus Corona lây lan sang tỉnh Quảng Đông, khiến tỉnh này chịu chung cảnh phong tỏa với Hồ Bắc. Chính phủ lại lần nữa cố gắng vào tuần thứ hai, kết quả tương tự. Trong tuần thứ ba của tháng Hai, tình hình là “chết bởi nghìn nhát đâm”, khi hệ thống logistics thiếu nhân viên phải ngừng hoạt động do các trạm kiểm soát nội bộ cũng thiếu người vận hành. Trung Quốc hiện đang nỗ lực lần thứ tư để khởi động lại nền kinh tế, bằng cách đưa ra số liệu chỉ ra rằng có ít hơn 100 ca nhiễm mới toàn quốc, không tính tỉnh Hồ Bắc trong tuần này.

Nói thẳng ra là, số liệu cập nhật gần đây về dịch bệnh là không thể nào. Trung Quốc có thể điều chỉnh số liệu, nhưng không thể điều chỉnh được con virus. Việc sử dụng dữ liệu giả để khuyến khích các doanh nghiệp mở cửa và người dân đi lại sẽ chỉ gây ra một loạt ca nhiễm bệnh mới và một loạt các doanh nghiệp khác ngừng hoạt động.

Việc tạm ngừng hoạt động đang gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế Trung Quốc. GDP của ba lĩnh vực sản xuất, xây dựng và giao thông cộng lại chiếm khoảng 45% GDP Trung Quốc. Giảm một phần ba hoạt động trong ba lĩnh vực này trong một tháng sẽ khiến Trung Quốc thiệt hại khoảng 1,25% GDP hàng năm. Thực tế mà xét, việc ngừng hoạt động do dịch bệnh này sẽ phải kéo dài mất hai phần ba của tháng Hai và một phần ba tháng sau đó, và điều này sẽ khiến Trung Quốc mất đi 3,75% GDP, nhiều hơn cả mức tăng trưởng (thực sự) của năm 2019. Và đó là còn chưa kể đến phần giảm GDP do ngưng hoạt động các ngành dịch vụ hồi tháng Hai.

Nếu chia nhỏ tỉ lệ đóng góp GDP theo tỉnh, thay vì theo lĩnh vực kinh tế, tỉnh Hồ Bắc (chiếm 4% đóng góp GDP của cả nước) sẽ phải chịu mất gần như hoàn toàn hai tháng GDP vào thời điểm dịch bệnh kết thúc, tỉnh Quảng Đông (chiếm 11% GDP cả nước) sẽ phải mất ít nhất một tháng do sụt giảm hoạt động nghiêm trọng, chưa tính sản lượng mất đi của các tỉnh khác ở Trung Quốc. Điều này có nghĩa là chỉ riêng tỉnh Hồ Bắc có thể sẽ làm mất đi một nửa tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2020, và tỉnh Quảng Đông với tỉ lệ đóng góp GDP lớn hơn nhiều, cũng sẽ đóng góp tương tự vào mức giảm tăng trưởng. Mức giảm GDP 1% ở các tỉnh còn lại của Trung Quốc sẽ khiến quốc gia này nghiêng về hướng tăng trưởng âm trong năm nay.

Tóm lại, thật khó tưởng tượng ra kịch bản tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay. Chắc chắn sẽ có suy thoái kinh tế trong nửa đầu năm nay. Không thể nào nghĩ được rằng Trung Quốc có thể tránh được giảm GDP trong hai quý đầu của năm 2020.

Nhưng đối với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong cái rủi cũng có cái may. Đây là cơ hội để họ khởi động lại số liệu kinh tế của mình sau hơn một thập kỷ đưa ra những bịa đặt mang tính hệ thống. Nếu ông Tập Cận Bình có can đảm báo cáo suy thoái vào năm 2020, ông có thể đổ tất cả tội cho dịch virus Corona. Sau đó ông và đảng mà ông lãnh đạo có thể đường đường chính chính mà tiến lên. Lỗi lầm đã qua sẽ bị lãng quên theo cơn lốc virus Corona, các số liệu về kinh tế (và y tế) của Trung Quốc có thể một lần nữa trở nên hữu dụng, cho cả Trung Quốc lẫn thế giới bên ngoài.

Không biết đâu được.

Theo National Interest

caodung