NHNN sắp thắt chặt hoạt động cho vay tiêu dùng, các ứng dụng cho vay qua điện thoại khó thoát khỏi ảnh hưởng

Duy Nhi

14/12/2021 09:27

Các ứng dụng cho vay trực tuyến trong thời gian tới có thể sẽ khó hoạt động hơn khi NHNN sẽ đẩy mạnh thắt chặt các hoạt động cho vay tiêu dùng vốn đang gây nhiều hoang mang kể từ vài năm trở lại đây.

Trong văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đối với hoạt động ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trong thời gian tới sẽ thắt chặt các hoạt động quản lý đối với các hình thức cho vay tiêu dùng mới này.

Bà Hồng cho biết NHNN cũng nhận được đề nghị phối hợp cung cấp thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ các công ty này.

“NHNN đã có văn bản chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động báo cáo và đề xuất UBND tỉnh, thành phố rà soát và yêu cầu các cá nhân nghiệp, các tổ chức khác đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ được thực hiện hoạt động ngân hàng khi được NHNN cấp phép, đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng; đồng thời, yêu cầu không được sử dụng các cụm từ, thuật ngữ để quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ là hoạt động ngân hàng khi chưa được NHNN cấp phép,” văn bản ghi.

siet-cho-vay-1639370783.jpeg

Thời gian vừa qua đã chứng kiến nhiều trường hợp tín dụng đen trá hình tiếp cận người tiêu dùng qua các ứng dụng trên smartphone. Những hình thức cho vay kiểu mới với nhiều lãi suất chồng, lên đến 500-1.000%, đã khiến nhiều người không đủ khả năng trả nợ.

Không chỉ có tín dụng đen, các công ty tài chính như FE Credit hay startup cầm đồ F88 cũng thường xuyên bị vướng vào những vụ việc như đe doạ khách hàng trả nợ.

Về vấn đề này, trong văn bản có ghi cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính khác biệt so với hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại về đối tượng khách hàng, lãi suất, sản phẩm cho vay, kênh phân phối và quản trị rủi ro... Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, công ty tài chính không được huy động tiền gửi của cá nhân, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là vốn điều lệ, huy động trên thị trường tiền tệ, thị trường vốn.

Đối tượng khách hàng của công ty tài chính là các khách hàng có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định, hiểu biết về tài chính hạn chế, có nhu cầu vay với giá trị nhỏ, thời gian ngắn, mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt hàng ngày, không có tài sản bảo đảm, rủi ro cao; quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, thời gian giải ngân nhanh.

Thời gian tới, NHNN tiếp tục tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của các công ty tài chính, nhất là các công ty tài chính tiêu dùng; đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ để góp phần hạn chế tín dụng đen, tăng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng hợp pháp.

Sẽ có quy định cho vay ngang hàng?

Tại một hội thảo về tài chính tháng 11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng và ban hành, hướng dẫn triển khai cơ chế thí điểm đối với sản phẩm tài chính mới.

Đề nghị Nhà nước sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 101/2012/ND-CP về thanh toán không dùng tiền mặt để tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng được giao đại lý dịch vụ thanh toán đối với các tổ chức khác, giúp thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt đạt hiệu quả, theo thông tin từ hội thảo.

NHNN cũng đã cung cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 43 tổ chức không phải ngân hàng, trong đó gồm 13 hội viên của VNBA.

Việt Nam hiện có hơn 100 công ty tài chính công nghệ (fintech) đang hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, cho vay ngân hàng với nhiều công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài nhưng lại thiếu hành lang pháp lý để quản lý.

Duy Nhi