NHNN bổ sung nhiều quy định hoàn thiện dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền

Nguyễn Hùng

08/09/2022 13:12

Trong chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 07/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

rua-tien-1662617531.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là cần thiết, nhằm phù hợp với các nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL) của khu vực cũng như trên toàn thế giới. Đồng thời, việc sửa đổi Luật PCRT 2012 cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm khắc phục những hạn chế của các quy định của pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để đáp ứng kịp thời các yêu cầu trong nước về tăng cường hiệu quả của quy định pháp luật về PCRT cũng như yêu cầu về đáp ứng các khuyến nghị của APG nên việc trình Quốc hội thông qua Luật PCRT (sửa đổi) tại một kỳ họp vào tháng 10/2022 là cần thiết.

Việc xây dựng Luật PCRT (sửa đổi) trên cơ sở thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác PCRT. Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bên cạnh việc kế thừa thì Luật PCRT (sửa đổi) phải khắc phục các vướng mắc, bất cập các quy định của pháp luật PCRT hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động PCRT hiện nay; tham khảo, cụ thể hóa các chuẩn mực quốc tế về PCRT trên cơ sở phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; tham khảo pháp luật của một số quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các quy định về PCRT; nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật PCRT hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCRT; xây dựng hệ thống pháp luật về PCRT phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về PCRT mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.

image

Toàn cảnh Phiên họp

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Luật PCRT (sửa đổi) có bố cục gồm 4 Chương, 63 Điều quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCRT; hợp tác quốc tế trong PCRT. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật PCRT (sửa đổi) cũng quy định việc PCRT nhằm TTKB, TTPBVKHDHL được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về đánh giá rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền, cụ thể: bổ sung quy định về nghĩa vụ thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền; bổ sung quy định về trách nhiệm đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết quả đánh giá rủi ro hoặc cập nhật kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu tại khuyến nghị số 10 và 11 của FATF mà Việt Nam còn thiếu hụt. Dự thảo Luật giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo; sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro, theo đó dự thảo Luật quy định đối tượng báo cáo phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại tổ chức mình, trong đó phải có nội dung về việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao và các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền của khách hàng….

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung một số nội dung phải có tại quy định nội bộ về PCRT của đối tượng báo cáo, bao gồm: chính sách chấp nhận khách hàng, trong đó có nội dung về từ chối mở tài khoản, thiết lập mối quan hệ kinh doanh, thực hiện giao dịch hoặc chấm dứt mối quan hệ kinh doanh; chính sách, quy trình quản lý rủi ro; tuyển dụng nhân sự, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng chống rửa tiền. Bổ sung yêu cầu quy định nội bộ phải được áp dụng, phổ biến đến đại lý, chi nhánh, công ty con của đối tượng báo cáo.

Về báo cáo giao dịch đáng ngờ, dự thảo Luật luật hóa các quy định tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định cụ thể về các trường hợp đối tượng báo cáo phải thực hiện báo cáo giao dịch đáng ngờ. Trên cơ sở rà soát từ thực tiễn quản lý và ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, dự thảo Luật sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán tại dự thảo Luật. Về kỹ thuật, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng tách các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và dấu hiệu đáng ngờ trong từng lĩnh vực thành các điều riêng để dễ theo dõi và thực hiện.

Liên quan đến thời hạn báo cáo giao dịch đáng ngờ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn: tối đa hai ngày làm việc kể từ thời điểm phát sinh giao dịch; hoặc một ngày làm việc kể từ thời điểm phát hiện giao dịch đáng ngờ, khắc phục những vướng mắc của đối tượng báo cáo trong quá trình thực hiện.

Đối với giao dịch chuyển tiền điện tử, dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm của các tổ chức tham gia vào giao dịch chuyển tiền điện tử phải có chính sách, quy trình quản lý rủi ro để thực hiện, từ chối, tạm dừng, kiểm soát sau giao dịch hoặc báo cáo giao dịch đáng ngờ các giao dịch chuyển tiền điện tử không chính xác, đầy đủ các thông tin theo yêu cầu.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, báo cáo của đối tượng báo cáo nhằm cụ thể các loại thông tin đối tượng báo cáo phải lưu trữ; quy định trách nhiệm báo cáo, cung cấp hồ sơ, thông tin này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền của đối tượng báo cáo; sửa đổi, bổ sung quy định về bảo đảm bí mật thông tin, tài liệu báo cáo nhằm phù hợp với quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước và thực tiễn hoạt động của đối tượng báo cáo.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo Luật lần này cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về việc trao đổi, chuyển giao thông tin PCRT với cơ quan có thẩm quyền trong nước, cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Đồng thời, bổ sung việc giao Chính phủ quy định chi tiết về việc chuyển giao, trao đổi thông tin PCRT trong nước; giao Chính phủ hướng dẫn về việc thu thập, xử lý và phân tích thông tin. Việc sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn chuyển giao, trao đổi thông tin PCRT tại Ngân hàng Nhà nước với các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài nước.                 

Về áp dụng các biện pháp tạm thời, dự thảo Luật bổ sung trường hợp trì hoãn giao dịch khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại các luật có liên quan, bổ sung quy định về thời điểm thực hiện biện pháp trì hoãn giao dịch theo hướng đảm bảo tính kịp thời, phù hợp với yêu cầu của Khuyến nghị số 6 của FATF. Đồng thời bổ sung quy định về việc đối tượng báo cáo phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phong tỏa tài sản, phù hợp với các biện pháp quy định tại pháp luật về tố tụng…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, về cơ bản, nội dung phân công trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong PCRT được kế thừa các quy định tại Luật PCRT năm 2012 và trên cơ sở luật hóa nội dung phân công trách nhiệm của bộ, ngành tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành; sửa đổi, bổ sung trách nhiệm cụ thể một số bộ ngành, bảo đảm phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và tính thống nhất với quy định pháp luật liên quan.