Thời đại kinh tế số và những biến tướng phức tạp
Theo khảo sát đánh giá của EuroMonitor International, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%/năm, từ 2 tỉ USD năm 2016 lên đến gần 2,7 tỉ USD năm 2021 và dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỉ USD.
Điều này cho thấy thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang trở thành một thị trường có nhiều tiềm năng và sức hút. Hàng nghìn thương hiệu mỹ phẩm đã xuất hiện tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau như mở Văn phòng đại diện, đặt đại lý, nhà phân phối bán hàng, thành lập công ty và xây dựng nhà máy sản xuất. Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng đã xuất hiện tại Việt Nam. Một số thương hiệu mỹ phẩm sản xuất trong nước cũng xuất khẩu ra nước ngoài.
Thực trạng thời gian qua, hoạt động kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm trên mạng internet, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và các trang xã hội, các sản phẩm mỹ phẩm được rao bán, quảng cáo rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ. Bên cạnh các sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố vẫn còn xuất hiện nhiều sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, quảng cáo sản phẩm không phù hợp với tính năng, công dụng đã công bố hoặc vượt quá tính năng vốn có của sản phẩm.
Theo các chuyên gia, trong điều kiện nhu cầu xã hội về mỹ phẩm tăng cao cùng với phát triển thương mại điện tử, việc tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm bằng các văn bản quy phạm pháp luật và các nhóm giải pháp kịp thời, hữu hiệu đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Mới đây tại thành phố Huế, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo thực trạng quản lý mỹ phẩm và định hướng quản lý mỹ phẩm trong thời gian tới. Dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành có liên quan; đại diện Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các hiệp hội, phòng thương mại; đại diện doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trong nước.
Theo ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, với mục tiêu xây dựng Tỉnh trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á, trong những năm qua Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo, thực hành, nghiên cứu trên lĩnh vực y tế, trong đó chú trọng lĩnh vực mỹ phẩm. Địa phương cũng đã sớm thành lập Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh để thực hiện kiểm tra, giám sát và quản lý chất lượng mỹ phẩm.
Cùng với sự phát triển của nền y tế và ngành mỹ phẩm trong cả nước, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế và sự nỗ lực của ngành y tế tỉnh nhà, công tác quản lý mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng; các hoạt động kiểm tra, giám sát và quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thực hiện theo quy định, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, góp phần bảo vệ người sử dụng và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp mỹ phẩm.
Cũng theo ông Phan Quý Phương, hiện nay việc thực thi các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm còn chồng chéo giữa các pháp luật chuyên ngành; các Nghị định, Thông tư quy định về quản lý, sản xuất mỹ phẩm chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời; tình trạng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm có nhiều biến tướng và phức tạp, nhất là kinh doanh trên mạng internet, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và các trang mạng xã hội, các sản phẩm mỹ phẩm được rao bán, quảng cáo rất đa dạng về chủng loại, không rõ nguồn gốc; nhiều sản phẩm mỹ phẩm chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; quảng cáo sản phẩm không phù hợp với tính năng, công dụng đã công bố hoặc vượt qua tính năng vốn có của sản phẩm.
Với yêu cầu thực tiễn đặt ra, cần phải xây dựng văn bản pháp lý đủ tầm và có tính tổng thể, đưa ra những chính sách, quy định cho giai đoạn tiếp theo để điều chỉnh, thay thế các quy định không còn phù hợp với thực tế; đồng thời tạo tiền đề, định hướng cho ngành sản xuất mỹ phẩm trong nước phát triển.
Cần những giải pháp quản lý phù hợp trong tình hình mới
Tìm hiểu tại TPHCM được biết, những năm trước đây, để sản xuất và lưu thông sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường, doanh nghiệp cần phải có Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Sở Y tế cấp. Trước 1/7/2015, một doanh nghiệp muốn sản xuất và lưu thông sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ cần thực hiện qua 03 bước: 1- Doanh nghiệp nộp hồ sơ lên Sở Y tế. 2- Sở Y tế cấp Số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.3- Sản xuất và lưu thông sản phẩm ra thị trường.
Tuy nhiên, từ khi Sản xuất mỹ phẩm được quy định là ngành nghề có điều kiện (theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Nghị định 93/2016/NĐ-CP), một doanh nghiệp muốn sản xuất và lưu thông sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường phải thực hiện qua 5 bước: 1- Doanh nghiệp nộp hồ sơ lên Sở Y tế. 2- Sở Y tế thành lập đoàn đến kiểm tra thực tế điều kiện sản xuất mỹ phẩm tại cơ sở sản xuất. 3- Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm (Nếu đạt yêu cầu). 4- Sở Y tế cấp Số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. 5- Sản xuất và lưu thông sản phẩm ra thị trường.
Thực tế khi đoàn kiểm tra đến kiểm tra điều kiện sản xuất tại những địa chỉ sản xuất của các doanh nghiệp xin cấp số công bố thì nhận thấy hoạt động sản xuất mỹ phẩm của đa số doanh nghiệp chủ yếu theo kinh nghiệm, dựa trên cơ sở vật chất vốn có sẵn là nhà ở và sản xuất theo mẫu mã hoặc nhu cầu của người mua hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp này chưa đáp ứng về các tiêu chí cần thiết trong “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm”.
Chính vì vậy, làm thế nào để hạn chế các doanh nghiệp không đủ điều kiện tham gia vào hoạt động sản xuất mỹ phẩm và kiểm soát chất lượng các sản phẩm mỹ phẩm sản xuất tại TPHCM, bảo đảm người tiêu dùng Việt Nam có được những sản phẩm an toàn và hiệu quả nhất càng trở thành những yêu cầu cần thiết.
Để giải quyết những thách thức này, nhiều giải pháp trong quản lý hoạt động sản xuất mỹ phẩm đã được đưa ra, như: Cơ quan quản lý chỉ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm cho các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí theo Hiệp định hoà hợp mỹ phẩm ASEAN và Nghị định 93/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Chỉ cấp Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
Tăng cường thanh - kiểm tra các doanh nghiệp đã được Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. (Ưu tiên lên kế hoạch thanh - kiểm tra đối với các doanh nghiệp chưa được kiểm tra điều kiện sản xuất trước khi cấp Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, các doanh nghiệp sản xuất gia công cho nhiều doanh nghiệp khác đứng tên công bố). Phối hợp với Trung tâm kiểm nghiệm trong công tác lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm mỹ phẩm; …
Thời gian qua, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cũng chỉ đạo các Sở Y tế thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm online. Từ đó nhằm phát hiện, xử lý kịp thời việc sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép như: Chưa được cấp phép; không rõ nguồn gốc; "thổi phồng" tính năng, công dụng.
Cục Quản lý Dược cũng cho biết, nhằm hạn chế tình trạng kinh doanh mỹ phẩm được quảng cáo "xách tay"; không rõ nguồn gốc; chưa được cấp phép tràn lan trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, Cục đã phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) rà soát các website, sàn Thương mại điện tử nhằm phát hiện cơ sở kinh doanh vi phạm. Từ đó các đơn vị yêu cầu sàn Thương mại điện tử gỡ bỏ, ngừng kinh doanh đối với những đơn vị vi phạm.
Trao đổi với PV Nhà Quản lý về vấn đề này, các chuyên gia chia sẻ, để bảo đảm cho người tiêu dùng được tiếp cận với mỹ phẩm chất lượng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đề nghị các Bộ, Ngành Trung ương ban hành những chính sách quản lý mỹ phẩm phù hợp với thực tế tại các địa phương; có hình thức xử phạt nghiêm với những đối tượng buôn bán, vận chuyển vi phạm.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần có thói quen lấy hoá đơn mua hàng để ràng buộc trách nhiệm của người bán; thận trọng trong việc lựa chọn mỹ phẩm và nên truy xuất nguồn gốc sản phẩm tránh thiệt hại liên quan đến sức khỏe khi sử dụng phải mỹ phẩm giả, kém chất lượng.