Nhà khai khoáng lớn nhất thế giới xác nhận thoát khỏi mảng than

minhtam

20/08/2020 08:44

BHP - tập đoàn thác mỏ lớn nhất thế giới sẽ thu hẹp hoạt động kinh doanh than và xem xét thanh lý các tài sản dầu khí già cỗi để chuẩn bị cho một tương lai carbon thấp.

Sau nhiều tháng suy tính và dưới áp lực từ các nhà đầu tư, tập đoàn khai thác mỏ lớn nhất thế giới BHP (Australia - Anh) xác nhận kế hoạch rút lui khỏi mảng kinh doanh than nhiệt lượng cao (thermal coal) và bán 80% lượng cổ phần đang nắm giữ tại một liên doanh giữa BHP với Mitsu Group (Nhật Bản) hiện sở hữu hai mỏ than cốc (coking coal) chất lượng thấp tại Queensland (Australia) ngày 18.8.

Than nhiệt lượng cao được sử dụng để tạo ra điện trong các nhà máy điện than, trong khi đó, than cốc hay còn gọi là than “luyện kim” được dùng trong luyện quặng sản xuất thép. BHP vẫn giữ lại một phần trong liên minh với Mitsu khi tin rằng "sẽ có nhiều nhu cầu hơn và tăng giá hơn đối với than cốc cứng, chất lượng cao hơn", theo trả lời của Giám đốc điều hành Mike Henry trên Bloomberg TV.

Theo Financial Times, BHP có thể phải cần hai năm để bán các tài sản than. Các nhà phân tích tại ngân hàng Berenberg (Anh) cho rằng việc tìm kiếm một người mua trên thị trường cho các hoạt động than sẽ là “khá thách thức” vì ngày càng có nhiều nhà đầu tư lo ngại về các tài sản chứa nhiều CO2.

Hồi đầu năm, Quỹ đầu tư quốc gia trị giá 1 tỉ đô la của Na Uy đã bán hết cổ phần tại các tên tuổi lớn như Glencore, Anglo American và RWE khi phát hiện vi phạm các nguyên tắc sử dụng than theo hướng dẫn của quỹ này. Quỹ cũng đã bán công ty khai thác Vale của Brazil do "thiệt hại môi trường nghiêm trọng" từ vụ vỡ đập. Các lưu ý loại trừ khỏi danh mục đầu tư của một trong những cổ đông lớn nhất thế giới - quỹ cở hữu trung bình gần 1,5% của mọi công ty niêm yết trên toàn cầu - thường được các nhà đầu tư khác theo dõi. BHP chưa bị loại trừ khỏi danh mục đầu tư của quỹ này có thể do các cam kết thoát khỏi mảng than nhiệt lượng cao đã được đề cập trước đó và chính thức được công bố ngày 18.8.

Quỹ đầu tư quốc gia Na Uy hiện nắm giữ số cổ phần trị giá hơn 2 tỉ đô la Mỹ tại BHP từng đưa doanh nghiệp này vào danh sách giám sát liên quan tới việc sử dụng than. Vào danh sách giám sát là bước đầu tiên trong quy trình quyết định có bán cổ phần hay không.

BHP cũng cho biết sẽ tìm cách bán các mỏ dầu và khí đốt đã già cỗi, bắt đầu với các hoạt động ở Eo biển Bass - nơi cung cấp khí đốt cho miền đông Australia. Những tài sản này chiếm khoảng một phần ba thu nhập do bộ phận dầu khí của BHP tạo ra vào năm ngoái.

Giám đốc điều hành mới Mike Henry, người nắm quyền vào tháng Một, đang tìm cách mở rộng các mặt hàng như đồng và niken được sử dụng để sản xuất điện carbon thấp và tập trung vào nguyên liệu thô chất lượng cao hơn để sản xuất thép để kiếm tiền.

Nam Anh



minhtam