Ngàn ngày chuyên quản khối tài sản triệu tỷ đồng

Võ Tuấn

13/11/2021 20:25

Ba năm đi vào hoạt động, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty đã có 2 năm liên tiếp đối diện với khó khăn do dịch bệnh gây ra. Chưa khi nào nhiệm vụ bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp lại chịu nhiều thách thức lớn như vậy.

 

Ông Nguyễn Hoàng AnhÔng Nguyễn Hoàng Anh

Chúng tôi đề nghị phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (viết tắt: Ủy ban) khi biết tin ông vừa ký quyết định thành lập một Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trực thuộc Ủy ban bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Quyết định trên là xử lý một tình huống trong công tác quản lý, còn thực tế trước khi có Tổ công tác đặc biệt, và nhất là trong giai đoạn hiện nay, không khó để chứng kiến những cuộc làm việc, những chuyến công tác cơ sở không có ngày nghỉ Thứ 7, Chủ nhật của lãnh đạo Ủy ban tới các nhà máy, công trường dự án... của các tập đoàn, tổng công ty.

Chuyên nghiệp trong đại diện chủ sở hữu

- Thưa ông, dịch bệnh COVID-19 diễn ra suốt gần 2 năm qua, và gần đây - làn sóng dịch lần thứ tư đã tác động như thế nào tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trực thuộc Ủy ban?

Việc xuất hiện một số ca bệnh F0, người lao động thuộc diện F1, F2 tại các DN và thực tế nhiều địa phương giãn cách xã hội khá dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bố trí, sử dụng lao động và sản xuất của DN, nhất là các lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng và nông nghiệp. Thực tế này khiến việc thông thương bị ách tắc, khan hiếm container, đơn giá vận chuyển tăng gấp 5 - 6, thậm chí 10 lần so với trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát... gây những khó khăn rất lớn cho các DN.

Trong khi chi phí để khắc phục dịch bệnh hoặc triển khai “3 tại chỗ” tại nhiều nhà máy đã tạo thêm áp lực lên lợi nhuận DN. Nhiều chuyên gia, đối tác nước ngoài không thể sang làm việc theo đúng kế hoạch cũng ảnh hưởng tới tiến độ nhiều dự án…

Trong bối cảnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty rõ ràng gặp nhiều thách thức, tuy nhiên các đơn vị đã có sự chuẩn bị từ đầu năm, với mục tiêu tăng trưởng so với năm 2020.

Cụ thể, 9 tháng năm 2021, đa số các tập đoàn, tổng công ty hoạt động đều có lãi, trong đó có những DN ghi nhận mức lợi nhuận cao so với kế hoạch và cùng kỳ, như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Bên cạnh những DN kinh doanh có lãi như đã nêu, một số DN trong lĩnh vực vận tải đã bị thua lỗ; tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn, không bảo toàn được vốn, dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh mất cân đối; thu nhập và việc làm của người lao động bị ảnh hưởng.

Ngàn ngày chuyên quản khối tài sản triệu tỷ đồng ảnh 1

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh thăm công nhân Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 thuộc EVN

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Ủy ban đã thể hiện vai trò là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DN đang nắm 100% vốn điều lệ và DN cổ phần có vốn đầu tư của nhà nước... như thế nào?

Đến thời điểm này, Ủy ban đã hoàn thành việc phê duyệt sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của 19/19 tập đoàn, tổng công ty; đồng thời chỉ đạo các DN rà soát, bổ sung và làm rõ ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo “Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (2021 - 2025) của DN”. Ngoài ra, đã hoàn thành giao chỉ tiêu đánh giá hoạt động, xếp loại DN năm 2021 đối với 12/12 DN 100% vốn nhà nước.

Ủy ban cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án triển khai các dự án quan trọng như Nhiệt điện Ô Môn III và Tân Phước I, II; thẩm định Đề án thành lập Chi nhánh Phát điện dầu khí trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)…

Ủy ban đã xây dựng kế hoạch sắp xếp lại Công ty Mẹ - các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời tiếp tục thẩm định, xin ý kiến các Bộ, ngành đối với “Đề án tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025”.

Việc tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban, trong đó có nhiều vấn đề phức tạp tồn tại trong thời gian dài, và nhất là từ đầu năm 2020 đến nay còn chịu thêm tác động của đại dịch, nhưng Ủy ban và các DN vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, làm tốt nhiệm vụ bảo toàn vốn nhà nước tại DN.

Có thể nói, thành lập Ủy ban đã hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, đó là tách bạch, phân định chức năng chủ sở hữu vốn của nhà nước với chức năng quản lý hành chính nhà nước đối với mọi loại hình DN. Đồng thời giúp tập trung, thống nhất, chuyên trách, chuyên nghiệp trong thực hiện đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN.

Thực tế, thời gian qua, Ủy ban cũng đã đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động các DN. Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là DN đầu tiên được Ủy ban phê duyệt quyết toán cổ phần hóa tại thời điểm chuyển thành DN cổ phần. Việc hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 2 cũng gây được tiếng vang.

Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đảm bảo việc sử dụng vốn nhà nước hiệu quả; không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, đổi mới và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại DN nhà nước.

Ngàn ngày chuyên quản khối tài sản triệu tỷ đồng ảnh 2

Đoàn công tác của Ủy ban kiểm tra tiến độ Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 của PVN

Phản ứng nhanh và quyết định kịp thời

Dịch bệnh dù diễn biến phức tạp, nhưng Ủy ban đã phối hợp với nhiều bộ ngành, địa phương, đồng thời chỉ đạo các DN đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án (như Nhiệt điện Thái Bình 2, Thủy điện Hòa Bình mở rộng), mặt khác cũng cương quyết giãn, hoãn hoặc dừng triển khai một số dự án chưa phù hợp trong điều kiện hiện nay (Nhà ga T2, Cảng hàng không Đồng Hới)… Những quyết định này tác động như thế nào tới các DN, thưa ông?

Ủy ban đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, với mục tiêu hoàn thành trong năm 2022.

Theo đó, đã yêu cầu PVN có cơ chế linh hoạt trong thanh toán cho nhà thầu để đáp ứng tiến độ. Xử lý các khó khăn về mặt pháp lý và các vướng mắc phát sinh ở dự án, với quyết tâm sớm hoàn thành để giảm thiệt hại do chậm tiến độ gây ra. Đồng thời còn huy động những nhân sự có kinh nghiệm từ các đơn vị thành viên của PVN về hỗ trợ Tổng thầu PVC trong quá trình chạy thử…

Ở Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ủy ban chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thiện các thủ tục cần thiết để khởi công vào tháng 1/2021. Mới đây - ngày 15/10/2021, Ủy ban đã có văn bản phê duyệt phương án huy động vốn vay nhằm đảm bảo dòng tiền cho thực hiện dự án.

Riêng Dự án Cảng hàng không Đồng Hới, ngày 22/8/2021, Ủy ban có văn bản nêu rõ: Do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đến hoạt động của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nên nguồn vốn tích lũy đầu tư còn khó khăn, việc đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, ACV phải giãn, hoãn hoặc dừng đầu tư các dự án khởi công mới… nhằm ưu tiên cho các dự án trọng điểm. Sau khi cân đối được nguồn lực, ACV sẽ đầu tư các cảng hàng không khác, trong đó có nhà ga khách T2 - Cảng Hàng không Đồng Hới.

Đối với Dự án mở rộng nhà ga khách T2 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, ngày 4/8/2020 Ủy ban đã đồng ý về mặt chủ trương đầu tư dự án, đồng thời yêu cầu nhóm người đại diện vốn nhà nước tại ACV phối hợp với Hội đồng quản trị thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư.

Ngoài ra, Ủy ban cũng chỉ đạo nhóm người đại diện vốn nhà nước tại ACV đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng như: Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Long Thành (giai đoạn 1); Dự án đầu tư xây dựng nhà ga khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Ngàn ngày chuyên quản khối tài sản triệu tỷ đồng ảnh 3

Đoàn công tác của Ủy ban thị sát Cảng Hải Phòng, đơn vị thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

Hiện nay, một số DN trong lĩnh vực vận tải và DN có đông lao động đang đối mặt nhiều khó khăn khi phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Thưa ông, ngoài chính sách hỗ trợ chung, Ủy ban có giải pháp đặc thù để những DN này có thể “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ?

Dù đã thực hiện tốt mục tiêu kép là “phòng chống dịch và sản xuất kinh doanh hiệu quả trong tình hình mới”, nhưng do đặc thù của lĩnh vực nên một số DN đang đối mặt với nhiều thách thức.

Cụ thể, ngoài những tác động trực tiếp về tài chính, Vietnam Airlines buộc phải tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh nguồn lực lao động, cắt giảm nhân sự, giảm thời gian làm việc, cho nghỉ việc không lương hoặc làm việc luân phiên... Vietnam Airlines cũng đã có lộ trình đưa dần người lao động trở lại làm việc khi thị trường phục hồi.

Ở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã phải cắt giảm gần như toàn bộ số đôi tàu khách trên tất cả các tuyến, dẫn đến người lao động không có việc. Chín tháng đầu năm 2021, tổng số lao động phải tạm ngừng, nghỉ việc không lương là 5.520 người. Các đơn vị buộc phải sắp xếp lại đội hình cho phù hợp với kế hoạch chạy tàu bị cắt giảm, nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện đúng quy định về tác nghiệp chạy tàu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Võ Tuấn