Đó là chia sẻ của bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) tại Hội thảo “Nâng tầm doanh nghiệp điện tử Việt Nam dẫn đầu chuỗi cung ứng toàn cầu” ngày 28/11 do Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) phối hợp cùng Công ty Global Source tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Linh kiện điện tử và Sản xuất thông minh tại Việt Nam (GEIMS Việt Nam 2024).
Theo bà Hương, các yếu tố tác động đến đầu tư vào ngành điện tử tại Việt Nam bao gồm: Yếu tố lao động; Yếu tố chính sách và Yếu tố hạ tầng bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
Về lao động, Điện tử là một trong những ngành thâm dụng lao động tại Việt Nam. Lực lượng lao động ngành điện tử lớn thứ ba trong tất cả các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chỉ sau dệt may và da giày). Đây là một đặc thù riêng có của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam: vừa là ngành tập trung vốn, tập trung công nghệ, lại vừa là ngành tập trung lao động (Technology Intensive, Capital Intensive, Labor Intensive).
Về chính sách, theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, Sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm chi tiết điện tử là một trong những ngành nghề được khuyến khích và được hưởng ưu đãi khi đầu tư của Chính phủ. Ngoài ra những dự án đầu tư có vốn lớn hơn 6.000 tỷ VNĐ (tương đương khoảng 250 triệu USD) – các dự án lắp ráp lớn đầu tư vào Việt Nam trong ngành điện tử theo thống kê của HOUSELINK thường có mức vốn tương tự, cũng được hưởng ưu đãi đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam.
Một số các loại thuế được hưởng ưu đãi như: Thu nhập của các doanh nghiệp được áp dụng mức thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, trong đó, miễn thuế tối đa không quá 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 09 năm tiếp theo. Trong trường hợp dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế– xã hội khó khăn quy định tại phụ lục II Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì doanh nghiệp được chọn hưởng mức ưu đãi thuế thuế thu nhập doanh nghiệp có lợi nhất (Theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Thông tư 83/2016/TT-BTC). Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định (Theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Thông tư 83/2016/TT-BTC). Giảm 50% thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và được miễn giảm hoàn toàn nếu dự án đầu tư này thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn quy định tại Phụ lục II Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Các nhà đầu tư cũng có thể đủ điều kiện được miễn thuế bổ sung khi họ đầu tư lần đầu: Miễn thuế 04 năm và giảm 50% trong 09 năm cho những người đủ điều kiện hưởng thuế suất thuế TNDN 10%; Miễn thuế 04 năm và giảm 50% trong 05 năm cho những hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Miễn thuế 02 năm và giảm 50% trong 04 năm khi hoạt động trong một số lĩnh vực hoặc trong một số khu công nghiệp.
Bàn về hạ tầng bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam nhận định, mỗi vùng, miền đều có lợi thế về vị trí địa lý khác nhau, nếu như ở miền Bắc có nhiều các khu công nghiệp gần với đường cao tốc thì ở miền Trung lại có lợi thế đường bờ biển dài, các khu công nghiệp cũng được bố trí xây dựng dọc theo các tuyến đường bờ biển nên có vị trí rất gần với các cảng biển, thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu và giao thương hàng hóa.
Trên cơ sở khảo sát 357 khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp đạt trên 87%. Phần lớn các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Ngoài ra do sự tham gia của các khu công nghiệp mới đi vào hoạt động nên các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy dưới 25% cũng chiếm tỷ lệ đáng kể. Bên cạnh đó dịch vụ cho thuê kho bãi cũng đang ngày càng được đẩy mạnh và tập trung nhiều ở khu vực miền Nam.
Theo đánh giá của bà Đỗ Thị Thúy Hương, chuỗi cung ứng điện tử thông minh tại Việt Nam được đầu tư tương đối đầy đủ nhưng mạnh về sản xuất gia công linh kiện, cụm linh kiện. Theo sau các dự án FDI lớn về gia công lắp ráp của các ông lớn đầu chuỗi, những năm kế tiếp sau đó, số lượng dự án và vốn đầu tư vào hạng mục sản xuất gia công linh kiện/phụ kiện/cụm linh kiện gia tăng đáng kể.
Lợi nhuận của ngành như điện tử (cũng như ngành may mặc và da giày) tham gia vào quá trình lắp ráp cuối cùng ở Việt Nam là khoảng 5 đến 10%. Điều này có nghĩa là mặc dù có khối lượng xuất khẩu rất lớn, nhưng lợi ích kinh tế từ việc Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu là tương đối nhỏ.
Việc Việt Nam trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng được minh chứng qua các khoản đầu tư lớn của các nhà cung cấp hàng đầu như: Foxconn, Pegatron,… Sự phát triển này đồng nghĩa với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam cũng cho rằng, hiệu quả kết nối của chuỗi cung ứng thông minh chưa cao. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử lớn, nhưng lợi nhuận từ gia công là thấp. Việc gia công sản xuất điện tử tại Việt Nam do các thương hiệu và nhà sản xuất linh kiện hàng đầu dẫn đầu. Tính kết nối của donah nghiệp nội địa Việt Nam với các thương hiệu lớn còn yếu, luôn ở thế bị động, thiệt thòi trong đàm phán đơn hàng và giá cả.
“Việt Nam đã thành công trong thu hút FDI và hình thành chuỗi cung ứng, bởi những yếu tố sau: (i) Khung pháp lý và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển ngành công nghiệp điện tử; (ii) Nguồn cung lao động và tiền lương; (iii) Tác động của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; (iv) Xu hướng mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của COVID-19” – bà Hương nhận định.
Hội thảo “Nâng tầm doanh nghiệp điện tử Việt Nam dẫn đầu chuỗi cung ứng toàn cầu” nằm trong khuôn khổ Triển lãm Linh kiện điện tử và Sản xuất thông minh tại Việt Nam (GEIMS Việt Nam 2024) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, diễn ra trong 3 ngày từ 28 - 30/11 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (ICE Hà Nội).
Triển lãm đã thu hút hơn 200 gian hàng, quy tụ hơn 100 nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực linh kiện điện tử và sản xuất thông minh từ Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và dự kiến chào đón hơn 10.000 khách tham quan từ các doanh nghiệp và nhà máy trong lĩnh vực sản xuất điện tử và sản xuất thông minh.
GEIMS Việt Nam 2024 trưng bày hàng nghìn sản phẩm nhà mua hàng đang tìm kiếm cho dây chuyền sản xuất của mình, bao gồm: các sản phẩm linh kiện điện tử, thiết bị ép phun/đúc/cơ khí, gia công kim loại, thiết bị hỗ trợ nhà máy và vật liệu phụ trợ công nghiệp; các công nghệ tiên tiến nhất trong lắp ráp, kiểm tra và đo lường…