Quy mô các nguồn năng lượng tái tạo như gió, điện mặt trời, thủy điện và hạt nhân đã vượt qua than để trở thành nguồn điện năng lớn nhất từ năm 2019.
Mặc dù sự gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của COVID-19 đã làm trì hoãn hoặc dừng triển khai dự án ở một vài khu vực trên thế giới, sản xuất điện từ năng lượng tái tạo được dự báo tăng 5% và chiếm 40% sản lượng điện toàn cầu trong năm nay, theo báo cáo đánh giá năng lượng toàn cầu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA.
Sản xuất điện từ gió và mặt trời tiếp tục tăng nhờ vào các dự án mới hoàn thành vào năm 2019 và đầu năm nay, trong khi nhu cầu sản xuất điện từ khí và than dự kiến giảm ba điểm phần trăm, mức thấp nhất từ năm 2001.
Ngành năng lượng trên toàn cầu đang chịu cú sốc lớn nhất kể từ Thế chiến II và nhu cầu dự kiến sụt giảm 6% trong năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, theo IEA. Mức giảm tương đương với quy mô nhu cầu năng lượng của Ấn Độ, nền kinh tế tiêu thụ năng lượng nhiều thứ ba thế giới.
Tác động lên nhu cầu năng lượng phụ thuộc nhiều vào các biện pháp kiềm chế sự lây lan của COVID-19. Tính toán của IEA cho thấy cứ mỗi tháng phong tỏa sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu khoảng 1,5%.
Đây là một cú sốc lịch sử đối với toàn bộ ngành năng lượng, nhu cầu sụt giảm với các loại nhiên liệu chính như than, dầu và khí, Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, cho biết trong báo cáo đánh giá năng lượng toàn cầu phát hành cuối tháng 4.2020.
Ngay cả ngành sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo cũng chứng kiến mức tăng trưởng thấp hơn các năm trước, trong đó hạt nhân, nguồn năng lượng tái tạo chính, được dự báo giảm 3% trong năm nay sau khi đạt sản lượng cao nhất từ trước tới nay vào năm ngoái.
Các nguồn năng lượng tái tạo khác không dùng trong sản xuất điện như nhiên liệu sinh học cũng được dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm 2020 do hạn chế về vận chuyển và nhu cầu đi lại giảm.
Trường Bùi (Theo IEA)