Nhìn bề ngoài, dường như kinh doanh và làm người là hai việc hoàn toàn chẳng liên quan gì đến nhau. Làm người cần phải trung thực, còn làm kinh doanh lại muôn hình muôn vẻ. Nhưng trong cái trung thực có thể có chút linh hoạt, còn trong trạng thái muôn hình muôn vẻ thì không được đánh mất chính mình.
Trong thực tế, với mỗi công việc cụ thể đều không thể tách rời giữa đạo làm người và đạo kinh doanh. Đạo kinh doanh giống như chiếc bút, còn đạo làm người giống như thỏi mực, mực pha có chuẩn thì bút mới có thể vẽ ra một bức tranh đẹp.
Đạo kinh doanh
Ngày nay, làm một nhà kinh doanh là một điều đáng tự hào. Theo sự phát triển của kinh tế thị trường, thương nhân ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong xã hội, đây thuộc về vấn đề nhận thức. Chỉ khi nghiên cứu xã hội, kinh tế và nhân sinh một cách nghiêm túc mới có thể đảm bảo kinh doanh có hiệu quả.
- Kinh doanh cần phải biết vận dụng cái “trung thực” một cách linh hoạt và khéo léo. Phải biết dùng những phương thức thích hợp để đưa ra những nội dung thích hợp, với những người thích hợp, trong những thời điểm thích hợp.
- Không được để cho giả dối trở thành thói quen của bản thân. Nếu cứ quen nói những lời dối trá thì cho dù sau này có nói thật cũng chẳng ai tin. Nếu anh luôn nói những lời chân thực thì cho dù anh có nói một câu khoa trương một chút người ta cũng cho là thật.
Biểu hiện của nhà kinh doanh có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình kinh doanh, nếu biểu hiện tốt thì cho dù hàng có không tốt đi chăng nữa vẫn có thể bản được.
- Trong kinh doanh cũng cần phải dám bộc lộ điểm yếu. Đừng nên tỏ ra cái gì cũng giỏi, cũng hay, có thể thâu tóm được cả thiên hạ. Người hoàn mĩ thì không chân thực, kẻ có khiếm khuyết mới làm người ta cảm thấy đáng tin. Khi anh dám bộc lộ điểm yếu của mình trước người khác thì chẳng có lẽ nào khiến họ không tin. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là anh phải biết bộc lộ nhược điểm ở mức độ phù hợp, bộc lộ nhược điểm của bản thân phải đi đối với sự tự tin ở bản thân.
- Trong kinh doanh không nên sợ phải nhún mình. Khi đàm phán với khách hàng, nhà kinh doanh nên bắt đầu bằng sự khiêm tốn. Bán hàng nghĩa là cầu cạnh người khác, phải cầu cạnh người khác nghĩa là ở vào thế yếu, ở vào thế yếu thì phải nhún mình. Người Trung Quốc có một nhận thức mang tính truyền thống là phải mong mình kém hơn kẻ khác, kém hơn hắn, hắn mới chịu giúp mình. Nếu trong lòng lúc nào cũng muốn hơn kẻ khác, lấn át kẻ khác thì để đàm phán ắt sẽ thất bại. Nhưng khiêm tốn không được thái − quá, đừng để kẻ khác cảm thấy nhàm chán và coi thường khi nói chuyện với mình.
- Trong kinh doanh phải biết tìm ra điểm mạnh của đối phương. Đối phương luôn luôn hy vọng anh tôn trọng điểm mạnh của họ. Trước khi tiến hành đàm phán, bạn phải cố gắng hết sức thu thập những thông tin của phía đối phương, tìm ra những điểm mạnh mà họ thường tự hào. Sau đó, phải thổi phồng nó lên, làm cho đối phương cảm thấy vui vẻ, thỏa mãn, để anh ta cảm thấy bạn thực sự hiểu anh ta. Còn nếu gặp phải một đối thủ kiến thức phong phú thì bạn đành phải
huy động mọi kiến thức của mình để ứng phó.
Đạo làm người
Trên thương trường, sức cuốn hút của bản thân là điều rất quan trọng. Vì sao người ta lại thường thích nói chuyện với người này mà không thích nói chuyện với người kia? Điều này có nguyên do của nó. Thương trường trọng tín nghĩa, làm người phải rộng lượng, phóng khoáng chứ đừng nên cứng nhắc, hẹp hòi. Những người chỉ biết đến cái lợi của bản thân thì không thể có được sự ủng hộ của người khác.
- Làm người phải có tấm lòng rộng mở, có mục tiêu lâu dài, hai yếu tố này có quan hệ mật thiết với nhau. Có tấm lòng rộng mở mới có thể chiêu mộ hiền tài, có mục tiêu lâu dài thì mới không bị ảnh hưởng bởi những trở ngại trước mắt.
- Làm người phải khoan dung. Phải biết đối mặt với những ý kiến trái ngược nhau, phải hiểu được nỗi khổ của cấp trên tim cũng như cấp dưới. Trong bất cứ thời điểm nào, lòng tốt cũng là điều vô cùng quan trọng. Con người không nên sợ thiệt thòi, chịu thiệt thòi rồi có khi lại có được sự giúp đỡ của mọi người. Danh dự tạm thời bị tổn hại cũng không phải là điều đáng lo lắng quá, tương lai tươi đẹp mới là điều cần hướng tới.
- Làm người tâm tư phải trước sau như một. Muốn làm một việc lớn phải từ bỏ rất nhiều những sở thích cá nhân. Đừng vì những sở thích ấy mà tự cho phép mình phung phí thời gian và sức lực. Tôi không tin rằng trong cuộc sống, những kẻ sống tuỳ tiện, vô nguyên tắc lại có thể có được một sự nghiệp vẻ vang. Làm việc một cách nghiêm khắc, nhiệt tình rất có thể bị kẻ khác chê cười là “nhà sư khổ hạnh”, nhưng thành công luôn nằm dưới chân ta. Khi bạn đứng trên đỉnh cao của thành công, tự nhiên sẽ có được tiếng vỗ tay ngưỡng mộ của những kẻ đang leo núi.
- Làm người phải chú ý tu dưỡng. Tu dưỡng ở đây được hiểu ở hai khía cạnh, một là kinh nghiệm cuộc sống, sự tích luỹ những tri thức lý luận; hai là cách ăn mặc, sự rèn luyện khí chất, phong độ. Thiếu sót lớn nhất của các nhà doanh nghiệp ngày nay là ít học, mà cần phải học tập, rèn luyện nhiều thì tri thức và tầm nhìn mới theo kịp bước tiến của thời đại khoa học kỹ thuật. Có được kiến thức phong phú, bạn mới có thể nói năng một cách lưu loát, mới có thể có được mối quan hệ giao lưu rộng rãi. Ngoài ra, còn phải chú ý cử chỉ, lời ăn tiếng nói cũng như tư thế, tác phong. Nếu ngồi ở chỗ nào cũng rung đùi, thuốc lá tiện đâu gạt đấy, thoáng qua đã thấy thiếu tác phong xã giao. Lịch lãm phong độ, nói năng đúng mực mới thể hiện được khí phách, tác phong của tầng lớp trí thức. Nhân cách luôn quyết định sự thành bại trong kinh doanh.