Mức xử phạt từ 100 - 200 triệu đồng cho các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm liệu có sức răn đe?

Luật sư Nguyễn Hồng Lâm – Đoàn Luật sư TP.HCM

27/12/2023 09:32

Thời gian qua, việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữ người dân và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này diễn ra ngày càng nhiều. Phần lớn người dân sẽ chịu thiệt trước các công ty bảo hiểm. Dưới góc nhìn pháp luật, Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý xin giới thiệu ý kiến của Luật sư Nguyễn Hồng Lâm về mức xử phạt tại dự thảo Nghị định sửa đổi quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm được Bộ Tài chính công bố rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp.

Ai trong chúng ta chưa từng nhận một cuộc gọi của tư vấn viên bảo hiểm (nhất là Bảo hiểm nhân thọ)? Nhiều khả năng sau khi nghe họ tư vấn, bạn sẽ đồng ý rút hầu bao mua lợi ích thiết thực cho mình và gia đình (bài viết này không nhằm phê phán việc mua bảo hiểm và có quan điểm rằng đây là một giao dịch có lợi cho cả gia đình và xã hội).

Nhưng không phải những lời tư vấn lúc nào cũng đúng. Đã có nhiều trường hợp “dở khóc dở cười” khi yêu cầu thanh toán tiền bảo hiểm vì người mua cho rằng mình được nhận quyền lợi, căn cứ trên những lời tư vấn (sai) đã nghe khi mua bảo hiểm, mà không đọc kỹ Hợp đồng bảo hiểm vốn khá rắc rối với nhiều thuật ngữ chuyên môn khó hiểu.

411605131-1540768400042441-3751249602451861305-n-1703644126.jpeg
Liệu mức xử phạt từ 100 - 200 triệu đồng có tạo sự răn đe đối với các công ty bảo hiểm?

Thời gian gần đây, dự thảo Nghị định sửa đổi quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm được Bộ Tài chính công bố rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp.

Đáng chú ý, mức xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm (bao gồm cả tư vấn sai về bảo hiểm) được sửa đổi lên mức tối đa 100 triệu đồng (đối với doanh nghiệp bảo hiểm trong nước) và 200 triệu đồng (đối với doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài).

Khó mà cho rằng cứ phạt nhiều thì sẽ chấm dứt được vi phạm (các mức phạt nồng độ cồn trong giao thông là ví dụ điển hình). Tuy nhiên mức phạt vi phạm phải phù hợp thực tế và đặc biệt là mang tính răn đe thì mới góp phần làm giảm vi phạm. Nhìn qua mức phạt 100 triệu đồng và 200 triệu đồng nêu trên thì thấy rõ là chưa thực tế và chưa thể có sức răn đe đối với các công ty bảo hiểm có doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm (dĩ nhiên không phải công ty nào cũng cố tình làm sai để rồi nộp phạt).

Một thiếu sót nữa trong dự thảo là chỉ quy định mức xử phạt đối với các công ty mà không xem xét trách nhiệm cá nhân (các tư vấn viên bảo hiểm). Đánh vào túi tiền của các cá nhân tư vấn chắc chắn sẽ làm giảm (nếu không nói là chấm dứt) tình trạng tư vấn bất chấp để đạt mục đích có được hợp đồng bảo hiểm.

Nên chăng ngoài các con số đã nêu, thì dự thảo cần bổ sung mức xử phạt theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với tổng giá trị hợp đồng (người viết nhận thấy con số 50% là phù hợp) để các doanh nghiệp bảo hiểm thận trọng hơn đối với các hợp đồng bạc tỷ?

Luật sư Nguyễn Hồng Lâm – Đoàn Luật sư TP.HCM