Miễn dịch tự nhiên ở người tiêm vaccine ra sao?

GS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales )

10/11/2021 15:28

Chúng ta biết rằng người từng bị nhiễm nCov sẽ có miễn dịch tự nhiên. Câu hỏi đặt ra là nếu họ tiêm vaccine thì nguy cơ tái nhiễm ra sao so với những người không từng bị nhiễm nCov?

Tuần qua, JAMA công bố một nghiên cứu [1] trả lời câu hỏi này, và kết quả cho thấy tiền sử nhiễm quả thật là một yếu tố bảo vệ giảm nguy cơ tái nhiễm. Nghiên cứu thực hiện ở Qatar, nơi mà dân chúng được tiêm 2 loại vaccine AstraZeneca (AZ) và mRNA. Nghiên cứu này được thiết kế khá phức tạp, nhưng có thể tóm lược như sau. Họ có hai quần thể bệnh nhân đã được tiêm 2 liều vaccine:

• Nhóm tiêm vaccine AZ;

• Nhóm tiêm vaccine mRNA.

Sau đó, họ chia mỗi nhóm thành 2 nhóm nhỏ:

• Nhóm 1 là những người đã từng bị nhiễm nCov;

• Nhóm 2 (có thể xem như nhóm chứng) là những người không có tiền sử bị nhiễm.

 

255973433-1356953734751940-1392869989748597851-n-1636529619.jpgTóm tắt nghiên cứu từ Qata: hai nhóm người được tiêm vaccine AZ (bên trái) và mRNA (bên phải). Ở cả hai nhóm, người từng bị nhiễm có tỉ lệ tái nhiễm chừng 0.11-0.15%, nhưng người chưa từng bị nhiễm thì tỉ lệ nhiễm đột phá là từ 3 đến 8 trên 1000 người.

Họ theo dõi các 'bệnh nhân' này trong vòng 120 ngày xem có bao nhiêu người bị nhiễm trong mỗi nhóm. Nếu miễn dịch tự nhiên có khả năng bảo vệ thì Nhóm 1 phải có xác suất nhiễm thấp hơn Nhóm 2. Kết quả có đúng như giả thuyết đó không? Tôi tóm tắt kết quả của nghiên cứu trong giản đồ dưới đây:

• Ở những người tiêm vaccine AZ, những người có tiền sử nhiễm nCov có xác suất tái nhiễm là 0.15%; còn những người không có tiền sử nhiễm thì xác suất nhiễm [đột phá] là 0.83%. Tỉ số nguy cơ là 0.18.

• Ở những người tiêm vaccine mRNA, những người có tiền sử nhiễm nCov có xác suất tái nhiễm là 0.11%; còn những người không có tiền sử nhiễm thì xác suất nhiễm đột phá là 0.35%. Tỉ số nguy cơ là 0.35.

Những kết quả trên cho thấy tiền sử nhiễm nCov là yếu tố làm giảm nguy cơ nhiễm đột phá lên đến ~80%. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy nguy cơ nhiễm đột phá (ở những người không có tiền sử nhiễm nCov) có thể dao động trong khoảng 3 đến 8 trên 1000.

Nhưng đó là tình hình bên Qata, chúng ta chưa biết ở Việt Nam thì tình hình sẽ ra sao. Hiện nay, tỉ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine ở Việt Nam đã lên đến 40% (theo số liệu của VNexpress 9/11). Một số nơi có tỉ lệ bao phủ trên 70% là Long An (100%), Khánh Hoà (94%), Quảng Ninh (87%), HCM (81%), Đồng Nai (80%), Lạng Sơn (73%), và Bình Dương (72%).

Câu hỏi đặt ra là tỉ lệ nhiễm đột phá ở những nơi này ra sao và ai là người thuộc nhóm có nguy cơ cao. Tôi nghĩ đó là một đề tài nghiên cứu thú vị có thể thực hiện được.

254980709-1356953761418604-5982739361779920273-n-1636529619.jpgBiểu đồ thể hiện tỉ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine tại 63 tỉnh/thành, tính đến ngày 9/11/2021. Tính chung cả nước, có 40% dân số đã được tiêm 2 liều vaccine. Số liệu lấy từ vnexpress.net/covid-19/vaccine.

______

[1] Abu-Raddad et al JAMA 1/11/2021

[2] https://vnexpress.net/covid-19/vaccine (9/11/2021)

GS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales )
Bạn đang đọc bài viết "Miễn dịch tự nhiên ở người tiêm vaccine ra sao?" tại chuyên mục Sức khỏe.