Làm gì để thúc đẩy xuất nhập khẩu Quảng Bình phát triển?

Đinh Loan

18/07/2024 11:00

Thị trường xuất khẩu của Quảng Bình chủ yếu vẫn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc, Thái Lan, Lào. Tuy nhiên, hiện nay diễn biến giá cả và tăng thuế xuất khẩu làm cho giảm hoạt động xuất khẩu của một số mặt hàng trên địa bàn, thị trường Quảng Bình và các tỉnh lân cận quy mô nhỏ, nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nguyên liệu đầu vào và thị trường sản phẩm đầu ra còn hạn chế...

Xuất nhập khẩu ưu tiên phát triển các mặt hàng chủ lực như: Thủy hải sản, tinh bột sắn, nông sản, sản phẩm gỗ...

Theo thông tin từ Sở Công Thương Quảng Bình, hiện nay số lượng doanh nghiệp của tỉnh Quảng Bình tham gia hoạt động xuất nhập khẩu là khoảng 45 đơn vị, thị trường chủ yếu là các nước Đông Nam Á (hưởng các ưu đãi từ Hiệp định ATIGA), có một số ít các doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, còn lại phần lớn được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch hoặc xuất ủy thác qua các đơn vị trung gian với thị trường chính là Trung Quốc.

Các hình thức xuất khẩu trong thương mại biên giới qua địa bàn tỉnh chủ yếu là xuất khẩu kinh doanh, xuất khẩu hàng có nguồn gốc nhập khẩu, xuất khẩu ủy thác, xuất khẩu hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất. Bên cạnh đó, một số cơ sở kinh doanh buôn bán sản phẩm nông sản chủ yếu được thu mua bán lại cho doanh nghiệp xuất khẩu của các tỉnh hoặc tham gia hoạt động trao đổi mua bán với thị trường Lào, Đông bắc Thái Lan thông qua cư dân biên giới (5 tháng đầu năm 2024 UBND tỉnh Quảng Bình công bố danh sách thương nhân được hoạt động thương mại biên giới cho 04 thương nhân).

c73f39ffb552170c4e43-1721274687.jpg
Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Bình (áo trắng) chia sẻ về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, thương mại của tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua.

Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, hàng hóa chủ lực và có nhiều tiềm năng xuất khẩu của tỉnh gồm: Thuỷ sản chế biến, nông sản, nhựa thông, cao su, tinh bột sắn, chế biến gỗ, xi măng, phân bón, sản phẩm may mặc, vật liệu xây dựng…, Một số công ty chế biến thuỷ sản đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm an toàn thực phẩm quốc tế (HACCP) và xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc. Cụ thể, Thủy hải sản, có sản lượng bình quân hàng năm khoảng 122.000 tấn, các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như tôm, cá, mực đông lạnh, chả cá đông lạnh... Sắn nguyên liệu, ổn định diện tích sắn nguyên liệu, đến năm 2030 đạt 6.500ha, đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột trên địa bàn. Mặt hàng Gỗ các loại cũng là mặt hàng xuất khẩu có hiệu quả của tỉnh, sản lượng nguyên liệu gỗ rừng trồng bình quân 500.000m3/năm.

Hiện nay tỉnh Quảng Bình đang tập trung triển khai đưa vào hoạt động các dự án gỗ MDF, gỗ OKAL và viên nén năng lượng đã được cấp chủ trương đầu tư; hoàn thành giai đoạn 2 các Nhà máy sản xuất gỗ ván ép Quảng Phát, Trường Thành và Thăng Long. Đến năm 2030, xúc tiến kêu gọi và đưa vào đầu tư 3-4 nhà máy sản xuất gỗ MDF và ván sàn tại các Khu công nghiệp của tỉnh, công suất 100.0000 m3/nhà máy/năm. Công nghiệp dệt, may, phát huy công suất các nhà máy may hiện có, với công suất 3-4 triệu sản phẩm/nhà máy/năm. Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng may xuất khẩu đạt 30 triệu sản phẩm; Đến năm 2030 đạt 45 triệu sản phẩm. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản lượng xi măng các loại đạt 6 triệu tấn; đến năm 2030 sản lượng đạt 9 triệu tấn.

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hàng hoá, hồ sơ thủ tục pháp lý khi tham gia thị trường xuất khẩu

Ông Phan Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình nếu rõ, Quảng Bình thông qua các kế hoạch trên để tập trung phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, xây dựng mặt hàng chủ lực dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh phục vụ cho xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hàng hoá, hồ sơ thủ tục pháp lý khi tham gia thị trường xuất khẩu; Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế gắn kết chặt chẽ với phát triển bền vững.

Mở rộng quy mô, ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: Thủy hải sản, tinh bột sắn, nông sản, sản phẩm gỗ; sản phẩm may mặc, phân bón, xi măng, khoáng sản; chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Quảng Bình.

Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao công nghệ hiện đại trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; nâng cao chất lượng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, tăng số lượng xuất khẩu chính ngạch, phát triển thương hiệu sản phẩm, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khai thác, mở rộng các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, cửa khẩu, hạ tầng kho bãi, cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp; Lập danh mục các dự án ưu tiên để kêu gọi thu hút đầu tư Trung tâm logistics hạng II tại Khu kinh tế Hòn La và cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Trung tâm logistics cấp tỉnh, hệ thống kho phân phối, trung tâm logistics cấp huyện gắn các cụm công nghiệp và các khu vực sản xuất hàng hóa tập trung nhằm nâng cao hiệu quả kết nối giao thương giữa tỉnh Quảng Bình với các địa phương vùng Duyên hải Trung bộ Việt Nam với các tỉnh của Lào; Đông Bắc Thái Lan; Myanma trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu; đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật về hải quan đáp ứng yêu cầu của các FTA; hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp để kịp thời tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại nhằm phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại, thâm nhập các thị trường mới, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu truyền thống.

Ông Trần Văn Tráng - Phó Cục Trưởng Cục Hải quan Quảng Bình cho biết, hoạt động XNK của cả nước và qua địa bàn Quảng Bình tiếp tục được tạo thuận lợi và có chiều hướng tăng lên. Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu máy móc, thiết bị về cảng Hòn La đã tạo nguồn thu đột phá cho năm 2024. Mặt khác, việc mặt hàng nước tăng lực trước đây được nhập khẩu qua cửa khẩu Cầu Treo nay chuyển qua cửa khẩu Cha Lo với số lượng lớn (do tuyến đường phía cửa khẩu Cầu Treo bị hư hỏng nặng) cũng là một yếu tố tăng thu ngân sách trên địa bàn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại Cảng biển Hòn La còn hạn chế, cầu cảng chưa đáp ứng nhu cầu, khả năng cập cảng và bốc xếp hàng hóa; diễn biến giá cả và tăng thuế xuất khẩu làm giảm hoạt động xuất khẩu của một số mặt hàng trên địa bàn; thị trường Quảng Bình và các tỉnh lân cận quy mô nhỏ, nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nguyên liệu đầu vào thị trường sản phẩm đầu ra còn hạn chế...

Tìm giải pháp...

Nhằm thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ phát triển xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng và các tỉnh, thành phố khu vực Bắc trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung, ngành Công Thương tỉnh Quảng Bình đưa ra kiến nghị với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan một số nội dung sau như:

Đề nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Giao thông Vận tải, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố khu vực Bắc trung bộ và duyên hải Trung bộ trong việc kêu gọi xúc tiến đầu tư xây dựng Hệ thống cảng biển theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Hệ thống các dịch vụ Logicstic theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

8071f27362c8c09699d9-1721274891.jpg
Hoạt động kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu của Hải quan Quảng Bình.

Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực Bắc trung bộ và duyên hải Trung bộ trong việc lập quy hoạch và tổ chức xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, cấp mã vùng trồng, chứng chỉ rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để tận dụng các tiềm năng, thế mạnh của vùng trong sản xuất, chế biến các mặt hàng xuất khẩu về nông, lâm, thủy hải sản.

Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính (Tổng cục Hải Quan) hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực Bắc trung bộ và duyên hải Trung bộ về các cơ chế, chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế xuất khẩu; các thủ tục hải quan về xuất nhập khẩu, các quy định liên quan đến thương mại biên giới và cửa khẩu.

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố khu vực Bắc trung bộ và duyên hải Trung bộ tổ chức các Hội nghị và đối thoại chuyên đề về: kinh tế biển; phát triển hệ thống dịch vụ logicstic; kinh tế cửa khẩu gắn với phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây theo tinh thần của Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến Thương mại tiếp tục phê duyệt hỗ trợ tỉnh Quảng Bình các chương trình, đề án đăng ký hàng năm về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kinh nghiệm cho các đơn vị doanh nghiệp trong tỉnh về xuất, nhập khẩu; hội nhập kinh tế quốc tế; tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương cấp khu vực trong nước và quốc tế.

Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện, hướng dẫn hỗ trợ cập nhật thông tin và giới thiệu tỉnh Quảng Bình trên Cổng thông tin Xúc tiến đầu tư vào Công nghiệp Việt Nam (investvietnam.gov.vn), kết nối cơ sở dữ liệu vùng sản xuất và nguyên liệu với đối tác nước ngoài, giới thiệu thế mạnh của Quảng Bình trên nền tảng số, hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản của tỉnh tham gia giao dịch tại sàn thương mại điện tử; tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Bình tham gia các chương trình ngày mua sắm trực tuyến, tham gia Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số (DECOBIZ) và kinh doanh kết nối với thị trường xuất khẩu trên nền tảng online.

Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) 05 tháng đầu năm 2024 là 230 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu 78,7 triệu USD, nhập khẩu 154,4 triệu USD. Hàng hóa xuất khẩu gồm: Vật liệu xây dựng, dăm gỗ, gỗ chế biến, hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, hàng may mặc…

Hàng hóa nhập khẩu gồm: Trái cây các loại, trâu bò sống, lợn sống, gà sống, phân bón kali, gạo các loại, thiết bị nhập khẩu phục vụ đầu tư các dự án, nguyên liệu sản xuất… Hoạt động XNK qua các cửa khẩu trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 có trị giá hàng hóa XNK trên 907,9 triệu USD (XK: 58,1; NK: 305,4; QC: 544,0)( Năm 2023, trị giá hàng hóa đạt 2.175 triệu USD, trong đó xuất khẩu 125 triệu USD; nhập khẩu 420 triệu USD, quá cảnh 1.630 triệu USD).

Đinh Loan