Kinh tế học thường được cho là ngành khoa học u buồn và các nhà kinh tế học thường là những người bi quan, ít khi đưa ra những dự báo tươi đẹp ngay cả trong những điều kiện thuận lợi. Có lẽ do ngành kinh tế học vốn được hình thành trên cơ sở giải quyết hai bài toán của xã hội là cách thức tồn tại với sự khan hiếm nguồn lực hiện tại và dự báo những rủi ro trong tương lai.
Khởi đầu năm 2020 thế giới đã có cả hai điều đó. Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 treo lơ lửng trên đầu các nền kinh tế với sự sụt giảm nguồn cung hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng và rủi ro bệnh dịch có nguy cơ bùng phát quy mô toàn cầu. Nhưng bất chấp nỗi sợ, các hoạt động kinh tế dù bị thu hẹp, nhưng vẫn phải diễn ra.
Cho đến giờ, ít nhất chúng ta có một tín hiệu lạc quan là Việt Nam đang là một trong những nước ứng phó tốt nhất và ngăn chặn hiệu quả sự lây lan bùng phát của dịch bệnh. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại vẫn chưa thể xác định bệnh khi nào chấm dứt. Tại thời điểm bắt đầu, mối đe dọa đến sức khỏe con người luôn là trọng tâm chú ý trong các chính sách chứ không phải thiệt hại về kinh tế. Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra đặc điểm kinh tế lâu dài của đại dịch là tỉ lệ tử vong do nó gây ra, nếu có. Chi phí ngắn hạn chủ yếu gồm việc cắt giảm chi tiêu và sự tụt giảm sản lượng do lực lượng lao động vắng mặt tại nơi làm việc. Phần lớn mức giảm GDP cũng có thể phục hồi trong các giai đoạn tiếp theo từ chu kỳ kinh doanh bình thường.
Tuy nhiên, nguy cơ lớn hơn và có thể để lại hậu quả lâu dài về mặt kinh tế mà nhiều chuyên gia đã chỉ ra là nguy cơ về sự đứt gãy của chuỗi cung ứng. Nguy cơ này lớn dần lên cùng với mức độ toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới. Sự thiếu hụt nguyên liệu kéo dài và sự cắt giảm sản lượng đầu ra có nguyên nhân từ việc đóng cửa hệ thống giao thông có thể dẫn đến nguy cơ sụp đổ của nhiều doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng. Để khắc phục những đứt gãy này sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Trong ngắn hạn, sẽ rất khó khăn để các cơ quan ra chính sách có thể hành động cân bằng giữa việc vượt qua nỗi sợ và duy trì sự kết nối, giữa mục tiêu sức khỏe người dân và các mục tiêu kinh tế. Đây sẽ là thách thức không nhỏ của các nền kinh tế trong tương lai.
Tường Minh