Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam cán mốc 500 tỉ USD

minhtam

28/12/2019 15:51

Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam xác lập kỷ lục mới với 517 tỷ USD. Giá trị xuất siêu ở mức 9,9 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết GDP Việt Nam năm 2019 tính theo giá hiện hành đạt 6.037 nghìn tỉ đồng, tương đương 267 USD, tăng gần 9% so với năm 2018, chưa tính lạm phát.

Như vậy, năm 2019, độ mở của nền kinh tế, tính theo tỉ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên GDP, đạt mức 194%, tức kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi quy mô nền kinh tế năm 2019. Năm 2018, độ mở nền kinh tế Việt Nam là 196%. Chỉ số này là 200% vào năm 2017, qua đó đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế mở nhất thế giới, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Bến bãi container diện tích gần 400.000 m2 của Viconship - doanh nghiệp cảng biển tại Hải Phòng (Ảnh: Viconship)
Bến bãi container diện tích gần 400.000 m2 của Viconship - doanh nghiệp cảng biển tại Hải Phòng (Ảnh: Viconship)

"Khi đã trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, Việt Nam dễ bị tổn thương do những biến động bên ngoài, nhất là khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang và thanh khoản trên toàn cầu bị thắt lại", ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank Việt Nam nhận định qua ấn phẩm phát hành hồi đầu năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần lưu ý với các cơ quan Chính phủ không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành khi độ mở nền kinh tế quá lớn, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp.

Dù vậy, theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành & doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin & Dự báo xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn là điều không thể tránh khỏi. Với sự tham gia đầu tư lớn của khu vực FDI (vốn thực hiện năm 2019 là 20,4 tỉ USD), việc gia tăng xuất nhập khẩu là tất yếu. Mặt khác, ông Thắng nhìn nhận, với thặng dư thương mại cao (9,9 tỉ USD), Việt Nam có thể chủ động hơn trong chính sách tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối. Đây sẽ là tiền đề để hi vọng năm 2020 tỷ giá không có nhiều biến động.

6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD
6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam ước tính đạt 263 tỉ USD với 32 nhóm mặt hàng có trị giá trên 1 tỉ USD. Trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 51,8 tỉ USD, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Từ giữa năm, một loạt các doanh nghiệp dệt may kêu khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Kết quả, ngành dệt này vẫn xuất khẩu 32 tỉ USD trong năm 2019, tăng trưởng 6%, dù thấp hơn mục tiêu 40 tỷ USD đặt ra hồi đầu năm.

Nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản chiếm hơn 50% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm 38%. Còn lại là hai nhóm hàng nông, lâm sản và thủy sản. Hai nhóm này xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 60,7 tỉ USD, chiếm 23% tổng kim ngạch, tăng 27,8% so với năm trước. Thặng dự hàng xóa xuất khẩu sang thị trường này ở mức 46,4 tỉ USD.

Về nhập khẩu, Việt Nam vẫn nhập chính các mặt hàng phục vụ sản xuất như điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện; vải; sắt thép; chất dẻo...

Thái Hoàng

minhtam