Kế hoạch "phép màu Thâm Quyến" trong cải cách kinh tế Trung Quốc

caodung

15/10/2020 15:43

Thành phố Thâm Quyến sẽ được nhiều quyền tự trị hơn để hoàn thành nhiệm vụ trở thành nơi tạo ra đổi mới công nghệ hàng đầu thế giới.

Trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) ngày 14.10.2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập một số vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối mặt vào thời điểm “hỗn loạn và thay đổi nhanh chóng”, đồng thời đề ra sáu nhiệm vụ cho siêu đô thị phía Nam này trở thành nơi khởi nguồn của các đổi mới tầm cỡ quốc tế và hình mẫu cho cải cách kinh tế.

Theo đó, Trung Quốc tiếp tục thực hiện “mô hình lưu thông kép” (dual cycle model), tức tiếp tục hội nhập vào nền kinh tế thế giới, mặc dù kế hoạch này nhấn mạnh đến tăng trưởng trong nước.

Hiển nhiên, dù không được đề cập, khó khăn do các lệnh trừng phạt và áp lực của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc chính là bối cảnh thành phố Thâm Quyến được giao trọng trách “nắm bắt nền tảng đổi mới công nghệ và công nghiệp” và xây dựng chuỗi cung ứng cho các ngành công nghệ cao.

“Thâm Quyến cần xây dựng cơ sở vững chắc cho công nghệ và đổi mới với tầm ảnh hưởng toàn cầu. Thành phố nên lập kế hoạch nuôi dưỡng các ngành công nghiệp mới với tầm nhìn xa và để phát triển một nền kinh tế kỹ thuật số”, theo lời phát biểu của ông Tập. Ông cũng kêu gọi Thâm Quyến đẩy nhanh quá trình “thương mại hóa” các đột phá khoa học. Ngoài nguồn vốn dành cho nghiên cứu do trung ương phân bổ, Thâm Quyến được thúc đẩy tự tìm cách mở rộng nguồn quỹ nghiên cứu từ thị trường, bao gồm cả các nhà đầu tư tư nhân, sao chép quy trình đã sử dụng từ lâu ở Thung lũng Silicon.

Thành phố trước đây là một làng chài nhỏ, hiện là một siêu đô thị sầm uất, Thâm Quyến được lựa chọn để thí điểm chính sách cải cách kinh tế Trung Quốc đang thử nghiệm. Trong kế hoạch sẽ kéo dài năm năm, Thẩm Quyến được quyền tự quyết nhiều vấn đề chính sách địa phương như sử dụng đất đai, tuyển dụng nhân tài quốc tế, công nghệ, v.v. mà không cần thông qua chính quyền tỉnh hay trung ương.

Sáng kiến cải cách quan trọng nhất trong kế hoạch liên quan đến đất đai, nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm ở Thâm Quyến. Thành phố, với diện tích hành chính chỉ bằng 1/3 Thượng Hải và 1/8 so với Bắc Kinh, sẽ có quyền tự chủ chuyển đổi và sử dụng đất nông nghiệp cho các mục đích công nghiệp và đất ở theo thẩm quyền của mình mà không cần thông qua chính quyền tỉnh và trung ương.

Đất ở Thâm Quyến dành cho nhà ở chỉ chiếm 22,6% tổng nguồn cung đất cho phát triển, khiến thành phố này trở thành một trong những nơi ở đắt đỏ nhất Trung Quốc với dân số chính thức là hơn 12,5 triệu người, theo quy hoạch phát triển nhà ở của thành phố đến năm 2020 được công bố vào tháng Tư. Thâm Quyến không được “thêm đất” bằng cách sáp nhập các thị trấn lân cận vào lãnh thổ, nhưng đã được bật đèn xanh cho một thị trường đất đai tự do hơn.

Cuộc đấu giá đất đầu tiên diễn ra ở Thâm Quyến vào năm 1987 - thời điểm mà việc mua bán đất đai vẫn bị cấm theo hiến pháp của Trung Quốc. Nhưng những cuộc đấu giá như vậy sau đó đã được triển khai trên toàn quốc và trở thành một yếu tố quyết định trong quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế của Trung Quốc.

“Chính phủ Trung Quốc nhận thức khá rõ rằng công nghệ phần lớn đến từ khu vực tư nhân”, theo Jean-Pierre Cabestan, giáo sư chính trị Trung Quốc tại Đại học Baptist Hồng Kông. “Chính phủ Trung Quốc nhận thức khá rõ rằng công nghệ phần lớn đến từ khu vực tư nhân. Thâm Quyến và các công ty công nghệ của thành phố là “một phần thiết yếu” của nỗ lực cải cách kinh tế để vượt qua và bắt kịp các nước phương Tây trong lĩnh vực công nghệ cao”.

Cao Dung (theo SCMP The New York Times)

caodung