Cổ phiếu ngành thép tiếp tục duy trì ‘’phong độ’’ ấn tượng kể từ đầu năm khi hàng loạt các mã đầu ngành tăng giá mạnh và liên tục thiết lập đỉnh mới.
Đóng cửa tuần qua, cổ phiếu NKG của Nam Kim đã tăng lên mức cao nhất lịch sử tại đạt gần 52.000 đồng/cp. Chỉ tính riêng trong vòng chưa đầy 3 tháng, giá cổ phiếu này đã tăng gần gấp đôi từ mức 26.000 đồng ghi nhận vào cuối tháng 7.
HSG cũng duy trì nhịp tăng mạnh trong vòng 3 tháng qua và chính thức vượt mức 50.000 đồng/cp. Tính từ trung tuần tháng 7, cổ phiếu này đã có được tỷ suất sinh lời trên 50%.
Tương tự, cổ phiếu HPG của Hòa Phát cũng liên tục tăng giá mạnh trong tháng 10 và chính thức đỉnh xác lập vào đầu tháng 6. Kể từ đầu năm, thị giá HPG đã tăng hơn 90% và tăng 176% trong vòng 1 năm qua.
Cổ phiếu ngành thép đã quay lại mạnh mẽ trong thời gian gần đây khi cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới và diễn biến giá tôn, thép đang hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Theo VnDirect, việc thiếu điện tại Trung Quốc đã dẫn tới hệ luỵ các ngành thâm dụng điện như ngành thép phải thu hẹp sản xuất. Nguồn cung giảm quá nhanh đã gây thiếu hụt nguồn cung thép tạm thời bất chấp ngành xây dựng tại quốc gia tỷ dân chậm lại.
Trong khi đó, sản lượng thép Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong tháng 8-9 so với giai đoạn tháng 5-7 trước đó, cùng lúc thời điểm các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) tại Trung Quốc bị yêu cầu cắt giảm công suất do thiếu điện. Vì vậy, nhóm phân tích tin rằng các nhà xuất khẩu thép Việt Nam đang được hưởng lợi khi quốc gia láng giềng thiếu hụt nguồn cung tạm thời.
Với mảng thép xây dựng, theo ban lãnh đạo của Hoà Phát, sản lượng tiêu thụ phôi thép của công ty trong tháng 9 đạt 140.000 tấn, tăng mạnh so với mức 164.000 tấn trong 4 tháng từ tháng 5 - 8. Trong đó, sản lượng xuất khẩu phôi thép đi Trung Quốc chiếm tỷ trọng chủ yếu. Do đó, VNDirect cho rằng Hoà Phát đang được hưởng lợi lớn từ việc thiếu hụt nguồn cung thép tạm thời tại Trung Quốc.
Trong mảng tôn mạ gồm Hoa Sen và Nam Kim,Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu chủ yếu của hai đơn vị này trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, sản lượng thép tại Trung Quốc thấp hơn có thể gián tiếp giảm áp lực cạnh tranh đối với sản phẩm xuất khẩu của Hoa Sen và Nam Kim. Do đó, hai doanh nghiệp tôn mạ hàng đầu Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhẹ.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích cũng lưu ý rằng trạng thái cân bằng cung - cầu các sản phẩm thép, xi măng có thể sẽ sớm được thiết lập trong năm 2022 khi giới chức Trung Quốc đang đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu hụt điện hiện nay như tăng sản lượng khai thác than nội địa; tăng giá thu mua điện, hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện hoạt động trở lại,…
Cùng với khủng hoảng điện tại Trung Quốc, ‘’cơn sốt’’ khí đốt tại Châu Âu cũng đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thế mạnh xuất khẩu như Hoa Sen và Nam Kim mở rộng biên lợi nhuận.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết chi phí sản xuất thép ở châu Âu đang tăng lên do giá năng lượng cao vì thiếu khí đốt. Điều này khiến các nhà sản xuất thép châu Âu như ArcelorMittal và British Steel áp mức phụ phí năng lượng tạm thời lần lượt là 58 USD và 34 USD cho mỗi tấn thép.
Cuộc khủng hoảng năng lượng có thể sẽ tiếp tục ở khu vực này do nhu cầu thường tăng vào mùa đông. Trong khi đó, giá HRC tại Bắc Mỹ vẫn giữ xu hướng tăng so với tháng trước, trong khi giá giảm nhẹ tại Việt Nam. Điều này khiến chênh lệch giá HRC giữa khu vực này và Việt Nam tăng từ 1.020 USD vào đầu tháng 7 lên 1.285 USD/tấn vào đầu tháng 10.
‘’Với chi phí sản xuất cạnh tranh, NKG có thể đạt biên lợi nhuận gộp cao tại các thị trường này trong 2-3 quý tới’’, VDSC nhận định.
Theo VDSC, các nhà xuất khẩu thép của Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trong những năm tới tại thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ nhờ các chính sách môi trường ít nghiêm ngặt hơn, cùng với giá nhân công và giá điện thấp hơn.