Chân dung nhà sáng lập Sharp - tượng đài công nghệ danh tiếng thế giới

Nguyên Thảo

03/10/2021 08:10

Thiếu vắng Tokuji Hayakawa, Sharp giờ đây chỉ còn là một tập đoàn Trung Quốc núp bóng dưới quá khứ thành công của một thương hiệu Nhật Bản.

1-1633053120.jpg

Cha mẹ mất sớm, bỏ học từ lúc 8 tuổi nhưng Tokuji chưa bao giờ khuất phục số phận. Ông đã không ngừng phát minh ra những sản phẩm chất lượng và mang tính độc đáo với tiêu chí “tạo ra những sản phẩm mà công ty khác phải bắt chước làm theo”. Chính yếu tố đó đã đưa tập đoàn Sharp trở thành một“ông lớn công nghệ”  có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tại Nhật Bản.

Nỗ lực vươn lên của cậu bé mồ côi

Tokuji Hayakawa sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Đến năm 2 tuổi, ông được nhận nuôi bởi một gia đình của một cửa tiệm phân bón do gia đình ông không còn đủ điều kiện để nuôi dưỡng. Đến năm 6 tuổi, cha ruột của ông qua đời, nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai đến năm 9 tuổi mẹ ông cũng qua đời vì bạo bệnh.

Do không thể tiếp tục đến trường nên ông đã xin vào làm công tại một xưởng gia công kim loại. Tại đây, Tokuji đã được chỉ dạy những điều cơ bản về kỹ thuật gia công. Tuy nhiên, cuộc đời học nghề của ông cũng không thuận buồm xuôi gió. Ông chủ của ông đã bị thất bại trong một dự án kinh doanh và lâm vào tình cảnh khó khăn, Tokuji đã quyết tâm ở lại để giúp đỡ ông chủ của mình. Tokuji đã vật lộn để đi bán từng sản phẩm bị lỗi và nhờ vậy ông đã học được những thủ thuật buôn bán và nắm bắt tâm lý khách hàng.

2-1633053247.jpg

Sau khi kết thúc quá trình làm việc và học hỏi tại xưởng gia công. Tokuji quyết định bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Phát minh đầu tiên của ông chính là chiếc thắt lưng lấy cảm hứng từ một bộ phim mà ông đã xem. Chiếc thắt lưng có thể buộc chặt theo bất kỳ độ dài nào. Ngoài ra, ông cũng đã phát triển một chiếc khóa sử dụng con lăn để thắt chặt thắt lưng mà không làm thủng nó. Ông đã nộp đơn xin bằng sáng chế vào năm 1912 và đặt tên là “Tokubijo”.Sản phẩm của ông đã nhanh chóng được ưa chuộng trên khắp Nhật Bản.

Tháng 9 năm 1912, ông đã vay một số vốn để thành lập một cơ sở sản xuất cho riêng mình. Và đó cũng chính là bước đệm để thành lập nên tập đoàn Sharp danh tiếng.

Từ cây bút chì kim đến tập đoàn Sharp lừng lẫy

Năm 1915, ông phát minh ra cây bút chì cơ và đặt tên là Ever-Sharp và sản phẩm này đã được xuất khẩu sang Mỹ. Sau khi việc kinh doanh bút chì của ông gặp khó khăn do ảnh hưởng của một trận động đất lớn vào năm 1923, ông đã chuyển công ty đến Osaka và đặt tên cho công ty là “Hayakawa Metal Works”. Năm 1924, ông bắt đầu sản xuất chiếc radio đầu tiên của Nhật Bản và sản phẩm được ra mắt vào năm 1925.

 

Đến năm 1942, Tokuji tiếp tục đổi tên công ty thành "Hayakawa Electric Industry Company". Năm 1953, công ty phát triển chiếc máy tính bán dẫn đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, do công ty vẫn chưa có kinh nghiệm trong việc sản xuất máy tính nên đã mất khoảng vài năm mới có thể cho ra mắt sản phẩm này. Đến năm 1970, công ty lại một lần nữa đổi tên thành Sharp Corporation và cái tên đó được sử dụng đến tận ngày nay.

Trong những chuỗi phát minh của Tokuji, ông luôn cố gắng sáng tạo và không ngừng nghiên cứu để “Tạo ra những sản phẩm mà những công ty khác phải bắt chước làm theo”. Từ những năm 1970s trở đi, Sharp đã cho ra mắt những sản phẩm và thiết bị điện chất lượng như lò vi sóng, máy khuếch đại âm thanh, loa, máy cassette,...Trong quá trình này, Sharp đã giới thiệu công nghệ kỹ thuật số cho một số sản phẩm của Optonica, cùng với các sản phẩm analog truyền thống, và cung cấp lựa chọn đầy đủ các mẫu máy từ bộ thu công suất thấp đến các mẩu cực mạnh.

3-1633053297.jpg

Sau khi trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời cũng như để lại nhiều phát minh độc đáo, Tokuji Hayakawa đã qua đời vào ngày 24 tháng 6 năm 1980.

Từ quá khứ huy hoàng trở thành “kẻ núp bóng” thương hiệu

Sau khi Tokuji Hayakawa qua đời, Sharp vẫn tiếp tục hoạt động và cho ra mắt nhiều sản phẩm mới. Tuy nhiên, Sharp liên tục thua lỗ do những bước đi sai lầm của công ty. Sharp liên tục mở rộng các nhà máy sản xuất màn hình tivi trên khắp nước Nhật trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng giảm. Tập đoàn bắt đầu đứng trên bờ vực phá sản.

Để có thể tiếp tục duy trì hoạt động, Sharp đã phải “bán mình” để tìm kiếm nguồn vốn. Vào đầu năm 2016, Sharp đã đưa ra quyết định bán cổ phần của mình cho tập đoàn Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc) sau nhiều năm phải gồng mình với nợ nần và thua lỗ. Tới tháng 8 năm 2016, Foxconn đã hoàn tất thương vụ mua 66% cổ phần của Sharp với trị giá 3,5 tỷ USD. 

Nhờ thương vụ thâu tóm này mà Sharp đã từng bước hồi sinh trở lại với nhiều mục tiêu mới được đặt ra. Tuy nhiên, điều không thể thay đổi đó là Sharp giờ đây chỉ còn là một tập đoàn Trung Quốc núp bóng dưới quá khứ thành công của một thương hiệu Nhật Bản. 

Nguyên Thảo