Hạ tầng giao thông TP.HCM trong 10 năm tới

minhtam

hhh

Hệ thống metro, khởi đầu là tuyến Metro số 1, kết nối từ trạm Bến Thành tại Quận 1 đến trạm cuối - Depot Long Bình - tại Quận 9, được dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021, và dự án cầu Thủ Thiêm 2 sẽ tạo ra kết nối chặt chẽ khu vực phía đông. Trong 10 năm tới, những dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu đang được xây dựng theo quy hoạch sẽ tạo điều kiện kết nối thuận lợi giữa khu vực trung tâm và các khu vực khác trong TP.HCM.

Đường sắt đô thị

Sáng 13.10, tại Depot Long Bình (quận 9), đoàn tàu đầu tiên của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên được lắp ráp hoàn chỉnh đặt lên đường ray T1 sau 8 năm xây dựng. Năm 2021, tuyến metro số 1 của thành phố sẽ chính thức vận hành thương mại.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới) đang trong quá trình xin chủ trương đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị khác chỉ mới đang trong quá trình nghiên cứu hoặc đang tìm nguồn vốn đầu tư. Theo quy hoạch của thành phố, các dự án được hoàn thành sẽ tạo thành mạng lưới kết nối trung tâm thành phố với các khu vực khác.

Cầu, hầm vượt sông/ kênh

Theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030 được Sở GTVT trình chính quyền thành phố, TP.HCM cũng sẽ xây mới 34 cầu và một hầm vượt sông qua các sông, kênh lớn như sông Nhà Bè, Lòng Tàu, Thị Vải, Đồng Nai, Sài Gòn, Kênh Đôi, Kênh Tẻ, Chợ Đệm, rạch Ông Lớn, Xóm Củi, rạch Các. Phần lớn các cầu được hoạch định theo quy hoạch nằm trong các tuyến đường vành đai, đường trục và sẽ được đầu tư khi xây dựng các tuyến đường này.

Đề án đặc biệt đề cập tới 3 cây cầu có tính chất độc lập, kết nối giao thông như cầu Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4, cầu Cát Lái. Trong khi cầu Thủ Thiêm 3 và 4 làm nhiệm vụ nối các quận của TP.HCM thì cầu Cát Lái lại có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nối TP HCM với Nhơn Trạch, Đồng Nai, khi hình thành sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ qua phà Cát Lái.

Đường bộ

Cao tốc, quốc lộ

TP.HCM hiện có hai tuyến cao tốc đã hoàn thành là TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến Bến Lức - Long Thành đang thi công.

Đến năm 2030, TP.HCM dự kiến hoàn thành 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 365 km, trong đó đi qua điạ phận thành phố 58 km và 14 km đường nối.

Các quốc lộ hướng tâm như Quốc lộ 22, Quốc lộ 13 hiện chưa được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch sẽ đuợc tiếp tục triển khai cùng 4 tuyến khác.

Đường vành đai, nội đô

Hệ thống đường vành đai 2 vẫn chưa khép kín, các dự án vành đai 3, 4 chưa hình thành theo quy hoạch sẽ được triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Bốn tuyến trục chính đô thị chiều dài 101 km sẽ được hoàn chỉnh và xây dựng mới. 90 tuyến phố chính nội đô được cải tạo, nanag cấp. Thành phố xây dựng hệ thống 5 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài 71 km quy mô bốn làn xe.

Cảng

Cơ bản đã di dời các khu bến cảng trên sông Sài Gòn theo quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển theo quy hoạch đã được phê duyệt. Khu cảng Hiệp Phước với những hạn chế về luồng lạch hiện chưa hoạt động hiệu quả như kì vọng của thành phố. Trong khi đó, khu cảng Cát Lái năm 2019 sản lượng khai thác đạt 64,5 triệu tấn, vượt công suất quy hoạch 77,6% (quy hoạch đến 2020-2030 là 36,3 triệu tấn), dẫn đến tình trạng quá tải cho giao thông đường bộ kết nối khu vực cảng. Cụ thể gây tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía đông (nút giao Mỹ Thủy).

Hiện TP.HCM có 6 cảng cạn với công suất thiết kế 1.600 TEUs.

Trong giai đoạn tới, theo quy hoạch, thành phố sẽ phát triển thêm 7 ICD gồm Long Bình, Mũi Đèn Đỏ - Cát Lái, Bến Thành, Khu công nghệ cao, Linh Xuân, Củ Chi, Tân Kiên.

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Hạ tầng giao thông TP.HCM trong 10 năm tới" tại chuyên mục Khoa học quản lý.