Những công ty đa quốc gia lớn như Unilever đang tìm động lực tăng trưởng trên những kênh mới nổi như Grab. Thông qua đó, Grab cũng dần thể hiện rõ ràng hệ sinh thái của siêu ứng dụng.
Không chỉ làm việc với các nhà đầu tư, các công ty cung cấp dịch vụ tài chính, công nghệ mà Grab cũng tiến tới việc tích hợp những công ty toàn cầu sản xuất, gần đây nhất là Unilever.
Theo thông tin trong thông cáo báo chí, Grab cho biết, hợp tác sẽ hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ - những bên chưa tham gia vào thương mại điện tử, có thể chuyển sang các nền tảng trực tuyến. Đồng thời, Unilever cũng xem đây như một cơ hội để công ty sản xuất hàng tiêu dùng đa quốc gia này có thêm một kênh bán hàng.
Việc hợp tác với Unilever là lời khẳng định tiếp theo của Grab trong việc mở rộng hệ sinh thái. Grab cho biết sẽ kết hợp giữa nguồn dữ liệu sâu và đội ngũ logistics để hỗ trợ việc bán hàng của Unilever.
Việc bán hàng trên ứng dụng Grab của Unilever sẽ bắt đầu bằng sản phẩm kem thương hiệu như Wall’s, Ben & Jerry’s and Breyers do Unilever sở hữu. Sản phẩm sẽ lấy từ các cửa hàng, đặc biệt là các tiệm tạp hóa, tủ bán hàng của Unilever gần với khách hàng nhất. Mục đích của thử nghiệm này là để thúc đẩy các hộ bán hàng nhỏ lẻ đưa sự hiện diện của mình lên nền tảng của Grab trong tương lai.
Sẽ có khoảng 250 cửa hàng ảo của Unilever tại Malaysia, Philippines và Thái Lan được ra mắt trước trên nền tảng của Grab. Unilever cũng thể hiện tham vọng phát triển sản phẩm của mình trên kênh phân phối mới tại tám quốc gia Đông Nam Á, đồng thời thúc thúc đẩy các cửa hàng bán lẻ đưa danh sách sản phẩm lên nền tảng đi chợ Grab Mart.
Hiện tại, việc hợp tác của Grab và Unilever đã tiến hành tại Philippines - quốc gia đang gánh chịu khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19. Dự tính Indonesia, Singapore và các thị trường khu vực Đông Nam Á sẽ được Grab lần lượt triển khai từ đây đến cuối năm.
Dâng Phạm