Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo được diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban KHCN&MT Liên hiệp Hội Việt Nam. Tham dự hội thảo có Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; Đai diện Văn phòng và các Ban chuyên môn Liên hiệp Hội Việt Nam; Đại diện một số Viện nghiên cứu, trường đại học liên quan; Các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các hội thành viên, tổ chức Khoa học và Công nghệ trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam trong lĩnh vực liên quan.
PGS.TS Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịchLiên hiệp Hội Việt Namvà TS Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban KHCN&MTLiên hiệp Hội Việt Nam chủ trì hội thảo
Trong phát biểu chào mừng, định hướng hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hôi Việt Nam Phạm Ngọc Linh cho biết, Luật Chuyển giao công nghệ đã được quốc hội thông qua tại kỳ họp lần thứ III Quốc hội khóa XIV. Ngay sau khi Luật Chuyển giao công nghệ được thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ (Nghị định 76) cùng nhiều văn bản liên quan đến việc định hướng cũng như tổ chức quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ.
PGS.TS Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịchLiên hiệp Hội Việt Nam phát biểu định hướng hội thảo
Sau 6 năm thực hiện Nghị định 76 đã góp phần góp phần hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật và các chính sách liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng, đổi mới công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, Nghị định 76 cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách mới của Đảng, nhà nước; đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động chuyển giao công nghệ và thực hiện các quy định về thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động chuyển giao công nghệ.
Là tổ chức tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ của cả nước, có thế mạnh phát huy vai trò của các chuyên gia trong việc tư vấn, phản biện chính sách, đồng thời thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018” nhằm trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Nghị định theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan soạn thảo Nghị định.
Phó Chủ tịch Liên hiệp Hôi Việt Nam Phạm Ngọc Linh cho rằng, các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ cũng như việc ứng dụng vào thực tiễn nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước, thu hút chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, cũng như hoạt động chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài.
Đại diện Ban soạn thảo Nghị định 76, ông Bùi Văn Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trình bày tóm tắt các nội dung sửa đổi Nghị định 76. Theo ông Bùi Văn Hùng, Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018, trong đó quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 9, 10, 11, 27, 31, khoản 3 Điều 32, Điều 35, 36, 40, 42, 43, khoản 3 Điều 48 của Luật Chuyển giao công nghệ liên quan đến Danh mục công nghệ, quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ; tổ chức đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ; hỗ trợ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung gồm có 4 Điều. Trong đó: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật CGCN; Điều 2. Bãi bỏ các Điều 20 và Điều 31 của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP; Điều 3. Hiệu lực thi hành; Điều 4. Trách nhiệm thi hành.
Ông Bùi Văn Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu tại hội thảo
Ông Bùi Văn Hùng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP phải bám sát các quan điểm, chỉ đạo, yêu cầu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về việc đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, thu hút chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước; Bám sát các quy định của Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 giao Chính phủ quy định chi tiết để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; Kế thừa các quy định hiện hành của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP, đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 và quy định của phát luật có liên quan.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cảm ơn sự phối hợp của Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong hệ thống thông qua việc tổ chức hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu cơ bản đồng ý với các điều cụ thể của Dự thảo và đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, đúng quy trình của Ban soạn thảo Nghị định 76. Các đại biểu đã có ý kiến góp ý cụ thể, chi tiết đối với bố cục và nội dung của Dự thảo Nghị định, đồng thời đề xuất một số nội dung như: đơn giản hóa các thủ tục từ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao và tiếp nhận các công nghệ mới; tạo thuân lợi cho việc tiếp nhận chuyển giao các công nghệ trong tình hình thực tiễn hiện nay.
Các đại biểu cũng dành nhiều sự quan tâm đến các danh mục chuyển giao công nghệ theo hướng đề nghị ứng dụng công nghệ để xây dựng các danh mục này theo hướng mở, linh hoạt, tập trung vào các danh mục khuyến khích, ưu tiên chuyển giao và hạn chế chuyển giao. Với các danh mục cấm cần có sự rà soát chặt chẽ, cụ thể để tránh giải quyết hậu quả của các công nghệ lạc hậu, độc hại; đề nghị bổ sung một số phụ lục, một số biểu mẫu để tạo sự thuận lợi cho các đơn vị khi triển khai thực hiện …
Đại biểu trao đổi, góp ý tại hội thảo
Đại biểu trao đổi, góp ý tại hội thảo
Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam - Lê Công Lương cảm ơn các ý kiến tâm huyết, có tính khoa học cao của các đại biểu. Phó Tổng Thư ký Lê Công Lương đề nghị Tổ thư ký hội thảo tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến trao đổi, thảo luận, đề xuất của các đại biểu để có báo cáo gửi Bộ Khoa học và Công nghệ trong thời gian sớm nhất.
Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam - Lê Công Lương phát biểu tổng kết hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo